Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi Nhà nước Cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 6 vấn đề cấp bách của đất nước, của Chính phủ, trong đó, vấn đề quan trọng thứ ba là tổ chức Tổng tuyển cử.
Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”[1]
Chiều tối 8/9/1945, một ngày sau khi đài phát sóng chương trình đầu tiên, ông Trần Lâm, Tổng biên tập đầu tiên phổ biến: Chính phủ Lâm thời vừa công bố sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước và giao nhiệm vụ cho Đài phát thanh quốc gia là thông báo ngay sắc lệnh này trên sóng. Ông nhắc đi nhắc lại là muốn cho người dân hiểu và cầm chắc lá phiếu đầu tiên khi làm nghĩa vụ công dân thì phải quán triệt ba nhiệm vụ cấp bách là chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.
Chống đói là nhiệm vụ cấp bách nhất nên được Đài nêu hàng đầu trong các chương trình phát thanh hàng ngày. Đài nêu khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng” rồi vận động hướng dẫn toàn dân, nhất là bà con nông dân trồng các loại rau ngắn ngày. Chỗ nào có đất trống, không kể nông thôn, thành thị, kể cả trong các công sở đều tận dụng trồng rau màu. Các khuôn viên trong công sở, các vườn hoa trong thành phố Hà Nội đều ngập tràn rau các loại, nhất là rau lang và rau muống. Đài còn liên tục có bài hướng dẫn cách bảo quản rau, củ, quả, đồng thời phổ biến kinh nghiệm của bà con nông dân nhiều nơi thái nhỏ, phơi khô các loại rau, củ, nhất là rau muống, khoai, sắn cho vào chum hay cất lên giàn bếp để ăn dần.
Theo lời kể của ông Trần Lâm thì những bài viết đượm chất nông nghiệp, nông dân này không phải do các nhà nông học hay nông dân viết mà hầu hết là của mấy anh “dân cày đường nhựa”, ý là chỉ anh em trí thức. Những ngày này hễ có cán bộ từ các địa phương về báo cáo tình hình là phóng viên nhà đài chớp thời cơ hỏi chuyện, khai thác tin tức, đưa ngay lên sóng.
Bà Dương Thị Ngân nhớ lại: lúc gặp những bài về cách trồng, chăm sóc rau màu, nhất là cách bảo quản lương thực rất ái ngại, vì rất khó đọc bởi không hiểu gì về nông nghiệp, cho nên bà cố đọc cho xong. Hôm sau bà bị phê là đọc quá nhanh, có người còn góp ý nặng hơn, khiến bà tự ái. Trong bản Tổng kiểm thảo cá nhân tháng 11/1953 bà Ngân chân thành: “Nhờ anh chị em nhận xét, góp ý nhiều nên tôi có nhiều tiến bộ trong cách đọc. Vấn đề chính của tôi là phải học tập và liên hệ nhiều hơn với thực tế.”
Xen kẽ những tin bài về chống giặc đói, Đài chú trọng tuyên truyền phong trào diệt giặc dốt.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Ngày 4/10 cùng năm, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống nạn thất học, chỉ rõ: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người nhấn mạnh: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”.
Hồ Chủ tịch phát động phong trào thi đua diệt giặc dốt: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học.
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn, người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”.
Ông Trần Lâm cùng nhiều người khác đang làm việc tại đài phát thanh lúc bấy giờ từng tham gia hội truyền bá quốc ngữ của cụ Nguyễn Văn Tố nên đưa ra nhiều sáng kiến tuyên truyền nhiệm vụ quan trọng, tập trung này.
Theo ông Trần Lâm thì cách thức tuyên truyền tập trung bắt đầu từ những ngày ấy. Có nghĩa là tin tức, bài vở tập trung vào một vấn đề, một chủ đề, tập trung tuyên truyền trong một thời gian nhất định, làm cho vấn đề tuyên truyền được lan tỏa trong quần chúng, biến thành hành động thực tế. Nói như ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Thông tin hồi ấy thì báo chí, nhất là báo Giải phóng, báo Cứu quốc, đài Phát thanh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, đó là sự chuẩn bị tích cực, thiết thực cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Bà Dương thị Ngân bồi hồi nhớ lại: sau phần tin tức và những bài giải thích ngắn gọn về ý nghĩa của bầu cử là khẩu hiệu: “Mỗi lá phiếu là mỗi viên gạch xây dựng Tổ quốc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hay: “Mỗi lá phiếu là một viên đạn bắn thẳng vào quân thù xâm lược”.
Mỗi ngày, đọc xong khẩu hiệu trên sóng, bà Ngân mong muốn được về một làng quê nào đó ở ngoại thành Hà Nội để chứng kiến cảnh đêm đêm bà con nông dân xách đèn, đốt đuốc đến lớp bình dân học vụ, như các anh phóng viên đi về kể lại, nhưng ngặt nỗi, bà là giọng nữ duy nhất, không thể rời đài một ngày.
Khoảng cuối năm 1945 hay đầu năm 1946 (bà Ngân nhớ không rõ), ông Trần Lâm đi họp về vẻ mặt rất quan trọng, gọi bà Ngân laị hỏi đã soạn xong chương trình chưa, chương trình có những phần gì? Bà Ngân hơi lúng túng vì không biết thủ trưởng kiểm tra hay phải thay chương trình, liền trình bày là theo thông thường chương trình có 30 phút thì phần đầu là tin tức và bình luận, sau là ca nhạc “sống”. Nhìn bà Ngân vân vê tà áo, mặt đỏ ửng, ông Lâm hiểu ra, cười khà: “Có gì đâu, chương trình trưa nay phải thay đổi một chút, rút bài bình luận ra, đưa bài này vào, quan trọng lắm đấy, cô phải đọc cho thật rõ ràng, mạch lạc vào, nhưng nhớ là đừng cương giọng nhé, để tôi đọc phần tin cho.” Lướt qua bài báo ngắn gọn đăng trang trọng trên báo Cứu quốc còn tươi màu mực, bà Dương thị Ngân cất giọng:
“Mời đồng bào nghe bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Cụ Hồ Chí Minh.
Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.
Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết.
Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.
Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là:
Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập!
Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.
Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”.
Bài báo của Bác Hồ được đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến hết ngày bầu cử.
Thực hiện lệnh trên là các tờ báo, đài phát thanh phải cổ động, tuyên truyền bầu cử Quốc hội mạnh mẽ, rầm rộ hơn nữa, anh chị em phóng viên, biên tập nhà Đài đề nghị phát sóng khẩu hiệu: “Ngày mai, mọi người, nam phụ, lão, ấu hãy đi bỏ phiếu!”. Có ý kiến cho rằng dùng chữ “hãy” là không nên, có vẻ ra lệnh quá, không khiêm nhường, nên sửa lại là: “Ngày mai, mọi người, già, trẻ, gái, trai rủ nhau cùng đi bỏ phiếu”. Mọi người đang loay hoay với bài bình luận thừa nhiều từ sáo rỗng, kêu gọi chung chung, thiếu chỉ dẫn cụ thể, thiết thực thì may quá, ông Trần Lâm nhận được văn bản: “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Hồ Chủ tịch. Chương trình thời sự 6h chiều 5/1/1946, đọc toàn văn Lời kêu gọi;
“Ngày mai mùng sáu tháng giêng năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sỹ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sỹ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho dân mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì phải luôn luôn giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mọi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.[2]
Cũng ngày hôm ấy, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên, tổ chức tại Việt Nam học xá, (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Bác Hồ nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy.”
Những ngày trước bầu cử, Hà Nội và các địa phương vô cùng sôi động. Ở đâu người dân cũng bàn đến đẩy mạnh kháng chiến và toàn dân hướng về Nam Bộ. Trước cổng làng, khẩu hiệu chăng ngang: “tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa để chống đói”, “Tiêu diệt giặc dốt”, “Biết chữ để cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân”. Có những việc mà người dân chưa thấy bao giờ là nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử, được nhân dân hoan hô và giới thiệu ra ứng cử đại biểu quốc hội. Những nơi có niêm yết công khai danh sách cử tri và ứng cử viên, quần chúng tập trung bàn bạc, tranh luận, lựa chọn cho mình người đại biểu ưng ý.
Tại Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả đại biểu các giới làng xã công bố một bản kiến nghị “yêu cầu cụ Hồ Chí minh được miễn ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng tha thiết của nhân dân, Hồ Chủ tịch đã gửi thư trả lời đồng bào ngoại thành Hà Nội. Bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 15/12/1945 và phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bức thư có đoạn: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới.
Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.
Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.”
Ngày 6/1/1946 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Ông Trần Lâm cứ nhắc đi nhắc lại là không thể nói khác được, vì không khí lúc ấy cứ bừng bừng, cứ rạo rực như ngày hội ấy, không thể tả hết được. Phóng viên đài thì quá ít mà điểm bầu cử thì nhiều nên đài phải phối hợp với phóng viên các báo mới đưa tin kịp thời. Khó nhất là làm sao để có tin tức bầu cử từ vùng Nam Bộ, nhất là Sài Gòn Chợ Lớn. Các phóng viên nam chạy như con thoi từ Trung tâm thụ tín Đông dương BCR đến ban tổ chức bầu cử Trung ương kịp đưa tin từ các địa phương.
Bà Dương Thị Ngân không sao quên được khi đọc bài “Chọn mặt gửi vàng trong lửa đạn” phản ánh đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ ở những khu vực có chiến tranh, vùng địch tạm chiếm vẫn không quản gian khổ, hy sinh, tìm mọi cách đến hòm phiếu, tự tay bỏ lá phiếu đầu tiên lựa chọn người tin cậy lo việc nước. Nhiều tấm gương cán bộ bầu cử vượt qua vòng vây nghiêm ngặt của quân thù, đưa hòm phiếu đến tận tay đồng bào trong vùng bị địch chiếm đóng. Nhiều cán bộ và cử tri đã hy sinh trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên. Chỉ tính ở Sài Gòn, 42 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận động bầu cử.
Theo lời kể của ông Trần Lâm, bà Trần Thị Ý và bà Dương Thị Ngân thì ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Hà Nội vô cùng sôi động. Nhân dân thủ đô hết sức phấn khởi và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là ứng cử viên đại biểu Quốc hội lại là cử tri đi bầu cử ở địa phương.
Đúng 7h ngày 6 tháng Giêng năm 1946, tiếng chuông từ các nhà thờ, các chùa ngân vang, tiếng trống, tiếng pháo nổ giòn từ các đường phố kéo dài hàng mươi, mười lăm phút báo hiệu giờ Tổng tuyển cử bắt đầu. Hồ Chủ tịch đi bầu đại biểu Quốc hội tại hòm phiếu đặt ở nhà số 10 phố Hàng Vôi. Sau đó Bác còn đi thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác. Đến đâu Bác cũng nói chuyện vui vẻ, thân mật với cử tri. Các phóng viên nhiếp ảnh chụp được những hình ảnh đẹp, quý hiếm về Bác Hồ với cử tri bầu cử Quốc hội đầu tiên.
Từ quá trình chuẩn bị cho đến khi Tổng tuyển cử thành công “các cơ quan thông tin đại chúng của cách mạng đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh công khai đập tan sự xuyên tạc cua kẻ thù, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng và thông tin kịp thời về Tổng tuyển cử trong cả nước”[3], trong đó nổi bật là báo Cứu quốc của Việt Minh, Cờ Giải phóng của Đảng Cộng sản Đông dương, sau đổi tên là Sự thật của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong 133 đại biểu Quốc hội đầu tiên, có 7 vị thuộc lớp người đầu tiên xây nền đắp móng đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh cả nước. Đó là ông Trần Kim Xuyến, nhà thơ Cù Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, nhà báo, nhà văn Nguyễn văn Nguyễn, nhà sử học Trần Huy Liệu và ông Huỳnh văn Tiểng.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 8- NXB CTQG- 1995
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,tr 145
(3) Lịch sử Quốc hội Việt Nam- 1946 – 1960 – NXBCTQG – 2000, tr 42
Bình luận