• Zalo

Dân biến trụ sở xã thành... bãi rác

Thời sựThứ Hai, 01/12/2014 12:10:00 +07:00Google News

Chiếc xe tải to án ngữ lối vào trụ sở UBND, phía trong 2 chiếc xe to không kém chở đầy rác choán gần hết phần sân của ủy ban xã.

Trưa 21/11, chiếc xe tải to án ngữ lối vào trụ sở UBND, phía trong 2 chiếc xe to không kém chở đầy rác choán gần hết phần sân của ủy ban... khiến nơi đây như điểm thu mua ve chai.

Tất cả đều do rác

Có mặt tại xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên trưa 21/11, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là 1 chiếc xe tải to đùng án ngữ lối vào trụ sở. Phía trong, 2 chiếc xe to không kém chở đầy rác choán gần hết phần sân của UBND. Các loại rác vung vãi khắp nơi, khiến khách từ xa tới có cảm tưởng nơi đây là một điểm... thu mua ve chai chứ không phải trụ sở cơ quan công quyền!

Ông Phạm Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Từ năm 2007, HTX Thương mại & Dịch vụ Phúc Lợi (HTX) đã được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải tại khe Đá Mài (thôn Hồng Thái 1).

Rác thải đưa vào khu xử lý của HTX là loại nguy hại. Ảnh: Trần Thụ 

Thời gian đầu hoạt động của HTX ít gây ảnh hưởng tới môi trường nên tình hình không mấy phức tạp. Tháng 10/2014, HTX xây dựng lò tái chế đồng và túi bóng phế thải thì người dân bắt đầu phản ứng mạnh. Trong 2 lần phía HTX “nổi lửa”, người dân đã có ý kiến, đến đêm 17/10, HTX vẫn cố tình đốt lò, mùi khét bốc ra nồng nặc lan rộng trong bán kính khoảng 2,5km. Không chịu nổi việc ô nhiễm, người dân đã kéo đến phân xưởng, HTX yêu cầu dừng sản xuất.


Ngày 18/10, UBND xã đã làm việc với lãnh đạo HTX và các đoàn thể của 5 xóm gồm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, Soi Vàng, Tân Thái và Nam Thái, yêu cầu HTX dừng lò tái chế đồng, nylon phế liệu vô điều kiện. Tuy nhiên, nhà máy này vẫn hoạt động.

Chiều 18/11, người dân đã lập trạm, không cho xe của HTX ra vào khu xử lý chất thải ở khe Đá Mài. UBND xã lại phải xuống vận động và đề nghị HTX tạm dừng hoạt động. Sáng 19/11, UBND xã lại tiếp tục làm việc với các ngành chức năng của tỉnh, TP.Thái Nguyên, HTX và đại diện 5 xóm và nhân dân trong xã.

Tại buổi làm việc này HTX đã cam kết tháo dỡ lò tái chế đồng, nylon phế thải - hoàn thiện lò tái chế lốp cũ và dầu phế thải. UBND xã cũng thông báo yêu cầu tháo dỡ lò tái chế đồng, nylon và hoàn thiện quy trình đốt dầu thải, lốp cũ nguy hại theo quy trình... Tuy nhiên đến chiều 20/11, người dân đã tập trung – lập “bản doanh” ngay cổng, chặn xe chở chất thải và... đổ vào sân UBND xã!


Sống chết vì... môi trường


Trao đổi với chúng tôi ngay tại “doanh trại”, ông Nguyễn Văn Công ở xóm Soi Vàng nói: “Người dân chúng tôi yêu cầu HTX chuyển sang ngành nghề khác, không xử lý chất thải ở đây nữa. Họ cũng đã hứa, các ban ngành cũng đã vào làm việc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa ai giải quyết. Ai đời giữa khu dân cư đông đúc mà họ đem dầu thải, lốp xe cũ, bo mạch điện tử vào đốt mùi bốc khét không thể chịu được”.

Anh Trần Tiến Anh (xóm Tân Thái 1) cũng bày tỏ: Vịt thả xuống hồ bại liệt không thể bơi, trâu lội qua suối bị co gân không đi được. Người già, trẻ em thì dính nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp. Có nhiều em đang trong giờ học bị đổ máu cam... “Môi trường sống của chúng tôi bị ảnh hưởng trầm trọng, chính quyền không giải quyết được thì người dân phải tự đứng ra cứu lấy mình...” - anh bức xúc.

Xung quanh việc người dân phản ứng với hoạt động của HTX, bà Lưu Thị Lịch – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: HTX được cấp có thẩm quyền cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Mỗi tháng HTX xử lý khoảng 200 tấn rác thải nguy hại chủ yếu là các bo mạch điện tử (phế liệu), túi bóng, lốp cũ.... Tuy nhiên bà Lịch cũng thừa nhận đã sai khi đưa vào vận hành khu lò tái chế đồng và túi nylon mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

“Khi đốt lên mùi quá khủng khiếp, khi người dân phản đối, HTX đã dừng hoàn toàn 2 khu lò. Đến nay chúng tôi đã tháo dỡ toàn bộ dây 2 chuyền, giờ đây nó chỉ còn là đống sắt vụn. Hai lò này chúng tôi mới làm thử nghiệm, tuy nhiên do chủ quan nên không lường hết được hậu quả” - bà nói

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều 28/11, ông Phạm Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương đã kiên trì vận động thuyết phục, nhưng đến nay người dân vẫn chưa chịu cho xã giải tỏa 3 xe chở rác (bị người dân “ách” lại đổ vào trụ sở UBND xã). Chính quyền TP.Thái Nguyên cũng chỉ mới có các hỗ trợ bằng… công văn với chính quyền xã. Mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, 3 xe rác vẫn án ngữ trước cổng vào trụ sở xã Tân Cương.
 Hiện tại mọi hoạt động của HTX đã bị “vô hiệu hóa”, xe vào bị cấm là một nhẽ, kể cả những xe được phép chở chất thải qua sơ chế đi nơi khác cũng bị cấm. Toàn bộ khu vực nhà máy xử lý chất thải của HTX trở thành “ốc đảo”, cái “túi ô nhiễm” như quả bóng lơ lửng trên đầu gần 6.000 dân xã Tân Cương.

Theo Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn