Tối 21/6, lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Với hơn 1.900 tác phẩm tham dự, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI là một trong những mùa giải có nhiều tác phẩm tham gia nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm tham gia giải thưởng đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2021.
Nhiều tác phẩm được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại. Chất lượng tác phẩm lần này đồng đều hơn, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và địa phương được thu hẹp.
Trong số 152 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã chọn ra 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.
Đài Tiếng nói Việt Nam có 5 tác phẩm xuất sắc được vinh danh, gồm 2 tác phẩm đoạt giải A: "Những ngày không quên" của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Bùi Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh, đơn vị Ban Thời sự (VOV1); "Vỉa hè đang thực sự nuôi ai" của nhóm tác giả Trang Công Tiến, Phạm Trung Tuyến, Nguyễn Hữu Thịnh, Chu Trung Đức, Nguyễn hải Bằng, đơn vị Kênh VOV Giao thông.
Hai tác phẩm đoạt giải B: "Cuộc chiến" của những điều "chưa từng" của nhóm tác giả Đinh Thị Thu Trang, Kiều Thanh Phượng, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Lê Phương Thảo, Phạm Thị Thu Trang, đơn vị Ban Văn hóa -Xã hội (VOV2); và Cờ bạc núp bóng đầu tư tài chính trong mùa dịch của nhóm tác giả Nguyễn Sỹ Đoan, Nguyễn Phú Huân, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Duy Bùi, đơn vị Đài Truyền hình KTS VTC - Trung tâm VTC miền Nam.
Loạt bài "Cạo sạch màu xanh, phù phép đưa 'rừng' bê tông lên đồi 41 ha ở Lâm Đồng" của tác giả Đặng Thy Huệ, Báo điện tử VTC News được trao giải C.
Phát biểu khai mạc Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà Báo Việt Nam, nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống 97 năm phát triển của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang duy trì vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân.
Để tiếp tục hiện diện và thậm chí chiếm lĩnh mọi nền tảng nhằm thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm thông tin - tuyên truyền của mình, báo chí không còn con đường nào khác là phải chuyển đổi số.
Theo ông Lê Quốc Minh, các cơ quan báo chí cần thúc đẩy mô hình kinh tế báo chí mới, đa dạng hóa nguồn thu để không quá phụ thuộc quảng cáo. Cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý Nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.
"Với đội ngũ người làm báo hơn 22.000 hội viên, đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, chúng ta tự hào có một nền báo chí phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân.
Báo chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp. Điều đáng mừng là nhiều tác phẩm xuất sắc trong số đó sẽ được vinh danh trong lễ trao giải hôm nay", ông Lê Quốc Minh nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021.
"Giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh.
Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về 'Chiến lược vaccine', 'Chương trình phòng, chống dịch COVID-19' để Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, báo chí đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nghề báo rất đáng tự hào, trân trọng dù phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ. Nhiều nhà báo đang ngày đêm cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng để có những tác phẩm ý nghĩa cho xã hội.
Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, đồng hành, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phù hợp tình hình, điều kiện cụ thể của đất nước và hài hòa, hợp lý với các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Nhân dịp trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI và kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc toàn thể nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước "luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc với ngọn lửa đam mê bằng tinh thần "tâm sáng, bút sắc, lòng trong".
Mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Bình luận