“Nếu ở các nước nói “xin chào”, thì người Việt hỏi “anh đi đâu đấy”, “anh ăn cơm chưa”. Ai chưa biết thì tưởng họ tò mò, nhưng hiểu thì mới thấy đó là cách người Việt biểu lộ sự quan tâm”.
Đại sứ Saadi Salama - “một nhân vật Palestine” theo cách ông tự gọi mình - đã nói như vậy về lời chào của người Việt Nam.
Vị Đại sứ Palestine luôn tràn đầy năng lượng với khả năng tiếng Việt lưu loát. “Làm nhà ngoại giao cũng giống như đi du mục”, ông chia sẻ về quá trình làm việc ở nhiều nước của mình, trong đó, Việt Nam là nơi ông có thời gian gắn bó lâu nhất.
Là người Palestine ở Trung Đông xa xôi, nhưng từ khi còn nhỏ, Saadi Salama luôn theo dõi những thông tin đến từ Việt Nam. Quê hương ông, nơi được mệnh danh là Hà Nội của Palestine, rất khâm phục người Việt Nam. Những người bạn Palestine luôn theo dõi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và ủng hộ tinh thần đấu tranh đó. Vì vậy, năm 1980, ông không chần chừ khi đưa ra quyết định đến Việt Nam trong vai trò lưu học sinh tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia. Đến nay, vị Đại sứ Palestine đã gắn bó với Việt Nam 18 năm. “Có rất nhiều yếu tố làm cho tôi yêu đất nước này”, ông chia sẻ.
Đại sứ Palestine nhấn mạnh, những thành tựu của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc luôn tạo cho ông một lòng tin mạnh mẽ là nhân dân ở quê hương ông cũng sẽ thành công như Việt Nam. Việt Nam đã chứng minh cho nhân loại một chân lý: sự nghiệp chính nghĩa sẽ giành chiến thắng.
“Không phải là vị khách quá cảnh đến Việt Nam”
Sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong 3 giai đoạn khác nhau, không quá nếu nói ông Salama là một “nhân chứng lịch sử”, trải qua những sự kiện quan trọng nhất gắn liền với sự chuyển mình của đất nước hình chữ S mà ông đã lựa chọn.
Khi là sinh viên ở Việt Nam, Salama thấy thành phố Hà Nội thật thanh bình. Ông nhớ tiếng tàu điện, nhớ tiếng chuông điểm 12 giờ - lúc người dân Hà Nội nghỉ giải lao đi ăn trưa, hay những buổi tối thứ Bảy đi dạo công viên “đầy những đôi trai gái”. Trong ký ức của ông, hình ảnh Hà Nội vào những năm 80 thế kỷ trước thật tuyệt vời. Dù Hà Nội bây giờ đã thay đổi nhiều, hiện đại hơn, đầy đủ hơn, ông vẫn nhớ những kỷ niệm của Hà Nội xưa.
Có rất nhiều kỷ niệm về đất nước Việt Nam trong lòng vị Đại sứ, đặc biệt là ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. “Tôi cảm nhận lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với một vị lãnh tụ đã cống hiến cả cuộc đời của mình để giành thắng lợi cho họ”, ông nói.
Đại sứ Salama từng gặp Đại tướng nhiều lần và có những tình cảm rất đặc biệt với Đại tướng. Ông là người Palestine và là người Ả Rập đầu tiên dịch một tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập nói về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Cuốn sách có tiêu đề “Điện Biên Phủ - Năm điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh”.
Tuy nhiên, có lẽ kỷ niệm ý nghĩa nhất khiến “nhân vật Palestine” cảm thấy Việt Nam là một mảnh đất mang đến duyên lành trong trái tim ông, là cuộc gặp với cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat, người ông nhắc đến nhiều lần bằng tên gọi “vị lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi”.
Sự gắn bó của tôi ở Việt Nam sẽ tiếp tục vì tôi đến Việt Nam không phải chỉ là một vị khách quá cảnh. Trong trái tim và tâm trí của tôi, Việt Nam không khác gì với Palestine
Đại sứ Palestine Saadi Salama
Sinh ra tại Hebron, thành phố sôi nổi với các phong trào đấu tranh cách mạng, ông vô cùng xúc động khi có cơ hội gặp vị lãnh tụ của Palestine. Đặc biệt hơn, cuộc gặp không phải ở Palestine mà lại là ở Việt Nam. Kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí của ông. Sau này, ông cũng có dịp tham gia vào các chương trình đón tiếp khi nhà lãnh đạo Arafat đến Việt Nam, nhưng có lẽ lần đầu tiên vẫn để lại ấn tượng sâu đậm nhất.
Với những trải nghiệm và dấu ấn như vậy, Việt Nam không chỉ là một điểm đến, mà đã là nơi vị Đại sứ Palestine muốn gắn bó. “Những kỷ niệm, trải nghiệm đẹp trong cuộc đời tôi được hình thành ở Việt Nam, thì làm sao tôi có thể quyết định một ngày không gắn kết với Việt Nam được?”, ông nói.
Ông ví mình như là một người Việt Nam xa quê hương đã hai, ba mươi năm nhưng không thể quên được hương vị của món canh chua hay món rau muống. Mỗi lần xa Việt Nam, ông luôn có cảm giác đang đi xa nơi mà mình rất trân quý. Đó là nơi có những kỷ niệm đẹp trong đời của ông. Cứ ra nước ngoài là ông lại phải tìm một nhà hàng Việt Nam để có thể dùng món ăn Việt.
“Sự gắn bó của tôi ở Việt Nam sẽ tiếp tục vì tôi đến Việt Nam không phải chỉ là một vị khách quá cảnh. Trong trái tim và tâm trí của tôi, Việt Nam không khác gì với Palestine”, ông nói.
Vị Đại sứ của “Ngoại giao nhân dân”
Khi chia sẻ với chúng tôi quan niệm về hạnh phúc, Đại sứ Salama cho rằng, hạnh phúc đối với mỗi người có thể thay đổi theo tuổi tác. Nhưng đối với một người như ông - người con xa quê của đất nước chưa được hưởng độc lập dân tộc - thì hạnh phúc lớn nhất là khi đất nước độc lập và tự do, phải có độc lập thì mới có phát triển.
Với tình yêu quê hương và sự gắn bó với mảnh đất hình chữ S ở châu Á, ông Saadi Salama tích cực tham gia các hoạt động góp phần thúc đẩy sự gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam và Palestine trên tất cả các lĩnh vực, lan tỏa những giá trị văn hóa hai nước và trợ giúp các nhóm cộng đồng Palestine tại Việt Nam.
Trong đại dịch COVID-19, Đại sứ quán Palestine tham gia các hoạt động ngoại giao trực tuyến qua thiết bị công nghệ và vẫn “tiếp tục làm việc trên 2 mặt trận”.
Ở Việt Nam, hiếm có vị đại sứ nào hoạt động mạng xã hội tích cực như ông Salama. Ông thấy rất thoải mái khi dùng mạng xã hội, vừa để truyền bá thông điệp, văn hóa và những hoạt động ngoại giao giữa 2 nước, vừa giới thiệu cho các bạn Việt Nam về “một người Palestine” đang sống ở Việt Nam, chia sẻ những cảm xúc suy nghĩ của mình. Một điều đặc biệt là Facebook của ông luôn ưu tiên tiếng Việt. Tất cả các post và thông điệp của ông được viết bằng tiếng Việt và tiếng Ả Rập, đôi khi bằng tiếng Anh, vì lo Facebook “dịch không chuẩn”.
Đại sứ đích thân phụ trách kênh Facebook này. Ông tâm sự chân thành: “Không thể để các bạn trên Facebook thấy tôi vắng mặt nhiều”.
Không chỉ gắn bó với Việt Nam sâu sắc, với vốn hiểu biết phong phú, vị đại sứ là cầu nối cho những người nước ngoài với văn hóa Việt. Ông tự tin chia sẻ mình đã ứng xử như một người Việt Nam, có “một nửa” là người Việt Nam.
Bình luận