Vở diễn Hoa lửa Truông Bồn do PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, nghệ sĩ Nguyễn Anh Ninh chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh và NSND Lê Hùng làm đạo diễn. NSND Hồng Lưu chỉ đạo nghệ thuật.
Vở diễn do tập thể nam, nữ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An dàn dựng và biểu diễn.
Hoa lửa Truông Bồn tái hiện trang sử anh hùng, đầy máu lửa, gian khó; tình yêu nước, yêu quê hương, yêu thương con người vô bờ bến; tinh thần lạc quan cách mạng; ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân Nghệ An những năm chống xâm lược Mỹ.
Bối cảnh sân khấu chính, cũng là không gian chính diễn ra các tình huống kịch, là tọa độ lửa Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.
Thực hiện âm mưu dồn bom đạn hủy diệt huyết mạch Truông Bồn, từ năm 1964 - 1968, giặc Mỹ trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân, phá hủy hàng trăm xe ô tô, hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; trên 1.240 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ trên cung đường dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Vở diễn Hoa lửa Truông Bồn tập trung khắc họa hình tượng Tiểu đội 2 và các thành viên của Tiểu đội 2, Đại đội TNXP 317 thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An ở thời khắc ác liệt, sinh tử nhất của cuộc chiến tranh (Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông và các chiến sĩ).
Những cảnh đời vui tươi, lạc quan, trong sáng; tình yêu trai gái, dù kìm nén, cũng nở nụ hoa đầu tiên như hoa mua Truông Bồn dưới mưa bom bão đạn kẻ thù (mối tình của Nguyễn Thị Tâm, Cao Ngọc Hòa); những cuộc chiến đấu san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, di chuyển thương binh, tử sĩ, đạn dược, đưa đón hàng ngàn đoàn xe, đoàn quân vào mặt trận, trở về hậu phương. Đêm sinh hoạt văn nghệ trước khi một số đội viên chia tay đơn vị để sáng mai về hậu phương vào học các trường trung cấp, cao đẳng và xây dựng mái ấm riêng.
Cao trào của vở diễn là cuộc chiến đấu cuối cùng của các nhân vật trong Tiểu đội 2 trên cung đường ác liệt sáng ngày 31/10/1968, dưới bom đạn tàn khốc của máy bay Mỹ. Mười ba trong số mười bốn chiến sĩ của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh dũng hy sinh trên mặt đường. Họ chỉ cách ngày hòa bình phía trước mấy giờ đồng hồ nữa.
Các diễn viên thể hiện thành công vở diễn là NSND Hồng Lựu vai Trần Thị Thông (lúc cao tuổi); NSƯT Minh Tuệ vai Diên (lúc đã cao tuổi); Thiên Huế vai Trần Thị Thông (lúc trẻ); Duy Thanh vai Diên (lúc trẻ); Minh Thành vai Tâm; Minh Thông vai Hòa; Hà Lý vai Mẹ của Thông; Thanh Mai vai Hường (lúc tuổi đã cao); Hoài Sinh vai Vinh; Quang Sáng vai Bộ đội lái xe...
Bên cạnh âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, vở diễn cũng có những trường đoạn khắc họa, phê phán tính cách ươn hèn, tham sống sợ chết của Tuấn (Mai Kiên đóng). Tuấn tìm cách ở lại hậu phương rồi xu nịnh, lươn lẹo để leo lên thành cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.
Công chúng xem vở diễn có lúc lặng đi, xúc động trào rơi nước mắt; cũng có lúc là phút cười vui dí dỏm, vỡ òa cảm xúc. Những cung bậc tình cảm ái, ố, hỉ, nộ được tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên khai thác tài tình, hợp lý, tạo hiệu quả nghệ thuật đầy ấn tượng.
Xem vở diễn Hoa lửa Truông Bồn, người xem cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, chiến công phi thường của bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những năm chống Mỹ xâm lược trên đất Nghệ An, đặc biệt là ở Tọa độ lửa Truông Bồn; khơi dậy niềm tự hào, biết ơn của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước đã lấy máu xương, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân giành và giữ độc lập, tự do, độc lập, thống nhất cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Tiểu đội 2 TNXP, “nhân vật” lớn và cao đẹp của Vỡ diễn - Tiểu đội Thép Truông Bồn, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2008.
Vở diễn chính thức ra mắt công chúng Thủ đô Hà Nội trước Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019. Sau Tết, vở Hoa lửa Truông Bồn tiếp tục chinh phục khán giả Thành phố Vinh và các địa phương khác.
Bình luận