Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "lửa và cơn giận" chưa từng có từ Mỹ, ngày 10/8, Triều Tiên đáp trả bằng lời đe dọa tấn công đảo Guam với 4 tên lửa đạn đạo.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 11/8, ông Trump lại đưa ra lời cảnh báo các phương án chiến tranh với Triều Tiên đã được "khóa và lên nòng" khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Để làm rõ khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên, VTC News phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề quốc tế. Đại sứ Trường cho rằng: "Hai nước đang diễn võ mồm và giải pháp khả thi nhất cho bán đảo Triều Tiên vẫn là ngoại giao".
- Liên tiếp những phát ngôn cứng rắn được cả Mỹ và Triều Tiên đưa ra trong những ngày vừa qua, liệu rằng sắp có chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên thưa Đại sứ?
Theo tôi, đây chỉ là những chiêu võ mồm, đánh đòn cân não của Washington và Bình Nhưỡng.
Dù có điều gì xảy ra, Triều Tiên sẽ không phát động chiến tranh. Nếu đúng như lời đe dọa, một khi Triều Tiên tấn công đảo Guam thì quốc gia này cũng sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề.
Nếu chiến tranh xảy ra, tất nhiên Seoul sẽ bị ảnh hưởng nhưng đổi lại Triều Tiên sẽ bị phá hủy hoàn toàn.
- Vậy "võ mồm" như Đại sứ nói cụ thể là gì?
Những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên được đưa ra trong khi vẫn có những kênh ngoại giao giữa hai nước hoạt động. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis còn khẳng định đã có những tiến triển ngoại giao nhất trong căng thẳng với Triều Tiên.
Video: Triều Tiên phóng tên lửa bay cao gần 4.000 km trong đêm
Động thái này được cho là để hai nước gây sức ép lẫn nhau, cũng như tạo áp lực với các quốc gia liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Từ đó, tạo khủng hoảng để thúc đẩy giải pháp giải quyết vấn đề giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, những động thái nói trên của ông Donald Trump và Mỹ còn có một mục đích khác là gấy sức ép với Trung Quốc.
- Trong căng thăng Mỹ - Triều Tiên gần đây, nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách lảng tránh, vậy sức ép mà Mỹ muốn tạo ra liệu có hiệu quả không, thưa ông?
Dấu hiệu lớn nhất cho thấy sức ép của Washington có hiệu quả là Bắc Kinh vừa rồi phải thông qua nghị quyết Mỹ trình lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cắt giảm nhiều mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên, được cho là chiếm đến 1/3 giá trị xuất khẩu của Bình Nhưỡng.
Theo tôi, tuyên bố lên kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa của Triều Tiên được đưa ra để trả đũa hai vấn đề. Đầu tiên là những lời đe dọa của Tổng thống Trump và thứ hai là nghị quyết trừng phạt mới nhất có thể xem là nặng nề nhất từ trước đến nay với Triều Tiên.
Ngoài ra, ngày 12/8, ông Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên, nói rõ các bên kiềm chế những động thái có thể khiến căng thẳng leo thang.
Ông Tập cũng kêu gọi "các bên liên quan duy trì sự kiềm chế" và tiếp tục ủng hộ cách giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại, đàm phán và một giải pháp chính trị.
- Theo Đại sứ, như vậy có phải căng thẳng Mỹ - Triều Tiên đã có lối ra?
Hiện nay, hai bên vẫn đang dùng mọi biện pháp để giải quyết căng thẳng, trừ chiến tranh. Như tôi đã nói, các động thái gần đây chỉ là võ mồm chứ không thể xảy ra xung đột vũ trang.
Hai bên trở nên căng thẳng có thể là dấu hiệu để đưa ra những thỏa thuận "dưới gầm bàn" mà các nước khác không thể biết được.
Hiện nay, Seoul có thể xem là con tin của Triều Tiên đối với Mỹ, khiến Washington khó có thể ra tay. Nếu có xung đột, có lẽ đã xảy ra từ khi Bình Nhưỡng chưa làm chủ được công nghệ hạt nhân và năng lực tên lửa như hiện nay.
Mặc dù Mỹ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống, nhưng nếu lựa chọn chiến tranh, có thể Hàn Quốc sẽ bị xóa sổ với khả năng của Triều Tiên hiện nay.
Trong tuyên bố đe dọa đảo Guam, Triều Tiên cũng nói sẽ bắn tên lửa cách bãi biển 30-40 km như để chứng minh khả năng kiểm soát tên lửa của mình.
Với các cuộc thử nghiệm gần đây, các tên lửa Triều Tiên đã đạt được tầm bay khiến các chuyên gia quân sự phải kinh ngạc. Do đó, trong căng thẳng hiện nay, có thể thấy Hàn Quốc vẫn duy trì các kênh liên lạc với Triều Tiên để tránh xảy ra xung đột vũ trang.
Video: Tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng biển Nhật Bản sau vụ thử trong đêm
- Vậy theo ông, giải pháp tốt nhất cho vấn đề Triều Tiên hiện nay là gì?
Giải pháp duy nhất là Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Sau đó, Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân của mình, đổi lại, Mỹ và các thành viên còn lại của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ gỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt hiện nay.
Ngoài ra, khi đàm phán thành công, phía Hàn Quốc sẽ tích cực khôi phục chính sách Ánh Dương nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận