Chuyến thăm của bà Kamala Harris vừa qua tới Việt Nam được xem là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn trong lộ trình phát triển mới của quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
VTC News có cuộc phỏng vấn, nghe Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phân tích, làm rõ ý nghĩa chuyến thăm của bà Kamala Harris, chỉ ra vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ đối với khu vực cũng như nhận định về đường hướng quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới.
- Trong thời gian ngắn, các quan chức cấp cao của Mỹ liên tục chọn Việt Nam để đến thăm. Điều đó cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá cao, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ, thưa Đại sứ?
Nhìn tổng thể, trong 2 tháng vừa qua, liên tục có các chuyến thăm của quan chức chính quyền Biden đến châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia… Chính quyền Biden cho rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược của Mỹ trong thời kỳ này. Trong “Chỉ dẫn về chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” hồi tháng 3, Mỹ cũng cho biết sẽ dành rất nhiều ưu tiên đối với khu vực này.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực phát triển rất năng động, tập trung những nền kinh tế lớn nhất, động lực tăng trưởng của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Đồng thời, đây cũng là khu vực có địa chiến lược quan trọng.
Trong 2 chuyến thăm gần đây nhất của quan chức chính quyền Biden đến khu vực (Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa diễn ra và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tới Việt Nam vào tháng trước), thì họ chọn Đông Nam Á là điểm dừng chân. Điều đó cho thấy, Đông Nam Á có vai trò, vị trí quan trong trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngay trong thông điệp trước chuyến thăm của bà Kamala Harris, chính quyền Biden cho biết: “Đông Nam Á là một trụ cột quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đông Nam Á tập hợp các quốc gia phát triển rất năng động, trong đó có ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực vì hoà bình, an ninh, phát triển và dựa trên luật lệ”.
Điểm đến trong 2 chuyến thăm của quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đến khu vực đều có Việt Nam. Điều đó cho thấy chính quyền Mỹ đánh giá Việt Nam là đối tác có vai trò, vị trí rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á cũng như trong ASEAN. Hai chuyến thăm vừa qua của quan chức Mỹ, nhất là chuyến thăm của bà Kamala Harris đã cho thấy rõ điều đó.
Thế thì vì sao Mỹ lại đánh giá, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trước hết, dẫn lời Nhà Trắng: “Đây là những đối tác phát triển năng động và là đối tác hàng đầu, đóng góp vào an ninh, hoà bình ở khu vực và một khu vực dựa trên luật lệ”. Quan chức Mỹ đến Việt Nam để trao đổi về hợp tác song phương lẫn các vấn đề chung ở khu vực.
Việc chính quyền Biden coi trọng hợp tác với Việt Nam có mấy lý do như sau.
Thứ nhất, quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua có đà phát triển trên nhiều lĩnh vực, tạo ra sự đan xen lợi ích và chính quyền Biden nhận thấy quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa, vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Về kinh tế, khi mới thiết lập quan hệ giữa hai nước vào năm 1995, thương mại song phương mới chỉ đạt 0.5 tỷ USD. Thế nhưng, giờ đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã gần 100 tỷ USD. Điều đó cho thấy Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ, từ đó thúc đẩy quan hệ kinh tế hai bên.
Thứ hai, một Việt Nam đổi mới, ngày càng phát triển về kinh tế và hội nhập, tạo ra vị mới ở khu vực. Rõ ràng, vị thế mới của Việt Nam được nâng cao qua phát triển và hội nhập khiến Mỹ phải nhìn nhận, công nhận điều đó và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Thứ ba, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn đối với các nước, đồng thời hội nhập cùng phấn đấu vì một khu vực hoà bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế… có sự song trùng với cả khu vực và chiến lược mới của Mỹ dưới thời Biden.
Tất cả những điều này cộng hưởng lại, nhất là với việc chính quyền Biden gắn kết nhiều hơn với khu vực Đông Nam Á thì vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ ở khu vực.
- Theo Đại sứ, kết quả chuyến thăm bà Kamala Harris đã phản ánh rõ nhất điều gì về quan hệ Việt - Mỹ hiện tại?
Chuyến thăm của bà Kamala Harris đã đạt được rất nhiều thành công. Khi bà sang Việt Nam, bà đã có một loạt các hoạt động như trao đổi với lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, chứng kiến lễ khai trương Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á đặt tại Việt Nam, thăm Viện Vệ sinh dịch tễ ở Hà Nội, chứng kiến lễ ký thuê đất để xây trụ sở Đại sứ quán mới của Mỹ…
Trong các cuộc gặp, hội đàm với lãnh đạo Việt Nam của bà Kamala Harris nổi lên mấy điểm như sau. Thứ nhất, hai bên khẳng định rất coi trọng quan hệ đối tác toàn diện ngày càng phát triển trong thời gian qua, mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ còn rất nhiều tiềm năng.
Thứ hai, chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Kamala Harris tập trung vào hai vấn đề lớn. Đó là phối hợp cùng nhau để giải quyết thách thức cấp bách trong việc chống lại dịch COVID-19. Mỹ đã tuyên bố viện trợ ngay cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine, tổng đến nay là 6 triệu liều. Mỹ cam kết tiếp tục viện trợ cho Việt Nam không chỉ về vaccine, mà còn vật tư y tế cho công cuộc phòng, chống dịch của Việt Nam.
Hơn nữa, hai bên nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác kinh tế sau đại dịch, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp của hai nước trong thực hiện các hoạt động kinh doanh, làm ăn ở cả Mỹ và Việt Nam. Hướng tới các hợp tác hậu đại dịch với các sáng kiến như tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại giữa hai nước, phát triển xanh bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… Tất cả điều này tạo chương trình hợp tác mới giữa hai nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Mỹ và Việt Nam cũng bày tỏ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới ở cả tầm khu vực, đó là xây dựng khu vực dựa trên luật lệ vì hoà bình, an ninh và phát triển, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.
Từ những kết quả này, có thể thấy sắp tới quan hệ Việt Nam - Mỹ có những chia sẻ về tầm nhìn trong quan hệ song phương và đa phương. Tầm nhìn này phù hợp với lợi ích chung của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh đến phải chống được đại dịch COVID-19, duy trì kinh tế thương mại, chủ nghĩa đa phương, tính liên kết cũng như đảm bảo an ninh, hoà bình ở khu vực. Đó là ý nghĩa to lớn chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
- Với những bước tiến tích cực trong thời gian đầu nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Đại sứ dự báo thế nào về quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào đầu năm nay, quan hệ Việt Mỹ đang có đã phát triển sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ khi tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền Biden rất ủng hộ việc tiếp tục tăng cường đà phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ.
Theo đó, hai bên tiếp tục duy trì trao đổi ở cấp cao để tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ. Tháng 2 năm nay, Tổng thống Joe Biden có thư chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chúc mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy là điều rất đặc biệt.
Ông Biden cũng rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực, mời lãnh đạo cấp cao của Việt Nam dự hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu lần đầu tiên vào tháng 4 năm nay, chỉ có 40 nước dự. Điều đó chứng tỏ Mỹ coi trọng Việt Nam, cũng như đánh giá cao công tác ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam,
Trao đổi các cấp giữa hai nước dưới thời chính quyền Biden diễn ra thường xuyên về các vấn đề song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực. Đà quan hệ hai nước vẫn được tăng cường, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh song hoạt động kinh tế vẫn được duy trì. Theo thống kê của phía Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, thương mại hai chiều dù gặp khó khăn nhưng vẫn đạt 53 tỷ USD, khả năng đạt 90 - 100 tỷ USD trong năm nay. Điều đó chứng tỏ quyết tâm, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương từ chính phủ hai nước.
Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Và chuyến thăm Việt Nam liên tiếp của quan chức cấp cao của Mỹ trong hai tháng vừa qua là biểu hiện của sự coi trọng, đánh giá cao Việt Nam của chính quyền Biden.
Nếu nhìn lại 26 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ khi ký kết quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 đến nay thì quan hệ hai nước phát triển cả về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, cũng như trong các vấn đề khu vực.
Chắc chắn, dưới thời ông Biden, mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển. Câu chuyện quan trọng nhất ở đây là với kết quả đạt được sau chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris, tới đây hai nước sẽ triển khai cụ thể như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả và thực chất trong thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
- Theo Đại sứ, mục tiêu phát triển quan hệ lên đối tác chiến lược sẽ được thực hiện theo hướng nào? Bao giờ quy trình này sẽ hoàn thành và biểu hiện cao nhất của quan hệ đối tác chiến lược này là gì?
Ở đây có hai câu chuyện, một là đánh giá thực trạng tầm quan hệ Việt - Mỹ đang ở đâu, hai là đặt tên cho quan hệ đó như thế nào. 26 năm qua, quan hệ hai nước phát triển trên tất cả các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đầu tư, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, cho đến hợp tác khu vực và toàn cầu. Hai bên có nguyên tắc chủ đạo trong quan hệ song phương đó là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Từ đó tạo niềm tin trong hợp tác.
Hai nước cũng đã vượt qua được những vết thương của chiến tranh để giờ đây có thể hợp tác với nhau, khắc phục các hậu quả của chiến tranh, giúp đỡ tháo gỡ bom mìn… Việt Nam cũng hợp tác rất hiệu quả với Mỹ trong vấn đề tìm hài cốt lính Mỹ bị mất tích.
Câu chuyện lòng tin, câu chuyện hợp tác song phương đã phát triển toàn diện, trên tất cả các mặt. Qua 26 năm quan hệ Việt - Mỹ phát triển, đã có tính toàn diện và tầm chiến lược. Nếu so chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ tương tác với các nước khác, nhất là danh sách đối tác chiến lược thì quan hệ Việt - Mỹ khi đã có tính toàn diện và mang tầm chiến lược thì chắc chắn nó ở tầm chiến lược.
Trong chuyến thăm vừa qua của bà Kamala Harris, hai bên còn trao đổi rất nhiều vấn đề, không chỉ trong các lĩnh vực hợp tác mà còn kể cả dư địa và định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới. Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ coi trọng quan hệ Việt - Mỹ; nhận thấy quan hệ hai bên đã phát triển cả về chiều rộng và cả về thực chất, mang cả lợi ích cho Việt Nam, Mỹ và cho cả khu vực này; cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong thời gian tới…
Những kết quả đó không chỉ mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, không chỉ tiếp tục ứng phó với dịch COVID-19 mà còn hướng đến tầm nhìn, đưa ra định hướng làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Mỹ. Do đó, chắc chắn quan hệ Việt - Mỹ đã đủ tầm là toàn diện chiến lược, vấn đề giờ đây là định danh, đặt tên như thế nào cho đúng.
Biểu hiện của quan hệ đối tác chiến lược trước hết là việc hai bên cần nhau. Hai là hai bên có những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ để có tính ổn định lâu dài. Ba là hai bên song trùng rất nhiều lợi ích và những lợi ích này có tầm quan trọng trong phát triển an ninh quốc gia. Cuối cùng là bất kỳ quan hệ đối tác nào, kể cả đối tác chiến lược đều có những khác biệt, kể cả với Trung Quốc, Nga hay Nhật Bản... Tuy nhiên, giữa hai nước đều có nguyên tắc chỉ đạo, có những khuôn khổ để xử lý các khác biệt và tạo đà cho phát triển quan hệ song phương.
- Vai trò, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Theo Đại sứ, Việt Nam cần phải làm gì để thể hiện sự tự chủ trong chính sách đối ngoại, nhất là trong quan hệ đối với các nước lớn?
Chủ trương, chính sách, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại nói chung có 3 điều phải nhấn mạnh. Thứ nhất, trong chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam, lợi ích tối thượng là lợi ích quốc gia. Thứ hai, trong quan hệ với các nước, nguyên tắc căn bản là luật pháp quốc tế. Thứ ba, đó là Việt Nam muốn là bạn, đối tác tin cậy của các nước.
Chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ. Đó là độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ. Việt nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển, triển trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.
Việt Nam luôn có những nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại, đó là tôn trọng hiểu biết, cùng có lợi, đóng góp và hòa bình chung và dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn nhấn mạnh đến lợi ích quốc gia trong quan hệ đối ngoại.
Trong quan hệ với các nước lớn, không chỉ Việt Nam mà đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả ASEAN, đều coi trọng, chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đều là những nước lớn, đối tác quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh với các nước trong khu vực. Do đó, cạnh tranh giữa hai nước này chắc chắn có tác động, ảnh hưởng đối với sự phát triển của các nước trong khu vực.
Về quan điểm trong chính sách đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam đều muốn quan hệ tốt, tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi với cả Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc có thể cạnh tranh nhau nhưng sự cạnh tranh đó miễn sao không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, lợi ích, hòa bình và phát triển của khu vực này.
Hơn nữa, Mỹ và Trung có thể cạnh tranh song đừng bắt các nước phải chọn bên, đứng về bên này để chống bên kia. Cả hai nước này trong quan hệ với Việt Nam và các nước trong khu vực phải dựa vào luật pháp quốc tế. Dù không chọn bên, song nếu như Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh, tạo ra bất ổn trong khu vực thì ASEAN và Việt Nam cũng sẽ phải lên tiếng.
Một khi, một trong hai nước này có những ứng xử sai trái, đụng chạm đến lợi ích của Việt Nam thì Việt Nam cần phải lên tiếng để bảo vệ. Ví dụ như tình hình ở Biển Đông phức tạp, vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp theo Công ước Luật biển UNCLOS 1982 của Việt Nam bị xâm phạm, thì không thể vì coi trọng quan hệ hợp tác mà không lên tiếng.
Tóm lại, Việt Nam muốn làm bạn, muốn quan hệ tốt với các nước lớn nhưng vẫn phải vì lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Dù các nước lớn có cạnh tranh nhau, nếu có đúng sai thì Việt Nam vẫn phải kiên quyết giữ lập trường, tất cả vì lợi ích của Việt Nam cũng vì lợi ích chung của khu vực.
Bình luận