Đài Phát thanh Giải Phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Thời sựThứ Sáu, 07/09/2018 11:32:00 +07:00

Ngày 7/9, Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải phóng đúng vào ngày kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN.

Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao tặng ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài Phát thanh Giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

thu-tuong-nguyen-xuan-phuc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phạm Chiểu) 

Về phía Đài TNVN có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Đài TNVN; các lãnh đạo nguyên Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng Giám đốc cùng lãnh đạo các đơn vị của Đài TNVN.

Đặc biệt, buổi lễ có sự hiện diện của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên từng công tác, cống hiến cho Đài Phát thanh Giải phóng trong suốt những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cao trào Đồng khởi đầu năm 1960 đã đưa đến thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (20/12/1960). Để đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền cách mạng và nguyện vọng của nhân dân, Trung ương Đảng đã chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương Cục miền Nam, Đài TNVN gấp rút thành lập Đài Phát thanh Giải phóng.

Tháng 11/1961, tại căn cứ Tây Bắc (Tây Ninh), Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập, bên cạnh Thông tấn xã Giải phóng và Báo Giải phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam.

18h30’ ngày 1/2/1962, lời xướng: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam” trên nền nhạc hành khúc “Giải phóng Miền Nam” của nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước) vang lên đĩnh đạc, hào hùng, kiêu hãnh, từ chiến khu miền Đông Nam Bộ truyền đi tiếng nói tin yêu của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Tiếng nói ấy được Đài Giải phóng A, giữa lòng thủ đô Hà Nội tiếp âm, tiếp sức, hỗ trợ, thay thế Đài Giải phóng B khi cần thiết đã giữ vững Tiếng nói Giải phóng liên tục, vang xa trong chiến tranh ác liệt.

Ngay sau khi thành lập, Đài Phát thanh Giải phóng đã luôn sát cánh cùng Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Báo Giải phóng và các cơ quan báo chí khác, cùng cả dân tộc bền gan chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách.

Đặc biệt, Đài Phát thanh Giải phóng đã theo sát bước chân thần tốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhanh chóng tiếp quản các đài phát thanh, truyền hình của địch, kịp thời phát Chương trình phát thanh đầu tiên của Chính quyền cách mạng vào lúc 20h ngày 30/04/1975, đánh dấu sự toàn thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đài Phát thanh Giải Phóng đã thực sự là một mũi tiến công sắc bén và hết sức quan trọng trên mặt trận thông tin, đưa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - tiếng nói chính nghĩa đến với đồng bào và chiến sỹ cả nước, với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, của dân tộc Việt Nam.

Sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ Đài Phát thanh Giải phóng B và A tỏa đi tiếp tục công tác tại các Đài Phát thanh – Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam… đều đã phát huy truyền thống anh hùng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người làm phát thanh trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong phát biểu chúc mừng Đài Phát thanh Giải phóng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp hết sức quan trọng của các thế hệ nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng.

Thủ tướng khẳng định: "Nửa thế kỷ đã đi qua, chúng ta không thể quên những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, trong đó có các chiến dịch tấn công, càn quét của bè lũ đế quốc, tay sai nhằm vào Đài Phát thanh Giải phóng. Chúng ta rất xúc động và tự hào trước sự kiên cường của cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài Giải phóng "vừa là nhà báo, vừa là chiến sỹ"; 4 cán bộ của Đài trở thành “dũng sỹ” diệt xe tăng, máy bay; 25 đồng chí đã anh dũng hy sinh xương máu để giữ cho làn sóng phát thanh của Đài được thông suốt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước hào hùng của dân tộc ta, chúng ta càng thấy tầm vóc, sức lan tỏa mạnh mẽ của Đài Phát thanh Giải phóng đã cất cao tiếng nói chính nghĩa, cổ vũ, thôi thúc đồng bào chiến sỹ cả nước xung trận, làm suy yếu tinh thần quân thù, lập nên chiến công hiển hách. Làn sóng Đài phát thanh Giải phóng cùng Đài Tiếng nói Việt Nam “Vang xa tận nước Mỹ, đến tận Paris nước Pháp, khi ở đây diễn ra Hội nghị bốn bên về Việt Nam”.

Đó cũng là mũi nhọn tiến công hiệu quả trên mặt trận thông tin và ngoại giao, góp phần giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao của Đài Phát thanh Giải phóng. Tại buổi lễ long trọng hôm nay, Đài vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Vinh quang này trước hết thuộc về 25 liệt sỹ đã ngã xuống trên các chiến trường cho làn sóng phát thanh Giải phóng liên tục, mạnh mẽ, vang xa.

Đây cũng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với hơn 600 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên các thời kỳ của Đài Phát thanh Giải phóng đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải Phóng.

le-don-nhan-danh-hieu 5

 

thu-tuong-tang-danh-hieu

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN nêu rõ: “Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng cho Đài Phát thanh Giải phóng là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài Phát thanh Giải phóng, trong đó nhiều cô, bác, anh chị đang ngồi tại đây đã có một thời tuổi trẻ sôi nổi gắn bó với làn sóng phát thanh cho miền Nam, vì miền Nam ruột thịt. Đây là niềm tự hào, niềm vui chung của các thế hệ làm phát thanh cả nước, thôi thúc thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả mà cha anh đã dày công gây dựng bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu”.

nguyen-the-ky 4

Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Phạm Chiểu) 

Tổng Giám đốc Đài TNVN khẳng định: "Trong Ngày kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN và Lễ đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải phóng, chúng ta bồi hồi, xúc động tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn những liệt sĩ, thương binh, những cán bộ lãnh đạo, nhân viên một thời oanh liệt; tưởng nhớ về những hy sinh, đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của bao người để làn sóng của Tiếng nói Việt Nam tỏa rộng, vươn xa trong nước, đến với đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.​

“Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, nghệ sĩ, người lao động của Đài TNVN; những người từng công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi cho Đài thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao; biết ơn công chúng cả nước trong hơn 7 thập niên qua đã gắn bó, tin yêu, dành tình cảm thân thương nhất cho Đài. Phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất định Đài Tiếng nói Việt Nam, sự nghiệp phát thanh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững vàng, mạnh mẽ”.

qua-cua-thu-tuong 6

 

thu-tuong-tang-qua 7

Thủ tướng tặng quà nhân ngày kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN. (Ảnh: Phạm Chiểu) 

Sáng cùng ngày, Đài TNVN đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam năm 2018. Đây là giải thưởng hằng năm được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đài TNVN (7/9/1945) nhằm vinh danh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, công trình xuất sắc về báo chí, văn học nghệ thuật, kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu khoa học; góp phần khuyến khích, khen thưởng sự sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, hiệu quả truyền thông của Đài TNVN.

Tại lễ trao giải năm nay, Đài TNVN đã trao 4 giải A, 8 giải B và 9 giải C ở các thể loại: Phát thanh; Truyền hình; Báo in - báo điện tử; công trình nghiên cứu, công trình sáng tạo; giải thưởng cho phát thanh viên, người dẫn chương trình; lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, nghiên cứu.

Phạm Chiểu
Bình luận
vtcnews.vn