SCMP đưa tin, hiện không có dấu hiệu rõ ràng từ Bắc Kinh hoặc Washington về thời điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo giữa hai bên. Vòng đàm phán mới được chờ đợi từ lâu giữa trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vẫn chưa được lên lịch trình.
Lần gần đây nhất các quan chức Mỹ và Trung gặp nhau để trao đổi về vấn đề thương mại diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, trước thời điểm hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào giữa tháng 11.
"Bây giờ, Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào bế tắc, các cuộc đàm phán tiếp theo vẫn chưa hình thành. Nếu Trung Quốc chủ động hơn, có thể có một số thay đổi, vì các cuộc đàm phán thực sự có lợi hơn cho chúng tôi", Huo Jianguo, cựu trưởng nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.
SCMP dẫn nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán cũng có thể bị trì hoãn vì lý do kỹ thuật khi Mỹ đang điều chỉnh mã thuế quan của mình. Mỹ đang sửa đổi biểu thuế để phù hợp với những thay đổi của Tổ chức Hải quan thế giới, có hiệu lực vào hôm 1/1.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cam kết của Trung - Mỹ trong 2 năm sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ so với 2017, đã hết hạn vào cuối tháng 12 và sẽ mất thời gian để các số liệu cuối cùng được xác nhận.
Theo tính toán của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ đạt 62% tính đến cuối tháng 11, trong khi số liệu xuất khẩu của Mỹ đưa ra con số 60%.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giảm xuống 36,95 tỷ USD trong tháng 11 từ mức 40,75 tỷ USD trong tháng 10.
Cuối tháng 12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã nỗ lực để vượt qua "nhiều tác động bất lợi" từ COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng kể từ khi thỏa thuận giai đoạn một được ký kết vào tháng 1/2020.
Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ “tạo bầu không khí tốt đẹp và các điều kiện để hai bên mở rộng hợp tác thương mại”. Trong bối cảnh vắng bóng các cuộc đàm phán thương mại cấp cao, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang kể từ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden, dẫn đến việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên.
Bình luận