Võ đường Phi Long Vịnh (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định) nằm cạnh cây đại thụ sừng sững với những tán lá rộng che bóng mát cho cả góc sân trước làm không khí trong nhà luôn được mát mẻ, dễ chịu.
Đại võ sư Trương Văn Vịnh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Ông được hai người ông là Trương Hổ và Trương Ninh truyền dạy võ thuật từ năm 9 tuổi.
Ông cũng được cha là Trương Cẩn và 2 người bác ruột là Trương Hoàng (Ba Chăm), Trương Xuân Ba (Sáu Hòa) đào luyện thành tài.
Theo võ sư Vịnh, trong số những bài võ mà ông được học, độc đáo nhất phải kể đến Ngọc trản thần công (Ngọc trản ngân đài) - bài võ có gốc gác khởi nguồn từ ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến (người đã dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn).
Võ sư Vịnh cho biết, để lĩnh hội hết ý nghĩa bài quyền pháp, ai tinh thông lắm cũng mất vài chục năm. Ngọc Trản thần công khi đánh là đánh liên hoàn, quyền nhiều hơn cước, đánh trong phạm vi hẹp. Mỗi khi xung trận, chỉ còn một con đường là đánh gục đối phương
Khi giao đấu quyền, Ngọc trản tỏ ra rất mạnh mẽ, khi tung quyền trúng đòn, thì chỉ có công liên hoàn, khiến đối phương mất khả năng chiến đấu trong tức khắc.
Lời thiệu của bài Ngọc trản mỗi câu ứng với từ 7 đến 9 động tác, được kết hợp chặt chẽ giữa cương và nhu, bộ tay và bộ chân phối hợp hài hòa, ảo diệu, đòn thế trong tấn công chặt chẽ, kín đáo. Bộ chân di chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, trụ vững chắc tạo cho bộ tay thêm linh hoạt, ra đòn nhanh, mạnh, chính xác.
Sự phối hợp giữa bộ tay và bộ chân tạo ra sự uyển chuyển, biến hóa hư hư thực thực, làm đối phương không biết đâu mà lường.
Đón tôi với nụ cười niềm nở, tay áo vén cao, quần ống thấp ống cao, lão võ sư Trương Văn Vịnh hiện lên hệt như lão nông hiền lành, bình dị. Ông bảo, sáng nào ông cũng ra đồng từ 4 - 5h, nếu không vì cuộc hẹn với tôi thì ông còn cố cuốc cho xong miếng ruộng cạnh nhà. Nhìn ông lúc này, khó mà tin đây là một trong những “cây đại thụ võ cổ truyền Bình Định”.
“87 tuổi rồi mà tui cũng còn múa được kiếm, chú tin không?”. Vừa dứt câu, lão võ sư lôi cây kiếm từ trong giá dựng binh khí, múa liền 7 - 8 đường kiếm để chứng tỏ tuổi tác không thành vấn đề với ông.
Nhìn thân pháp uyển chuyển, cước pháp, thủ pháp và hai tay chuyển động đồng bộ, hòa quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn thực không nghĩ đây là một ông lão đã hơn cả tuổi xưa nay hiếm.
“Chú tưởng thanh kiếm nhẹ à, gần 5 cân đó!” - Ông cười rồi đưa thanh kiếm về phía tôi.
Đỡ thanh kiếm trên tay ông bằng hai tay mà tôi vẫn cảm thấy độ nặng. Vậy mà vừa đây thôi, nhìn những động tác múa kiếm nhẹ nhàng, linh hoạt, dứt khoát của ông tôi còn tưởng đó là một thanh kiếm gỗ.
Thuộc hàng võ sư cao tuổi và nổi tiếng nhất Bình Ðịnh, lão võ sư sinh năm 1935 hiện vẫn minh mẫn, dẻo dai.
“Võ đường của tui có cả người nước ngoài theo học. Con cháu trong làng dù nam hay nữ hoặc giả những người nơi xa tới muốn học hỏi về nền võ thuật của cha ông, tui đều chia sẻ hết. Võ học là vô bờ, giấu làm chi” - Lời bộc bạch của lão võ sư khiến tôi thấy ông gần gũi hơn bao giờ hết.
Thủng thẳng kéo tôi ngồi xuống hiên nhà, lão võ sư bắt đầu câu chuyện về “thời bất bại”.
Năm 1962, sau 9 năm hành tẩu giang hồ, tên tuổi của chàng võ sư 27 tuổi bé hạt tiêu đã khiến nhiều đối thủ kinh hồn bạt vía. Với mong muốn truyền bá võ học, gầy dựng danh tiếng của dòng họ Trương, ông đi khắp nơi để dạy võ.
Cảm thấy vùng đất Vũng Tàu có nét gì đó giống với quê hương Bình Định của mình, nên ông quyết định mở lớp dạy võ ở vùng đất này, cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương.
Ông vất vả chặt từng cái cây, dựng từng chiếc cột, làm thành những dụng cụ tập võ. Mấy bao cát, được ông tự tay nhồi từng sợi rơm, hạt cát để chuẩn bị cho các môn sinh đến tập. Võ đường của ông, nhanh chóng được nhiều người dân ở đây đón nhận và tìm đến xin nhập môn rất nhiều.
Khi đó, trong vùng có người Cao Miên tên Thạch Khen đang dạy boxing vốn xem thường võ Việt và muốn khẳng định vị thế độc tôn ở vùng đất Vũng Tàu này. Anh ta đến khiêu chiến với võ sư Vịnh, thách ông trụ được qua 5 hiệp.
Nghe giọng điệu tự cao tự đại của Thạch Khen, võ sư Vịnh quyết định nhận lời thách đấu, quyết dạy cho anh ta một bài học. Danh tiếng của võ Việt, danh tiếng dòng họ Trương không thể để người khác xem thường, phải cho người khác biết võ Việt không phải là hư danh.
Thạch Khen có chiều cao 1m75, nặng 72 kg . Thể hình quá chênh lệnh so với võ sư Vịnh khi ấy cao có 1m60 và nặng 65 kg. Tự tin với thể hình vượt trội, Thạch Khen liên tiếp ra những đòn đánh hiểm hóc, sức sát thương khủng khiếp, khiến võ sư Vịnh liên tục bị dồn ép và dính đòn.
Mục đích ban đầu của Trương Văn Vịnh chỉ là muốn thay đổi cái nhìn của Thạch Khen về võ Việt. Nhưng đứng trước đối thủ ngay đầu trận đã sử dụng những đòn thế sát thương, võ sư trẻ buộc phải dùng tới tuyệt kỹ Ngọc trản thần công.
Đến hiệp đấu thứ tư, nghĩ là làm, võ sư Vịnh nhanh nhẹn áp sát đối phương, lợi dụng thời khắc Thạch Khen để lộ sơ hở ông liền áp dụng liên hoàn quyền trong Ngọc trản. Cú đấm Thối thủ nhị linh tung ra như sấm sét đánh vào mắt và tai của Thạch Khen, làm đối thủ choáng váng không mở được mắt, hai tai ù đặc, máu từ tai và mắt từng dòng tuôn ướt đẫm mặt.
Ngọc trản đã xuất thì liên hoàn liên tục như nước đổ mây trôi, không cho đối phương phản công. Cuối cùng, võ sư Bình Định sử dụng Song phi triển dực (Phi long) nhảy phốc lên cao như con rồng bay tới, đánh xả vào đầu, làm võ sĩ người Cao Miên gục xuống sàn đấu như chuối bật gốc, nằm bất động.
Kết thúc trận đấu hồi lâu, Thạch Khen mới lồm cồm đứng dậy. Nhìn đối thủ được khênh khỏi võ đài đấu trong tình trạng thương tích rất nặng võ sư Trương Văn Vịnh có chút thương cảm và hối hận vì đã ra tay quá nặng.
Câu chuyện giữa tôi và võ sư Vịnh như dài ra theo tiếng thở dài của ông.…
Năm 1968, 6 năm sau trận đấu với Thạch Khen, một lần nữa võ sư Phi Long Vịnh lại thi triển Ngọc trản thần công để hạ gục võ sư Taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc đang dạy võ tại Gia Lai.
Vào trận, võ sư người Hàn với thế mạnh về đôi chân dài đã tự tin sử dụng thế liên hoàn cước đánh xa của Taekwondo với những cú đá sấm sét. Nhận thấy bộ thủ của đối thủ còn hở, tay ra đòn yếu nên sau khi tránh được 5 đòn đá của đối thủ, Vịnh võ sư nhanh nhẹn áp sát đối thủ rồi xuất chiêu Hổ trảo (cũng là một tuyệt kỹ trong Ngọc trản) móc vào mạng sườn, kéo xuống bụng, đánh vào vùng gan khiến đối thủ gục trên sàn đấu khi trận đấu mới diễn ra chưa đầy 5 phút.
Đòn Hổ trảo cũng yêu cầu người thi triển phải dùng hết sức và tối kỵ việc nương tay nếu đối phương chưa gục ngã. Đây là những đòn độc, nếu không hạ được đối phương ắt sẽ tự hại mình.
Võ sư Vịnh cho biết, cũng chỉ trong 2 trận đấu này ông sử dụng Ngọc trản thần công để so tài với đối thủ, bởi uy lực của thế võ này cực kỳ lợi hại, một khi đã ra đòn thì đối thủ phải lâm nguy, thậm chí tàn phế.
Về sau, ông chỉ sử dụng những tuyệt chiêu này khi biểu diễn ở các sự kiện võ thuật lớn trong nước hoặc quốc tế.
Một buổi chiều mùa hạ năm 1980, khi nắng chưa kịp tắt, võ sư Vịnh đang chạy xe đạp qua đoạn đường nối giữa 2 thôn Phụng Sơn và Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định), thì có 2 thanh niên từ đâu chạy tới chặn đường, hất hàm yêu cầu võ sư đưa chiếc xe đạp cho bọn chúng “mượn dùng tạm vài bữa”.
Nhìn hai gã thanh niên cao to lực lưỡng võ sư Vịnh đoán chắc đây chính là những thành viên của nhóm cướp hàng tháng nay khiến bà con 2 thôn mất ăn mất ngủ, không dám qua lại đoạn đường nối này vì sợ bị đám cướp lột sạch.
Từ khi có sự xuất hiện của nhóm này, bà con hai thôn ít dám qua lại giao du với nhau, tối đến là nhà ai nhà nấy cửa đóng then cài bởi con đường chính luôn bị nhóm cướp hoành hành. Điều đặc biệt là những tên này đều giỏi võ, biết sử dụng nhiều loại binh khí nên không ai dám chống lại.
Võ sư Trương Văn Vịnh là người nổi tiếng tính tình nghĩa khí, hào hiệp, trượng nghĩa, khi nghe tin này ông rất khó chịu và đã định lựa ngày qua dạy cho bọn chúng một bài học. Đúng là “người tính không bằng trời tính”, chưa đến tìm thì bọn cướp đã tự tới “nộp mạng”.
Vịnh võ sư thủng thẳng xuống xe, đá chống. Lập tức một tên nhào tới vồ lấy ông. Nhưng ông đã thủ thế từ trước, dùng một đòn Hổ trảo móc ngay vào bạ sườn của tên cướp làm hắn gẫy máy cái xương sườn, ôm bụng gào thét.
Thấy thế, 6 tên đồng bọn mai phục sẵn từ trong bụi rậm phi ra, bao vây võ sư Vịnh, trên tay tên nào cũng có dao, kiếm, côn,...
Đúng là “ngông nghênh không thấy núi cao”, bọn chúng không biết rằng ngay từ nhỏ với tâm niệm quyền giỏi thì sử dụng binh khí càng phải giỏi, Vịnh võ sư sử dụng thành thục 18 bộ binh khí nhà Tây Sơn không kém gì sử dụng cuốc, xẻng, bồ cào...
Liên tiếp 2 tên hung hăng lao tới dùng kiếm chém vào chân võ sư Vịnh. Với thủ pháp nhanh nhẹn, ông né được đường chém và dùng tuyệt kỹ Phi long nhảy lên, đánh bổ vào đầu, làm 2 tên cướp bất tỉnh tại chỗ.
Liên tiếp là những đường đâm dao trực diện từ tứ phía, buộc ông phải lùi ra sau. Chưa chịu dừng lại, 2 tên tiếp theo lại nhảy lên xỉa dao vào đầu, bụng, ngực. Ông bình tĩnh né kịp và vớ lấy thanh kiếm mà ông đã gắn lên chiếc xe đạp từ trước. Chỉ với vài đường kiếm, ông đã lấy đi mấy ngón tay của 2 tên cướp.
Người dân gần đó nghe tiếng hét thất thanh của đám cướp. Họ mở cửa rón rén chạy ra coi thực hư thì đã thấy trên mặt đất 5 tên cướp kẻ ôm đầu, người ôm tay kêu gào. Những tên còn lại ba chân bốn cẳng bỏ chạy mất dạng.
Người dân hò reo gọi nhau ra ôm chầm rồi nhấc bổng võ sư Vịnh lên cao. Vậy là từ nay cuộc sống của họ lại yên bình, trẻ con hai làng vô tư chạy nhảy, sớm sớm chiều chiều tiếng nói cười lại rôm rả đầu làng cuối xóm.
Video: Đại võ sư Trương Văn Vịnh biểu diễn Ngọc trản thần công
Cũng theo võ sư Vịnh kể lại, năm 1970, ông được mời tham dự chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế với bài biểu diễn Ngọc trản thần công.
Ông đã biểu diễn đầy uy lực và biến hóa, những chiêu thức đánh ra như có hồn của loài rồng hiện thân. Tinh túy “Hồi tàn địa hổ, Song phi triển dực”, mạnh mẽ như hổ vồ, nhẹ nhàng tựa rồng bay của bài võ đã được ông thể hiện.
Khi kết thúc, những tiếng vỗ tay vang dội một hồi không dứt nói lên sự khâm phục, kính nể của các khán giả và các võ sư khác trước bài quyền tuyệt thế vô song. Nhiều võ sư quốc tế, thấy tuyệt kỹ Phi long của ông quá độc đáo, nên đã đặt cho ông biệt danh Phi Long Vịnh. Từ đó, đại võ sư Trương Văn Vịnh lấy luôn cái tên này làm tên cho võ đường Phi Long Vịnh đến bây giờ.
Đến năm 2007, khi ấy đã 72 tuổi, ông được võ sư Phạm Xuân Tòng - Chưởng môn Quán Khí đạo Việt Nam - mời sang Italia dự Đại hội Tổng hội Quán khí đạo quốc tế.
Hàng trăm võ sư đến từ 40 nước trên thế giới nén lòng chờ đợi phần trình diễn Ngọc trản thần công. Cái hồn trong bài quyền được lão võ sư một lần nữa làm nhiều người phải trầm trồ, thán phục. Quá nể phục ông, võ sư Phạm Xuân Tòng đã đích thân tặng ông 3 chữ Đại danh sư cùng với thanh kiếm quý.
Năm 2015, ông được Liên đoàn Võ thuật thế giới cấp bằng Đại võ sư Quốc tế.
Những chiếc cúp và huy chương của đại võ sư Trương Văn Vịnh và con trai Trương Trọng Hùng.
Bí quyết một đời học võ, luyện võ, đấu võ của ông là: “Ăn sớm, ăn muộn đều là ăn, không ăn được thì về nghỉ”. Tức là nếu thấy đánh thắng được thì mới đánh, nếu biết không thắng thì hoãn lại, về nhà tìm hiểu kỹ đòn thế của đối phương để chắc thắng thì mới đánh. Người học võ phải có trí, chứ xông vào đánh bừa thì mất mạng như chơi”.
Bình luận