Tin tức về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào cuối tháng 8 mang tới những tín hiệu lạc quan cho thị trường chứng khoán Mỹ. Giá cổ phiếu của một số công ty nằm trong tâm điểm cuộc chiến thương mại nhảy vọt. Cổ phiếu công ty cung cấp sản phẩm nông nghiệp Bunge tăng 1,6% sau 9 tháng ở mức thấp. Procter&Gamble, công ty sản phẩm gia dụng tăng 1,5% lên 83,5 USD một cổ phiếu, mức cao nhất kể từ tháng 2. Công ty dụng cụ Stanley Black&Decker cũng tăng đến 1,5% sau ngày 15/8.
Dù vậy, các nhà quan sát vẫn đưa ra dự đoán khá u ám về việc cuộc đàm phán tới đây, cho rằng đó không phải là giải pháp thực sự.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/8 thông báo đã chấp nhận lời mời đối thoại từ Mỹ và sẽ cử phái đoàn do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu đến cuộc gặp. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow xác nhận Mỹ sẽ đón phái đoàn Trung Quốc cuối tháng 8 trong bối cảnh hai nước tìm kiếm giải pháp thoát khỏi cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang.
Theo SCMP, ông Davis Malpass – Thứ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đối thoại.
Trả lời CNBC, ông Kudlow, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, cảnh báo trước cuộc gặp rằng “chính phủ Trung Quốc, một cách tổng thể, đừng đánh giá thấp sự cứng rắn và quyết tâm tiếp tục cuộc chiến để loại bỏ các hàng rào và hạn ngạch thuế quan và phi thuế quan của Tổng thống Trump”. Trong khi đó bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại của Washington, nhưng chào đón đối thoại dựa trên nguyên tắc có đi có lại, bình đẳng và toàn vẹn.
Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra như thế nào? (Nguồn: SCMP)
Việc ông Malpass – một quan chức cấp thấp được lựa chọn dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng đưa ra thỏa thuận thành công khi Tổng thống Donald Trump từng có xu hướng từ chối thỏa thuận của ngay cả các quan chức cấp cao hơn trước đó thực hiện.
“Bộ Tài chính không chịu trách nhiệm về thương mại và Malpass không phải đúng người mà họ cần nói chuyện cùng” – Derek Scissors, học giả tại Viện doanh nghiệp Mỹ nhận định. “Tôi chỉ thấy đây là miếng mồi cho thị trường chứng khoán”
Sự bi quan này cũng là quan điểm chung của một số nhà quan sát khác. Họ cho rằng ít có khả năng xảy ra điều gì đột phá vì mất cân bằng thương mại đã gây ra rạn nứt sâu sắc và cả hai nước đều ngày càng nhận thức được rằng cuộc đối đầu đã vượt ra khỏi lĩnh vực thương mại và kinh tế.
James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho rằng ông Malpass không có thẩm quyền để đàm phán được duy trì vững chắc. “Tất cả những gì ông ấy đạt được ở đàm phán, bao gồm giao thức cơ bản hoặc khả năng diễn ra cuộc đàm phán tiếp theo, có thể bị nhiều quan chức khác trong chính quyền Trump bác bỏ." - ông nói.
Bắc Kinh và Washington đang kẹt giữa cuộc xung đột thương mại từ tháng 7, khi lệnh áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của cả hai bên bắt đầu có hiệu lực. Washington chuẩn bị gói thuế tiếp theo lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực ngày 23/8 và Bắc Kinh đã nói sẽ đáp trả động thái này.
Không có cuộc đối thoại cấp cao nào giữa hai bên diễn ra từ tháng 6, tuy nhiên SCMP dẫn các nguồn tin cho biết họ đã liên lạc không chính thức từ tháng 7/2018 để thảo luận về khả năng khôi phục đàm phán.
Các cuộc đàm phán thương mại trước đó được tổ chức từ tháng 3-6/2018 do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đứng đầu đoàn Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đứng đầu đoàn Mỹ. Tuy nhiên không đạt được kết quả khả quan nào, thậm chí phản ứng gay gắt của Tổng thống Trump về những điều kiện Trung Quốc đưa ra càng khiến cuộc đối đầu thương mại thêm căng thẳng.
Bình luận