Trong các văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh đến vấn đề Hạnh phúc của nhân dân. Trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, văn hóa, thể thao, niềm vui của Việt Nam đã và đang được phản ánh trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Tại Thụy Điển, tiêu chí hạnh phúc được đánh giá dựa trên bình đẳng giới, đặc biệt được thể hiện qua các chính sách nam giới hỗ trợ nữ giới trong gia đình.
Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe, phụ nữ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, ở cả chính trị, văn hóa hay khu vực tư nhân.
"Họ là những phụ nữ xuất sắc ở cấp quản lý cấp trung, có thể dễ dàng thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Nhưng nếu nhìn vào những vị trí cao nhất, Việt Nam vẫn còn rất ít phụ nữ", bà Ann Mawe cho biết trong cuộc phỏng vấn với VTC News về "Đường tới Hạnh phúc".
Theo bà Ann Mawe, Thụy Điển luôn nằm trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trải qua quá trình xây dựng và nỗ lực thực hiện chính sách bình đẳng giới, để có được văn hóa chăm sóc gia đình, đem lại cuộc sống cân bằng và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.
Mở đầu câu chuyện, bà Ann Mawe nói: Các chính sách về bình đẳng giới ở Thụy Điển bắt đầu vào đầu thế kỷ trước, với quyền của phụ nữ được bỏ phiếu vào năm 1919. Gần đây, năm 2018 có Luật tình dục không đồng thuận, đặt ra định nghĩa mới về cưỡng bức.
Quá trình phát triển luật bình đẳng giới có thể tóm tắt qua 3 giai đoạn. Vào đầu thế kỷ 20, ở thời bà tôi, bình đẳng giới là việc được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ để họ cũng có cơ hội làm việc xa nhà. Đến những năm 70 thế kỷ 20, thời mẹ tôi, bình đẳng giới đạt tầm cao quan trọng hơn. Phụ nữ nhận được công việc, mức lương, cơ hội sự nghiệp như đàn ông, và sau đó là tiếng nói quyết định khi nào có con và khoảng cách giữa các con.
Từ năm 1974, Thụy Điển có 3 chính sách quan trọng. Đầu tiên là luật về thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Điều này không chỉ cho phép cha mẹ ở nhà với bọn trẻ khi chúng còn nhỏ, mà còn cho phép cha mẹ được nghỉ phép có lương khi con bị ốm, được làm việc bán thời gian khi con còn nhỏ. Luật thứ hai là về phá thai, để người phụ nữ có thể tự lựa chọn thời điểm mang thai. Luật thứ ba là về chăm sóc trẻ em, để tất cả trẻ em đều có quyền được trợ cấp chăm sóc từ một tuổi. Vì vậy, dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Thụy Điển khá rẻ. Khi tôi còn nhỏ, cha tôi đã nghỉ phép theo luật này.
Còn cuộc chiến cho bình đẳng giới ngày hôm nay, tôi nghĩ nghiêng về các phong trào như “Me Too” - phụ nữ lên tiếng trước sự phân biệt đối xử và quấy rối tình dục ở nơi làm việc và trường học. Phong trào này được khuyến khích và được phụ nữ trẻ ở Thụy Điển rất ủng hộ.
- Hiệu quả của những chính sách này thế nào, thưa bà?
Rất hiệu quả. Tôi đã gần 50 tuổi và được hưởng quyền được học hành, có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp và mức lương cao. Chúng tôi có phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ và khu vực tư nhân. Nhưng tôi nghĩ, đó là một hành trình dài, không chỉ về luật pháp hay chính sách, mà còn là thái độ, văn hóa, quá trình thay đổi hành vi trong xã hội. Để làm được sẽ mất rất nhiều thời gian.
Những năm 1970, khi bố tôi nghỉ làm ở nhà chăm tôi, không nhiều người cha làm như vậy vì đó không phải là việc được đa số đàn ông chấp nhận. Ngày nay, việc này được công nhận rộng rãi hơn. Thậm chí, nếu một người đàn ông không nghỉ phép để chăm con thì mọi người còn cho rằng điều đó thật lạ lùng, vì đó là cơ hội được nghỉ phép có lương và ở nhà với con cái.
- Một trong những điểm nổi bật là số lượng nữ giới trong nội các Thụy Điển rất cao. Thụy Điển đã thúc đẩy điều này thế nào, thưa bà?
Phụ nữ Thụy Điển nắm giữ những vị trí hàng đầu trong xã hội kể từ giữa thế kỷ trước. Cho nên không còn là điều lạ lẫm khi hiện nay có khoảng 50% nhân sự Chính phủ và Quốc hội do phụ nữ nắm giữ. Chúng tôi cũng có nhiều lãnh đạo đảng là phụ nữ.
Việc cân bằng giới tính trong chính trị không phải được đề ra theo hạn mức. Phụ nữ Thụy Điển được đề cử bởi họ có trình độ tốt, có đủ tiêu chuẩn như nam giới cho các vị trí. Họ có cơ hội được học hành, không gián đoạn vì sinh con do đã chia sẻ việc chăm sóc con cái với chồng.
- Thụy Điển còn được biết đến với chính sách đối ngoại nữ quyền, bà có thể nói thêm về điều này?
Margot Elisabeth Wallström - vị cựu Bộ trưởng ngoại giao, người khởi xướng chính sách đối ngoại về nữ quyền ở nước ngoài của chúng tôi luôn đặt câu hỏi "Những người phụ nữ đâu rồi?" khi bà bước vào nơi gồm những người ra quyết định, vốn thường bị thống trị bởi nam giới.
Từ nhiều năm nay, Thụy Điển có chính sách đối ngoại nữ quyền, tập trung vào ba khái niệm chính là nguồn lực, sự đại diện và các quyền. Bất kể chúng tôi đang làm về vấn đề gì, dù là xung đột ở Trung Đông hay sự phát triển ở châu Phi, chúng tôi luôn nghĩ về việc nơi đó có thiếu nguồn lực cho bình đẳng giới hay không. Chúng tôi có thể hỗ trợ bình đẳng giới trong giáo dục, y tế, những công việc cần có sự đại diện của phụ nữ, như hỗ trợ đào tạo nữ ứng viên cho các quy trình bầu cử..., hay như thúc đẩy khuôn khổ pháp lý đề cao quyền bình đẳng giới. Chúng tôi thực hiện điều này ở mọi nơi.
Chính sách này tiếp tục được tiếp nối, chúng tôi có một Chính phủ nữ quyền và các thành viên làm việc dựa trên các chính sách nữ quyền, như chính sách ngoại thương nữ quyền và hơn thế nữa.
- Theo quan sát của bà, bình đẳng giới ở Việt Nam đang diễn ra thế nào?
Tôi nghĩ nếu đó là con đường mà Việt Nam muốn đi thì hoàn toàn có thể. Đã có nhiều quyết định và chính sách bình đẳng giới tốt trong những năm qua ở Việt Nam, đặc biệt là quyền trẻ em gái và quyền tiếp cận giáo dục hay chăm sóc sức khỏe bà mẹ, quyền của phụ nữ tại nơi làm việc. Có thể thấy các chỉ số đang đi đúng hướng, rất nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra.
Nhưng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng của phụ nữ Việt Nam chưa được khai thác, ở cả chính trị, văn hóa hay khu vực tư nhân. Họ là những phụ nữ xuất sắc ở cấp quản lý cấp trung, có thể dễ dàng thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Nhưng nếu nhìn vào những vị trí cao nhất, Việt Nam vẫn còn rất ít phụ nữ. Tôi nghĩ một trong những chìa khóa để phụ nữ đạt được vị trí cao nhất của sự nghiệp là chia sẻ nhiều hơn công việc gia đình với người chồng. Việc gánh mọi trách nhiệm về con cái mà vẫn dành thời gian cho sự nghiệp là không thực tế.
Nếu bạn cố gắng làm điều đó, bạn sẽ không được hạnh phúc. Vì đó là một khối lượng công việc quá nhiều. Và nó cũng sẽ không tốt cho mối quan hệ và cuộc sống của bạn. Vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn là bạn nên cố gắng cân bằng cuộc sống và công việc, để có thể có một sự nghiệp tốt, có một cuộc sống riêng tư tốt, nhưng để đạt được điều đó thì bạn phải chia sẻ.
- Thụy Điển không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới ở trong nước mà còn tích cực làm việc với các nước đối tác về lĩnh vực này…
Việc gánh mọi trách nhiệm về con cái mà vẫn dành thời gian cho sự nghiệp là không thực tế. Nếu bạn cố gắng làm điều đó, bạn sẽ không được hạnh phúc.
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe
Thụy Điển hiểu rõ bình đẳng giới không chỉ tốt cho phụ nữ mà còn tốt cho cả nam giới, cho trẻ em, cho sự hòa hợp trong xã hội. Thụy Điển là nhà tài trợ đứng thứ 3 thế giới cho viện trợ phát triển chính thức (ODA), so sánh trên tỉ lệ tổng thu nhập quốc dân (khoảng 1% GNI), nhà tài trợ lớn thứ 6 tính theo giá trị. Chúng tôi có 7 ưu tiên trong hợp tác phát triển, và một trong số đó là bình đẳng giới. Vì vậy, chắc chắn trên toàn thế giới đều có các dự án do Thụy Điển tài trợ nhằm mục tiêu bình đẳng giới.
Thụy Điển cũng là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam trong 46 năm, trong đó bao gồm các dự án bình đẳng giới. Tất nhiên, với sự phát triển kinh tế xã hội vượt bậc ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, bây giờ chúng tôi không ở đây với tư cách là nhà viện trợ nữa, nhưng chúng tôi đã làm việc về lĩnh vực này một thời gian dài ở Việt Nam.
Triết lý của chúng tôi là đưa bình đẳng giới vào trong mọi thứ chúng tôi làm. Ví dụ, nếu đó là xúc tiến thương mại, chúng tôi nói chuyện với các công ty, đề xuất tăng tỷ lệ phụ nữ tại nơi làm việc. Nếu tổ chức một hội nghị, chúng tôi nghĩ xem có bao nhiêu phụ nữ trong một hội đồng và cố gắng tránh để hội nghị chỉ có đàn ông. Nếu nói đến các sự kiện văn hóa, chúng tôi cũng đang xem xét vấn đề bình đẳng giới. Ví dụ, chúng tôi đã có buổi ra mắt cuốn sách của Greta Thunberg ở Việt Nam, trong đó nói rất nhiều về biến đổi khí hậu, môi trường, và hình mẫu một cô bé tuổi teen góp tiếng nói bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Không chỉ có các chương trình song phương, bình đẳng giới còn được thúc đẩy tại các chương trình phát triển khu vực chúng tôi tham gia. Ví dụ, chúng tôi có dự án làm việc cùng UN Women về vai trò của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, những ảnh hưởng của phụ nữ địa phương đang chịu do biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
- Tương lai của những kế hoạch này và hoạt động hợp tác tiếp theo giữa Thụy Điển và Việt Nam thế nào, thưa bà?
Chúng tôi đang có kế hoạch trong năm tới sẽ thúc đẩy về nam tính tích cực (positive masculinity) và vai trò của nam giới trong bình đẳng giới. Sẽ có một số hoạt động gọi là “guy talks”, chúng tôi tập hợp những người đàn ông trẻ lại với nhau, trò chuyện và nói về nam tính tích cực, cách họ có thể trở thành người cha tốt, người chồng tốt, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình mà không cần đến bạo lực.
Ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Thụy Điển hiện nay là làm việc cùng nhau trong các môi trường đa phương ở các cơ quan khác nhau như Liên hợp quốc... Chẳng hạn như đã có một hội nghị toàn cầu lớn về vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh. Đây là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam và Thụy Điển rất ủng hộ. Thụy Điển hỗ trợ thực hiện và gửi cả chuyên gia thúc đẩy sáng kiến.
Hai nước cũng làm việc nhiều về sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ. Tôi nghĩ, đây là lĩnh vực Việt Nam đang làm tốt và có nhiều kinh nghiệm trong môi trường không bị vây quanh bởi nhiều định kiến về sức khỏe bà mẹ. Đây thực sự vẫn còn là một vấn đề lớn trên thế giới khi 800 phụ nữ qua đời mỗi ngày do mang thai hoặc sinh con.
- Bà có nghĩ Việt Nam sẽ mất một thời gian tương tự trên hành trình đó hay không?
Không, tôi nghĩ Việt Nam sẽ đi nhanh hơn nhiều. 30 năm qua, Việt Nam đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ trước kế hoạch. Cách đây hơn 100 năm, Thụy Điển từng là một nước nghèo. Chúng tôi mất cả thế kỷ để được như bây giờ. Nhưng tôi nghĩ đối với Việt Nam, nó sẽ nhanh hơn nhiều.
Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian như Thụy Điển để trở thành một quốc gia phát triển. Vì toàn cầu hóa và công nghệ hiện đại, sự tương tác giữa các quốc gia, với tham vọng mạnh mẽ, xã hội của các bạn đang phát triển rất nhanh. Và tôi cũng thấy mong muốn của rất nhiều người trẻ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Chúng ta có một lượng người trẻ Việt Nam biết và muốn tìm hiểu thêm về bình đẳng giới để có cảm hứng tự làm một điều gì đó.
Mọi sự phát triển không bao giờ chỉ có từ trên xuống hay từ dưới lên mà phải có cả hai chiều. Vì vậy, bạn có thể có cả luật và chính sách tốt từ Chính phủ và có sáng kiến và sự thay đổi đến từ người dân. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi, và tôi nghĩ nó sẽ diễn ra nhanh hơn ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!
Bình luận