• Zalo

Dải phân cách cứng: ‘Gây nguy hiểm thì bỏ đi’

Thời sựThứ Bảy, 28/09/2013 03:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh "phải dỡ bỏ giải phân cách cứng nếu gây nguy hiểm cho dân"

(VTC News) –  Trước nhiều quan điểm trái ngược trong việc giữ lại hay dỡ bỏ giải phân cách cứng, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo 'dỡ bỏ ngay nếu gây nguy hiểm cho dân'

Từ lâu, dư luận vẫn cho rằng nhiều tuyến đường của Hà Nội không chỉ chật hẹp, hạ tầng giao thông yếu kém, cộng với dải phân cách bố trí không hợp lý... chính là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Dải phân cách (nhất là dải phân cách cứng) trên đường phố không những là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, mà còn là cái bẫy đối với các phương tiện lưu thông trên đường, nhất là vào ban đêm.

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị  
Một số tuyến đường của Hà Nội như đường Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Đại cồ Việt hay Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... là những tuyến đường có dải phân cách bố trí một cách bất hợp lý. Đó cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông trên những tuyến đường này.

Cùng với việc trên, do ý thức người tham gia giao thông kém, nên nhiều người đi bộ đã tự ý trèo qua dải phân cách để sang đường, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác...

Trước thực trạng trên, nhiều cử tri ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ủng hộ việc dỡ bỏ các dải phân cách cứng, với lý do chính là không phù hợp với các tuyến đường nội đô. Hơn nữa, nhiều bất hợp lý trong cách dựng biển báo, dải phân cách như “bẫy” người tham gia giao thông chỉ khiến bài toán giao thông đã phức tạp càng thêm nan giải.

Trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu thừa nhận: “Về dải phân cách đúng là phải rút kinh nghiệm, nhưng ban đầu vẫn phải làm để nâng ý thức của người dân. Đó là việc phải làm, nhiều khi phải mất 10 – 20 năm mới cải thiện được ý thức tham gia giao thông của người dân.

Thế nhưng, đến giai đoạn này cần thiết vẫn phải rút vì có những đoạn dải phân cách khiến ô tô, xe máy tông vào, gây tai nạn. Ở nhiều nước giờ không có cái đó, nhưng trước đây, ở giai đoạn đầu như mình, người ta đã làm như thế.

Khi ý thức người dân tốt hơn, người ta chỉ làm vạch kẻ hoặc vạch liền theo quy định của ngành giao thông. Thành phố sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm về việc này để chúng ta có quản lý tốt hơn”.

“Gây nguy hiểm thì bỏ đi”

 

Ở nhiều nước giờ không có cái đó, nhưng trước đây, ở giai đoạn đầu như mình, người ta đã làm như thế. Khi ý thức người dân tốt hơn, người ta chỉ làm vạch kẻ hoặc vạch liền theo quy định của ngành giao thông.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu
 
Trong khi đó, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Lãnh đạo Sở giao thông vận tải Hà Nội phải sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách cứng. Cá nhân tôi đã từng nhắc các đồng chí nhiều lần rồi.


Việc phân luồng, phân tuyến là cần thiết để đảm bảo trật tự giao thông, nhưng dư luận không đồng tình vì họ thấy là nguy hiểm thì các đồng chí phải nghiên cứu bỏ dải phân cách cứng đó đi.

Làm vạch sơn để phân cách thì vẫn làm. Bên cạnh đó phải phạt những người vi phạm sao cho khách quan, chứ đừng có người ta đưa tiền thì lại thả. Tôi đề nghị các đồng chí phải nghiên cứu và sớm có câu trả lời về dải phân cách cứng. Nếu thực tế không phù hợp thì phải thay đi”.

Trước bài toán khó này, một độc giả hiến kế: “Dải phân cách cứng có thể vẫn duy trì, nhưng phía trước dải phân cách cứng đó nên thêm vào một đoạn phân cách mềm và cảnh báo dưới lòng đường. Đồng thời có thể thiết kế thêm phần giảm va đập tại nơi có dải phân cách cứng thì an toàn hơn và cũng giảm thiệt hại hơn khi xảy ra va chạm”.

Bác lại quan điểm trên, nhiều người vẫn kiên định với lập luận: “Không nên giữ cách làm việc kiểu như “đẽo cày giữa đường” của dải phân cách cứng, vì chỉ gây thêm lãng phí, tốn kém và mất lòng tin trong dân với ngành giao thông nước nhà”.
Dải phân cách cứng bị xem là "bẫy" giao thông (Ảnh: Internet)
Dải phân cách cứng bị xem là "bẫy" giao thông (Ảnh: Internet) 
Từ ngày 20/9/2011, Sở GTVT Hà Nội phân làn tách dòng phương tiện 4 tuyến phố Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu.


 

Lãnh đạo Sở giao thông vận tải Hà Nội phải sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách cứng. Cá nhân tôi đã từng nhắc các đồng chí nhiều lần rồi.

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
 
Theo tổng hợp của Sở GTVT thời điểm đó, sau gần 1 tháng (từ tháng 9 đến 10/2011) phân làn, lái xe đã hạ gục, làm xoay lệch gần 200 cột biển báo cắm ở dải phân cách làn đường ô tô, xe máy.


Từ đó đến nay, Hà Nội vẫn tiếp tục bàn cách tách dòng phương tiện thêm nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi - Quang Trung, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh…

Thế nhưng, qua những phân tích trên, có thể thấy phân làn tại những nơi đông dân cư như Hà Nội là rất khó, bởi lượng xe máy quá lớn.

Để giảm tai nạn giao thông nói chung và va chạm với dải phân làn nói riêng, cần siết chặt kỷ cương pháp luật, tăng mức phạt và giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, hơn là đặt những “cái bẫy” dải phân cách giữa đường như hiện nay.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn