Vụ gây rối ở TP Phan Thiết và thị trấn Phan Rí Cửa của tỉnh Bình Thuận ngày 10-11/6 có thể nói là sự kiện chấn động dư luận trong những ngày vừa rồi. Kinh hãi, bàng hoàng và buồn bã, thất vọng là tâm trạng chung của rất nhiều người trước hành vi gây rối, đốt phá xe cộ, trụ sở các cơ quan Nhà nước và tấn công lực lượng chức năng của đám đông quá khích.
Sau sự việc này, những luồng thông tin về nguyên nhân của vụ gây rối được nhận định, suy đoán thậm chí là suy diễn theo nhiều cách khác nhau.
Một số ý kiến đang lan truyền trên mạng xã hội cho rằng nguyên nhân của vụ việc là do sự phẫn uất, bất mãn lâu năm của người dân nơi đây với chính quyền địa phương.
Những thông tin này cứ thế được chia sẻ, đồn thổi mà không kiểm chứng. Rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn người trên mạng xã hội.
Thực tế, có đúng là người dân Bình Thuận bất mãn với chính quyền hay không? Một phần nào đó có thể là đúng. Nhưng nếu có, đó cũng là điều bình thường ở bất cứ nơi nào tồn tại mối quan hệ giữa công dân và chính quyền. Khi mà mỗi ngày đều có thể xảy ra nhiều việc khiến người dân tỏ thái độ phản ứng, khó chịu.
Bình Thuận cũng như nhiều địa phương khác, có những vấn đề như tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo; cơ sở vật chất tại địa phương thiếu thốn; những tranh chấp, bất công chậm giải quyết, xử lý,…có thể dẫn đến sự tức tối, bực dọc của người dân đối với chính quyền.
Nhưng những bức xúc đó, nếu có, cũng không đến mức để người Bình Thuận phải hành động điên rồ, tấn công, đốt phá hàng chục xe công vụ và làm nhiều chiến sĩ bị thương.
Qua 4 ngày từ 10 -14/6 có mặt tại các điểm nóng tỉnh Bình Thuận, phóng viên VTC News đã tiếp xúc với rất nhiều người dân và nghe được các ý kiến từ chính người trong cuộc.
Ông N.V.B (trú tại huyện Tuy Phong) chia sẻ, ông ở Bình Thuận hàng chục năm nay chưa bao giờ chứng kiến sự việc xảy ra như ngày 10-11/6.
"Lãnh đạo địa phương và người dân Bình Thuận sống rất chan hòa, có sự quan tâm lẫn nhau. Riêng về quan điểm cá nhân của tôi, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận rất quan tâm đến đời sống nhân dân, do đó không có thể nào xảy ra việc mâu thuẫn giữa người dân và cán bộ tại địa phương. Chỉ trừ khi người dân bị xúi, kẻ xấu cho tiền mới dẫn đến việc gây rối, làm mất an ninh trật tự", ông B. khẳng định.
Nhiều người dân khác khi được hỏi cũng khẳng định: "Không có sự bất mãn của dân với chính quyền", hoặc "Cũng có mâu thuẫn nhưng những chuyện nhỏ, lẻ, không phải là bức xúc lớn, không phải vì vậy mà người dân xuống đường đập phá như vừa rồi".
Người Bình Thuận cũng không nghèo khổ đến mức cùng đường, mất hết lý trí để tung hê, đốt phá tất cả, bất chấp luật pháp.
Một ngư dân Bình Thuận có gia đình 5 đời làm thủy sản từng chia sẻ với phóng viên rằng, người Bình Thuận thật ra cuộc sống tương đối khá. Bao đời nay người Bình Thuận bám biển và được ưu đãi từ những tài nguyên biển chất lượng nhất.
Những người rời quê đi chỉ vì muốn học lên cao, muốn tìm một môi trường mới chứ chẳng mấy ai bỏ quê đi vì nghèo.
Thế thì vì sao người Bình Thuận vốn có cuộc sống an ổn, nổi tiếng hiền lành nay lại quá khích như vậy? Câu trả lời thực ra cũng đã khá rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn không chịu tìm hiểu kỹ mà cố tình suy diễn theo hướng kích động mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, nhằm mục đích khác.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận, đơn vị này đã bắt giữ hàng trăm người người dân quá khích đập phá, ném bom xăng làm hư hỏng nhiều đồ đạc, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, nhiều nghi can trong số đó còn có hành vi kích động, đưa tiền xúi giục người dân gây rối, đập phá.
T.M.Q, một nghi can (dưới tuổi vị thành niên, trú Bình Thuận) khai nhận: "Tối 10/6, trên đường đi chơi thì phát hiện nhiều người kéo xuống đường gây rối. Lúc này, có một người phụ nữ lạ mặt đến đưa 300 ngàn đồng cho em, sau đó dặn đi theo nhóm người này, thấy ai làm gì thì làm theo đó.
"Cầm tiền của người phụ nữ lạ mặt xong, em đi cùng với đám đông. Khi đến UBND tỉnh Bình Thuận thì có người đưa đá cho em để ném vào trụ sở. Do thấy nhiều người làm, tinh thần lúc đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên cứ làm theo nhiều người đi trong đám đông đó", T.M.Q nói.
VTC News cũng đã đưa tin công an Bình Thuận bắt được một nghi can (Ngô Duy Nam, SN 1982, trú tỉnh Bình Phước) là người trực tiếp đưa tiền, xúi giục người khác gây rối, phá hoại tài sản cơ quan Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên tại điểm nóng ở huyện Tuy Phong, một người dân cũng khẳng định, có một nhóm lạ mặt đến nhà người dân địa phương kêu gọi xuống đường gây rối, đập phá.
"Người dân chúng tôi ở đây sống rất hiền hòa, tuy nhiên không hiểu những người lạ ở đâu xuất hiện đến kêu gọi mọi người đi ra đường chặn xe, ném đá, đốt trụ sở làm tôi vô cùng xấu hổ. Những người này làm hoàn toàn sai pháp luật, hành vi trên tôi để nghị pháp luật xử lý nghiêm để răn đe cho người khác. Người dân cần phải bình tĩnh xử lý mọi việc, không nên nghe theo lời xúi giục người khác để làm ảnh hưởng đến nhiều người thân của chính họ", người này cho biết.
Cùng quan điểm như trên, một cựu chiến binh ở tỉnh Bình Thuận phẫn nộ nói: "Bao nhiêu năm nay, người dân nơi đây sống sống bình yên. Bất ngờ hôm nay, có nhiều thành phần xấu kích động người dân, kéo xuống đường để gây rối làm ảnh hưởng đến hình ảnh con người dân Bình Thuận".
Cựu chiến binh này nói thêm, sự manh động này còn ảnh hưởng lâu dài đến phát triển du lịch, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là những nơi trực tiếp xảy ra các vụ gây rối. "Và như vậy họ đích thị là những kẻ phá hoại mang danh lòng yêu nước".
Ông Trần Tiêu (trú ở Bình Thuận) chia sẻ, ông chứng kiến nhiều người kéo ra đường gây nhiễu loạn, cầm đá ném vào trụ sở gây thiệt hại cho Nhà nước, đó là những người không hiểu biết pháp luật, làm xấu bộ mặt của người dân nơi đây.
"Các đối tượng xúi giục cần phải xử lý nghiêm, còn các thanh niên bị khích động thì gia đình, địa phương sẽ có trách nhiệm quản lý. Đặc biệt, người dân phải bình tĩnh không nghe lời của kẻ xấu xúi giục gây thiệt hại kinh tế, danh dự của mình và người thân. Tôi không đồng ý việc người dân Bình Thuận gây ra sự việc khiến nhiều người cả nước phải bất bình như vậy, họ làm như vậy là sai, quy phạm pháp luật nghiêm trọng", ông Tiêu nói.
Video: Xem xét khởi tố vụ gây rối ở Bình Thuận
Một chi tiết nữa, đó là trong số hàng chục nghi can bị tạm giữ vì gây rối ở Bình Thuận thì hầu hết là đối tượng thanh thiếu niên, trong đó có nhiều người nghiện game, ma túy, đánh bài và từng có nhiều tiền án tại địa phương. Những đối tượng này đều khai nhận được cho tiền để xuống đường, tụ tập gây rối, đập phá.
Như vậy, rõ ràng có sự kích động của những đối tượng bí ẩn nào đó, đứng đằng sau cố tình giật dây, thổi phồng lên câu chuyện về sự bất mãn, uất ức của người dân nhằm đẩy toàn bộ trách nhiệm và tội lỗi lên chính quyền. Và nhóm người gây rối, đập phá không đại diện người dân ở Bình Thuận nói chung, cũng như, đa số những người xuống đường la hét, ném đá bị cuốn theo đám đông mà không biết họ đang làm gì.
Có thể nhận thấy, những hành vi cố tình xuyên tạc, thổi phồng câu chuyện của các đối tượng kích động nhằm đánh lạc hướng dư luận là cực kỳ nguy hiểm cho tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang lòng dân.
Thế nên, trong khi cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những kẻ đứng đằng sau vụ gây rối tại Bình Thuận, thì bất cứ nguyên nhân nào được đưa ra cũng mang đầy cảm tính, suy diễn cần cân nhắc để tránh cho sự việc bị chệch hướng, tạo ra những hệ lụy đáng tiếc.
Bình luận