Triển vọng phát triển kinh tế toàn vùng
Trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước, khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ phát triển 06 trung tâm logistics hạng I, hạng II trong tầm nhìn đến 2030.
Tại Dự thảo Định hướng sắp xếp phân bổ không gian vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT đề xuất phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng sinh thái; phát triển không gian kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước và khu vực...
Trong đó, riêng về hạ tầng giao thông, cần tập trung ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch; nâng cấp các sân bay đạt tiêu chuẩn có chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển cao tốc nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Nam Trung Bộ; hình thành trung tâm đầu mối đa phương thức, logistics hiện đại. Như vậy, các trung tâm logistics sẽ trở thành động lực, mở ra triển vọng phát triển mới cho khu vực Tây Nguyên.
Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, Gia Lai không chỉ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nhờ 2 cửa khẩu quốc tế mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Với định hướng trở thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, Gia Lai đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối, hoàn chỉnh - điều kiện tiên quyết để có hệ thống logistics.
Trong đó, tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Quy Nhơn (Bình Định) với tổng mức đầu tư 56.000 tỷ đồng sẽ là điểm dẫn nối kinh tế toàn vùng phát triển đồng bộ. Tuyến cao tốc này sẽ song song với Quốc lộ 19, khi hình thành sẽ là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc - Nam), từ đó tạo thành một dải liền mạnh, thông thoáng, tạo động lực cho Tây Nguyên vươn khơi ra biển lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai vừa kêu gọi đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Logistics Tây Nguyên phục vụ cho tam giác phát triển TP Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang. Đây chính là chìa khóa mở ra tiềm lực của các địa phương kết nối, từ đó tạo đà và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.
Đầu tư cơ sở hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư
Ở cửa ngõ TP Pleiku, Đak Đoa nằm trên trục vươn biển của khu vực Tây Nguyên, chiếm vị trí trọng điểm trên tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Đây sẽ là điều kiện phát triển đặc biệt quan trọng của Đak Đoa. Đồng thời, việc tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics Tây Nguyên sẽ giúp hàng hóa của Đak Đoa dễ dàng chu chuyển tới các địa phương trong khu vực, ra cả nước và ra thế giới.
Ở cửa ngõ của TP Pleiku, Đak Đoa được kỳ vọng sẽ là đô thị vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thương với các khu vực Tây Nguyên. Trong quy hoạch phát triển, Đak Đoa sẽ lên đô thị loại 4. Như vậy nơi đây sẽ là địa điểm kết nối phát triển kinh tế, chính trị, giáo dục của toàn vùng.
Nhờ những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cộng hưởng với chiến lược phát triển trung tâm Logistics Tây Nguyên của tỉnh, Đak Đoa đang trở thành 1 trong 3 trọng điểm thu hút đầu tư của Gia Lai.
Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược của địa phương cũng như sự chỉ đạo của UBND Tỉnh Gia Lai – kết nối mở rộng thành phố Pleiku, Quy hoạch khu trung tâm hành chính mới mở rộng của Pleiku tại Đak đoa trên tổng diện tích 128ha do Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) xây dựng và quy hoạch khẳng định vị thế trọng điểm của Đak Đoa trong trục phát triển “mới” của Tây Nguyên.
Đak Đoa đang tập trung cải thiện hạ tầng giao thông kết nối, cải thiện bộ mặt đô thị để thu hút dòng vốn đầu tư đang chảy vào Gia Lai. Huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ để thu hút đầu tư.
Bình luận