Sáng 16/10, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định Hà Giang là tỉnh biên giới, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh, do đó, trong bất luận hoàn cảnh nào, Hà Giang phải quyết tâm giữ dân, giữ đất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Hà Giang là tỉnh vùng cao, miền núi, biên giới, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là vùng đất giàu bản sắc văn hoá, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là về du lịch, thương mại, nông nghiệp với 19 dân tộc anh em đoàn kết, yêu nước, cần cù, vượt khó vươn lên.
Hà Giang là tỉnh có đường biên giới dài gần 280km và 4 cửa khẩu với Trung Quốc và đó là thị trường rất tiềm năng cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Lịch, điểm xuất phát của Hà Giang thấp, có nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường gây nhiều thiệt hại.
"Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn đoàn kết, thống nhất, nêu cao truyền thống cách mạng, tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực", Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu.
Tại Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Hà Giang cần coi trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Hà Giang cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình quân sự trong khu vực phòng thủ, cải tạo hang động, xây dựng các chốt chiến đấu dân quân thường trực trên biên giới.
Bên cạnh đó, Hà Giang cần nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra gây rối, bạo loạn, điểm nóng, nhất là ở vùng dân tộc, tôn giáo.
Về phát triển kinh tế, mặc dù hiện nay còn nhiều khó khăn về nhiều mặt, tuy nhiên, theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Hà Giang cũng có những tiềm năng, thế mạnh đặc thù để phát triển kinh tế từ nội lực. Do đó tỉnh cần dồn sức thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá nêu trong Báo cáo chính trị để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển.
Cũng theo ông Lịch, Hà Giang cần đẩy mạnh phát triển văn hoá xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; tập trung phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
“Bộ Chính trị tin tưởng, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, kiên cường, chung sức, đồng lòng, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đề ra, quyết tâm đưa Hà Giang là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc” – Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu.
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tỉnh Hà Giang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh.
Tại Đại hội, các đại biểu sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh 5 năm tới, định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII. Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, gồm các cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; đưa kinh tế - xã hội Hà Giang phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc” - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Bình luận