• Zalo

Đại tá Công an được Liên Xô đào tạo thành 'khắc tinh' của tội phạm Phú Thọ ra sao?

Thời sựThứ Hai, 17/08/2015 08:22:00 +07:00Google News

Đại tá Hà Minh Tân nổi tiếng là ‘khắc tinh’ của tội phạm Phú Thọ, nhưng ít người biết đến ông đã từng là một học viên cảnh sát được đào tạo tại trường ‘lò’ của

(VTC News) – Đại tá Hà Minh Tân nổi tiếng là ‘khắc tinh’ của tội phạm Phú Thọ, nhưng ít người biết đến ông đã từng là một học viên cảnh sát được đào tạo tại trường ‘lò’ của Liên Xô.

'Khắc tinh' của tội phạm Phú Thọ

Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ Đại tá Hà Minh Tân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ trong trụ sở làm việc của ông.

Trong căn phòng làm việc nhỏ của mình, bên cạnh những tủ đựng đầy hồ sơ giấy tờ, chúng tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt những Huân chương, Bằng khen, Giấy khen… do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh trao tặng Đại tá Hà Minh Tân.

Đây đều là những danh hiệu mà ông vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trao tặng đột xuất mỗi khi tham gia triệt phá thành công một vụ án lớn.

Với dáng người cao dỏng, đôi mắt sáng, giọng nói trầm đầy quyết liệt, Đại tá Tân hào hứng kể với chúng tôi về cuộc đời trở thành một chiến sĩ công an nhân dân đầy tự hào của ông.

Đại tá Tân là một trong những “hạt giống đỏ” được Bộ Công an cử sang Liên Xô đào tạo vào đầu những năm 1980.
 Đại tá Hà Minh Tân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, từ cuối những năm 1970, theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 nước, Việt Nam bắt đầu gửi sang Liên Xô cũ, nay là Liên bang Nga một số học viên ngành công an để đào tạo. Những người này đều được tuyển lựa hết sức khắt khe, thường là những người đứng đầu trong các kỳ thi của lực lượng Công an Việt Nam khi đó.

Cho tới nay, đã có hàng trăm học viên ngành công an đã được đào tạo chuyên nghiệp tại Nga và trở về phục vụ cho sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh nước nhà. Nhiều người đã mang hầm cấp Tướng, cấp Tá, giữ những vị trí trọng yếu trong lực lượng Bộ Công an, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trong nước…


Đại tá Hà Minh Tân cho biết, ông bắt đầu sang Liên Xô học tập vào năm 1981, tới năm 1986 thì trở về nước công tác. Tuy nhiên, sự nghiệp công an của ông đã bắt đầu từ trước đó nhiều năm.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã theo học Trung cấp Cảnh sát Nhân dân. Năm 1976, ông ra trường và bắt đầu về công tác tại Đội điều tra Công an TP Việt Trì, Phú Thọ.

Cuối những năm 1970, loại tội phạm lộng hành trên địa bàn TP Việt Trì chủ yếu là móc túi. Các đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở của người dân tại các tiệm ăn, bến tàu, bến xe, trên các chuyến xe liên tỉnh, liên huyện để hành nghề “2 ngón” và loại tội phạm chuyên trộm cắp xe đạp từ TP Việt Trì rồi đem sang chợ huyện Sơn Tây bán.

Thời điểm này, ông Tân cùng các đồng nghiệp nhiều lần được phân công “mật phục” tại các bến xe, bến tàu, các tiệm ăn để kịp thời bắt quả tang và truy quét tội phạm trộm cắp.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Tân cũng không thống kê nổi đã có bao nhiêu tay trộm có tiếng”trên địa bàn đã bị ông trực tiếp “tóm gọn”.

Xã hội càng phát triển, các loại tội phạm không chỉ dừng lại ở việc trộm cắp mà chúng còn cướp của, giết người, lừa đảo... Với mong muốn được nâng cao nghiệp vụ để có thể trấn áp bọn tội phạm nguy hiểm này, tôi đã quyết định thi vào Đại học Cảnh sát Nhân dân” – Đại tá Tân chia sẻ.

'Bắn súng mỏi tay' ở Liên Xô

Năm 1980, ông Tân thi đỗ Đại học Cảnh sát Nhân dân và nằm trong tốp 20 người có điểm đầu vào cao nhất trường. Ngay sau đó, ông được cử sang Liên Xô đào tạo.

Sau một năm tập trung học tập về văn hóa, ngôn ngữ nước bạn, năm 1981 ông Tân cùng 19 học viên còn lại chính thức lên đường sang Liên Xô học tập.

“Trong số 20 học viên khi đó thì có 10 người ở Mátxcơva theo học ngành Cảnh sát kinh tế, 10 người còn lại, trong đó có tôi học ngành Cảnh sát điều tra tại Đại học Điều tra Volgograd,” ông Tân cho biết.

Trong những năm đào tạo tại Liên Xô, ông Tân cùng các học viên tại trường Đại học Điều tra Volgograd đã được các chuyên gia hàng đầu giảng dạy về tâm lý tội phạm, luật pháp hình sự, nghiệp vụ điều tra… Song song đó là những buổi huấn luyện võ thuật, tập bắn súng “tới mỏi tay”.

“Đại học Điều tra Volgograd là một trong những trường đào tạo cán bộ điều tra hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Song song với lý thuyết là các buổi thực hành điều tra, những buổi huấn luyện võ thuật, tập bắn súng… Riêng về bắn súng thì ở đó có cả một trường bắn lớn. Sinh viên có thể tập bắn đạn thật tới mỏi tay. Đây cũng là một trong những lợi thế mà có lẽ sinh viên trong nước chưa có được,” ông Tân chia sẻ.

Sau 6 năm được đào tạo chuyên nghiệp, ông Tân tốt nghiệp loại giỏi, trở thành một cán bộ điều tra toàn diện và về nước công tác với vị trí khởi điểm là cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra Công an Tỉnh Phú Thọ.
Sự nghiệp trấn áp tội phạm của “hạt giống đỏ” này từ đây bắt đầu vào một bước ngoặt mới.

Trước khi lên đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ vào năm 2011, Đại tá Hà Minh Tân từng là Trưởng Công an TP Việt Trì, Phó phòng rồi Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Phú Thọ.

Sau hơn 30 năm làm Cảnh sát hình sự, tới nay, Đại tá Hà Minh Tân từng tham gia, chỉ đạo triệt phá hàng nghìn vụ án lớn nhỏ khác nhau từ trộm cắp, cướp của, giết người, tới các vụ án về ma túy, kinh tế… Ông được nhiều người biết đên là một lãnh đạo hình sự khét tiếng tại Phú Thọ, là nỗi “ám ảnh” của những tên tội phạm liều lĩnh, tàn ác.

Mới đây nhất, giữa năm 2015, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen sau khi trực tiếp chỉ đạo Phòng PC47 Công an tỉnh Phú Thọ triệt phát thành công một chuyên án ma túy lớn.

Trong chuyên án này, từ việc bắt quả tang một đối tượng tàng trữ 0,487g heroin, Công an tỉnh Phú Thọ sau đó đã bóc gỡ đường dây, bắt giữ và khởi tố hơn 50 đối tượng buôn bán ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam và xuyên các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La…

Những vụ án nổi tiếng Đại tá Hà Minh Tân kể với chúng tôi với những tình tiết ly kỳ và những giây phút đối mặt giữa sự sống và cái chết khiến người nghe phải rùng mình…

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn