Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sẽ lần thứ 13 ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức Mỹ trong 2 ngày 10-11/10.
Tuy nhiên, trong lần thương thảo này, ông Lưu không mang chức danh đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy ông không nhận được bất cứ chỉ thị cụ thể nào từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
SCMP dẫn một nguồn thạo tin cho biết phái đoàn Trung Quốc có thể cắt ngắn thời gian ở lại Washington lần này.
"Kế hoạch ban đầu của phái đoàn Trung Quốc là rời Washington vào ngày 12/10, nhưng lịch về có thể đẩy lên ngày 11", nguồn tin cho biết.
Thông tin này làm giảm kỳ vọng về vòng đàm phán sắp tới và cho thấy 2 bên vẫn đang mâu thuẫn, chưa tìm được tiếng nói chung cho các vấn đề từng gây ra sự sụp đổ trong vòng đàm phán hồi tháng 5. Mỹ khi đó đổ lỗi cho Trung Quốc từ bỏ các cam kết 2 bên thống nhất trước đó vào phúc chót, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington cố gắng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trong vấn đề kinh tế.
Bầu không khí của cuộc đàm phán tuần này cũng trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Tổng thống Trump cảnh báo việc Trung Quốc xử lý tình trạng bất ổn của Hong Kong nếu theo hướng tiêu cực có thể ảnh hưởng tới kết quả đàm phán.
Bên cạnh đó, Washington cũng mới bổ sung 28 công ty và cơ quan chính phủ Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Trung Quốc kịch liệt phản đối, kêu gọi Mỹ tránh xa các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.
Tình hình cũng trở nên phức tạp hơn khi ông Trump công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các vấn đề kinh doanh của con trai cựu Tổng thống Joe Biden.
Cho tới tận đầu tuần, Taoran Notes, một blog của Nhật báo Kinh tế dưới một bút danh trên mạng xã hội WeChat vẫn bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán sắp tới. Tuy nhiên vào 8/10, blog này thay đổi giọng điệu, nói rằng kết quả các các cuộc đàm phán sắp tới là sự tiếp nối của việc "vừa nói chuyện và đối đầu".
Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 15/10, tức là chỉ vài ngày sau khi đàm phán kết thúc.
Ông Kuijs tới từ Tập đoàn Oxford Economics dự đoán Mỹ vẫn sẽ triển khai kế hoạch áp thuế vào ngày 15/10 và như thường lệ Trung Quốc sẽ tìm cách trả đũa. Tuy nhiên, ông kỳ vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ để ngăn chặn vòng áp thuế mới vào tháng 12.
Mỹ đe dọa áp thuế 15% với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12.
Bình luận