Hy vọng về một thỏa thuận nhanh chóng giữa Mỹ và Trung Quốc tiêu tan khi cuộc gặp ngày 31/7 kết thúc sớm hơn kế hoạch mà không có thỏa thuận. Phái đoàn Mỹ lập tực ra sân bay về nước. Kết quả này kéo dài thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ít nhất một tháng.
Hai bên ra những tuyên bố ngắn gọn sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 kêu gọi "đình chiến".
Theo Reuters, Trung Quốc và Mỹ vẫn mâu thuẫn về các cuộc biểu tình ở Hong Kong, vấn đề Biển Đông ngay cả khi ông Trump tập trung hơn vào cuộc tái tranh cử năm 2020. Nhà Trắng và Bộ Thương mại Trung Quốc, từng mô tả các cuộc họp ở Thượng Hải là mang tính xây dựng nhưng đưa ra những quan điểm khác nhau về việc mua hàng nông sản Mỹ.
Những lo ngại mới về cuộc chiến thương mại và khả năng mâu thuẫn kéo dài với ít tiến triển trong thời gian ngắn đè nặng lên thị trường toàn cầu ngày 31/7. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin rời Thượng Hải chỉ với một chút cam kết trong tay là sẽ tiếp tục nói chuyện với phía Mỹ vào tháng 9. Cuộc gặp tại Thượng Hải cũng không kéo dài, thậm chí kết thúc trước kế hoạch 40 phút, chỉ gồm một bữa ăn tối làm việc tại khách sạn Fairmont Hòa bình hôm 30/7 và cuộc họp nửa ngày hôm 31/7.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết "cả hai bên đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn, hiệu quả, mang tính xây dựng và sâu sắc về các vấn đề thương mại và kinh tế lớn vì lợi ích chung". Họ cho biết các nhà đàm phán đã thảo luận về việc Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ nhưng không nói về thỏa thuận nào.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham nói trong một tuyên bố: "Chúng tôi dự kiến các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại có thể thực hiện được sẽ tiếp tục tại Washington... vào đầu tháng 9. Phía Trung Quốc khẳng định cam kết tăng cường mua nông sản của Mỹ."
Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Toàn cầu do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành, viết trên Twitter rằng các nhà đàm phán đã thảo luận về việc mua thêm nông sản Mỹ và Mỹ "đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc này".
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm rung chuyển thị trường tài chính khi mỗi bên áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. IMF cảnh báo tranh chấp thương mại sẽ làm giảm 0,2% sản lượng toàn cầu.
"Khả thi và thực tế"
Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, đại diện cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, cho biết họ rất vui khi hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán.
"Chúng tôi hy vọng các nhà đàm phán sẽ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận khả thi và thực tế để thỏa hiệp và đưa ra kết luận mở rộng tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài, cải thiện việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cuối cùng là cải thiện sân chơi cho các công ty nước ngoài hoạt động" - theo tuyên bố từ hội đồng.
Trước cuộc gặp, giới quan sát không kì vọng một thỏa thuận có thể được đưa ra ngay lập tức. Một cuộc khảo sát chính thức của chính phủ Trung Quốc công bố hôm 31/7 cho thấy hoạt động của các nhà máy trong tháng 7 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhấn mạnh áp lực gia tăng mà tranh chấp thương mại đặt ra cho nền kinh tế số 2 thế giới.
Các cuộc đàm phán ở Thượng Hải ban đầu dự kiến tập trung vào các cam kết của Trung Quốc trong việc mua nông sản Mỹ và các bước đi của Mỹ nhằm giảm bớt lệnh trừng phạt đối với Huawei, theo nguồn tin của Reuters. Nhà Trắng tuyên bố các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc, chuyển giao công nghệ bắt buộc và vi phạm sở hữu trí tuệ cũng đã được thảo luận.
Trong khi đó tường thuật từ Trung Quốc về các cuộc thảo luận không đề cập đến bất kỳ vấn đề phi nông nghiệp nào.
Vòng đàm phán mới bắt đầu lại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ thỏa thuận dự thảo hồi tháng 5, thúc đẩy một đợt tăng thuế quan mạnh mẽ của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei, động thái khiến các quan chức Trung Quốc nổi giận.
Ông Trump nói sau cuộc họp ở Osaka sẽ không áp dụng mức thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu cuối cùng của Trung Quốc và sẽ giảm bớt một số hạn chế của Mỹ đối với Huawei nếu Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ. Nhưng không có nhiều giao dịch mua bán lớn được biết đến cho đến nay. Trong khi đó, các nhà sản xuất phần mềm và bán dẫn Mỹ vẫn "mù mờ" về kế hoạch của chính quyền với Huawei.
Bình luận