• Zalo

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục đầu tư vào Hưng Yên

Đầu TưThứ Tư, 27/09/2023 17:09:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông Takio Yamada, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam tin tưởng, với những thành công đạt được ở Hưng Yên, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào tỉnh này.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Hưng Yên tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Nhật Bản đã có đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản do tỉnh Hưng Yên tổ chức, ông Takio Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - nhấn mạnh: Hưng Yên là một trong những địa phương có sự gắn kết và tạo ra sự giao thương với Nhật Bản. Ngay từ thế kỷ XVII, Hưng Yên và Nhật Bản đã có mối quan hệ giao thương, điều đó cho thấy lịch sử phát triển lâu dài và bền vững.

"Có được sự thành công như thế này là nhờ sự đóng góp của chính quyền, các cấp, ngành địa phương. Tại Hưng Yên có gần 200 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào với số vốn 4 tỷ USD. Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào Hưng Yên, đồng thời tôi cũng mong muốn có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Hưng Yên”, ông Takio Yamada nói.

Vị Đại sứ Nhật Bản cũng đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở châu Á và là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua. Dù kinh tế thế giới những năm qua có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã vượt qua và phát triển nhanh chóng.

Ông Takio Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: Ngô Nhung)

Ông Takio Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: Ngô Nhung)

60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ở Việt Nam

Chung nhận định với Đại sứ Takio Yamada, đại diện nhiều tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cho rằng thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh và rất hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) là một pháp nhân hành chính độc lập trực thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp (Nhật Bản). Những năm qua, Jetro đã có những hợp tác hiệu quả, thực chất với các tỉnh thành của Việt Nam trong xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có tỉnh Hưng Yên.

Tại hội nghị, phát biểu về môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO) tại Hà Nội đánh giá, nền kinh tế nội địa của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng cao hơn so với các nước xung quanh; các hoạt động sản xuất, dịch vụ trực tiếp, du lịch, công nghệ thông tin/kỹ thuật số khá ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong các “công xưởng của thế giới”, Việt Nam cũng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông thủy sản, xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ngô Trần).

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ngô Trần).

Khảo sát JETRO năm 2022 về các công ty Nhật Bản mở rộng ra kinh doanh ở nước ngoài cho thấy, có 597 doanh nghiệp (chiếm tới 60%) muốn đầu tư ở Việt Nam. Kể từ sau dịch COVID-19, các thương hiệu MUJI, Matsukiyo, ABC Mart…đã tham gia thị trường Việt Nam. 

Trong đó, Aeon Mall có kế hoạch mở rộng hơn nữa mạng lưới của mình thêm 6 cửa hàng và Uniqlo thêm 17 cửa hàng. Quy mô thị trường thương mại điện tử bằng 1/10 so với cửa hàng thực tế (vấn đề thanh toán và logistic). 

Cũng theo vị đại diện của JETRO, xu hướng đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chú trọng vào các lĩnh vực mới như chất bán dẫn, thiết bị y tế, liên quan đến xe điện, hậu cần và trung tâm dữ liệu; Đường cao tốc địa phương, phát triển khu công nghiệp; đầu tư tự động hóa...

Việt Nam có thế mạnh về hội nhập kinh tế quốc tế

Đó là khẳng định của ông Bùi Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam - công ty tư vấn, kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam, là thành viên của Deloitte quốc tế.

Cụ thể, theo ông Tuấn, hiện nay, Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại đã ký kết và 3 Hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán là: Hiệp định giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) (bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein) (VNEFTAFTA); Hiệp định giữa Việt Nam và UAE (CEPA); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada.

Nhờ các hiệp định này mà kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2020 - 2022 của Việt Nam tại nhiều thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... liên tục tăng qua các năm.

Các Hiệp định này cũng mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam như: Tăng cường tiếp cận thị trường, giảm chi phí, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đơn giản hóa việc tuân thủ các quy định, đầu tư thuận lợi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam. (Ảnh: Ngô Trần).

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam. (Ảnh: Ngô Trần).

Tại Hội nghị, đại diện Deloitte Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và thực tiễn nhằm đưa tỉnh Hưng Yên phát triển lên một tầm cao mới.

Theo đó, ông Tuấn cho biết, Việt Nam đang thực hiện ba chiến lược cải cách hệ thống thuế gồm: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Luật thuế GTGT và Luật thuế TTĐB sửa đổi.

Ba chiến lược cải cách này sẽ giúp ngành thuế Việt Nam thích ứng với nhu cầu phát triển thực tế, nới lỏng các hạn chế trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng xu hướng cải cách thuế, hội nhập quốc tế và các tiêu chuẩn toàn cầu, thúc đẩy cải cách hành chính thuế, tạo điều kiện huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó việc chuyển đổi số trong quản lý thuế đã có những chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, có 99,93% khai thuế điện tử, 99,35% nộp thuế cho doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến, 97,59% hoàn thuế qua hình thức trực tuyến; 44,8% triển khai hoá đơn điện tử. 

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn