Trao đổi với báo chí ngày 9/1, Phó tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Vũ Việt Phương cho biết, công trình Đài thiên văn Hòa Lạc đã xây dựng xong và đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để vận hành vào thời gian tới.
Đài thiên văn được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cách Trung tâm Hà Nội 30km. Đây là đài thiên văn lớn nhất miền Bắc với vốn đầu tư 60 tỷ đồng.
Thiết bị quan sát chủ yếu của Đài thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ dạng Ritchey- Chretien có khẩu độ 50 cm, lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Kính thiên văn này nhìn thấy vật sáng mờ hơn gần 4.000 lần so với vật mờ mà mắt người nhìn thấy được và nhìn thấy vật có khoảng cách góc 0,5 arcsec, tương đương khoảng cách 1km trên bề mặt Mặt Trăng.
Ngoài kính thiên văn hiện đại, Đài thiên văn Hoà Lạc còn có nhà chiếu hình vũ trụ quy mô khoảng 100 ghế ngồi, được thiết kế giống như một rạp chiếu phim dạng mái vòm. Nhà chiếu được trang bị hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm như đang bay vào vũ trụ.
Khởi công từ năm 2015, Đài quan sát thiên văn Hòa Lạc có nhiệm vụ nghiên cứu về vật lý thiên văn và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng; hỗ trợ đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực trong và ngoài nước.
Hoạt động của Đài thiên văn hướng đến mục tiêu phổ biến kiến thức cộng đồng về thiên văn học, về vũ trụ, trở thành nơi giao lưu giữa các nhà thiên văn trẻ, thiên văn nghiệp dư của Việt Nam chứ không hướng đến mục tiêu thương mại.
Cùng với Hà Nội, Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã xây dựng và vận hành Đài thiên văn Nha Trang với nhà chiếu quy mô 60 ghế ngồi, thực hiện các nghiên cứu cơ bản, quan sát sao biến quang, nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao...
Bình luận