Ngày 1/9, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì và khai thác quốc lộ 5 (thuộc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - Vidifi) cho biết, việc đại tu 30km trên tuyến quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương dự kiến khởi công từ giữa tháng 9.
Theo ông Huỳnh, do lưu lượng xe lớn, nhiều xe tải trọng lớn nên mặt đường, hệ thống an toàn giao thông của quốc lộ 5 đã hư hỏng. Tuyến đường này cũng chưa được đại tu tổng thể sau hơn 20 năm nâng cấp.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, việc sửa chữa 65km mặt đường quốc lộ 5 từ Km11 đến Km76 cần khoảng 2.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị quản lý là Vidifi mới bố trí tài chính được 840 tỷ đồng nên sẽ đại tu 30km từ Km46 đến Km76, đoạn qua tỉnh Hải Dương trong giai đoạn đầu. Đoạn này có nhiều điểm hư hỏng.
Dự án chia 7 gói thầu xây lắp. Gói đầu tiên lựa chọn xong nhà thầu, dự kiến khởi công giữa tháng 9. Dự án đại tu tổng thể các nút giao, dải phân cách giữa, kết cấu mặt đường và hệ thống an toàn giao thông sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Theo ông Huỳnh, đơn vị thi công sẽ đóng từng làn đường để sửa chữa, các phương tiện vẫn đi lại bình thường trên tuyến.
Đơn vị quản lý quốc lộ 5 kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn khác để mở rộng mặt đường, xây đường gom và bổ sung cầu vượt để tăng cường an toàn giao thông trên tuyến.
Theo Vidifi, tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều ở các đoạn đường không được hạn chế tốc độ, do đó Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép phương tiện đi lại trên quốc lộ 5; phân luồng cho xe container theo giờ để tránh ùn tắc vào giờ cao điểm.
Số liệu đếm xe tại Km58 vào tháng 8, hơn 36.000 lượt xe qua lại mỗi ngày đêm, trong đó xe tải nặng, xe container chiếm 35%. Lưu lượng phương tiện được quy đổi gấp 5 lần thiết kế của đường.
Cuối tháng 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Vidifi tăng cường kiểm tra và xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông; chỉ đạo nhà thầu có phương án tổ chức giao thông, đảm bảo xe cộ qua lại an toàn. Quá trình sửa chữa mặt đường, Vidifi cần đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật để nghiên cứu phù hợp, tránh lãng phí.
Bình luận