• Zalo

Đại lý kinh doanh tại Việt Nam thấy 'may mắn khi Vertu phá sản'

Kinh tếThứ Hai, 14/08/2017 07:20:00 +07:00Google News

Trước thông tin Vertu sẽ đấu giá hàng loạt các sản phẩm của mình để trả khoản nợ lên tới 128 triệu bảng Anh (gần 4.000 tỷ đồng),các cửa hàng kinh doanh Vertu tại Việt Nam tỏ ra khá lạc quan, khi cho rằng, việc Vertu phá sản có khi lại là điều may mắn.

Vào khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường di động thế giới đồn thổi về cái kết đắng của hãng sản xuất điện thoại siêu sang mang tính biểu tượng của nước Anh là Vertu khi sẽ sớm thanh lý tài sản sau những khó khăn về tài chính. Cho tới thời điểm đầu tháng 8, hãng di động siêu sang Vertu mới chính thức xác nhận thông tin trên.

90% điện thoại di động siêu sang là thị phần của Vertu

Tại Việt Nam, không thiếu các thương hiệu di động siêu sang mà chỉ có tầm cỡ đại gia mới có đủ tiền để sở hữu chúng. Có thể điểm mặt một số thương hiệu như Goldvish, Gresso của Thụy Sĩ, Mobiado của Canada hay một số dòng máy siêu sang của Nokia,....

20621048_1903000046627682_9050994183433114260_n 3

90% điện thoại di động siêu sang là thị phần của Vertu.

Tuy nhiên, Vertu lại chính là gương mặt thịnh hành nhất tại Việt Nam ở phân khúc điện thoại siêu sang. Anh Phạm Quang Tùng, chủ của cửa hàng Luxury VIP - chuyên phân phối các mẫu điện thoại đắt tiền tại Hà Nội cho biết, thương hiệu Vertu dường như thống lĩnh thị trường điện thoại đắt tiền và chiếm tới 90% thị phần.

Video: Cận cảnh mẫu Vertu Signature S Clous

"Vertu cực kỳ thịnh hành ở Việt Nam với hai lý do một là chất lượng và hai là thương hiệu. Về chất lượng, không thể bàn cãi các sản phẩm mà Vertu làm. Các chi tiết của chúng đều tinh xảo, sang trọng, độ bền rất cao.

Khác với các thương hiệu khác, các sản phẩm của họ thường mạ vàng, nhưng, Vertu không bao giờ chơi với hàng mạ, tất cả các chất liệu như vàng, kim cương đều nguyên chất.

Điểm thứ 2 là về thương hiệu, dường như Vertu đã quá mạnh so với các thương hiệu điện thoại di động siêu sang khác, chính vì vậy nhiều người biết đến thương hiệu này hơn và chuộng chúng hơn", anh Tùng nói.

Anh Quang Bình, chủ một cửa hàng chuyên bán các mẫu điện thoại xa xỉ khác cũng thừa nhận, Vertu đang áp đảo các thương hiệu khác: "Một phần lý do mà Vertu thống lĩnh thị trường điện thoại xa xỉ là phải nhờ tới Nokia. Trước khi được sang tên đổi chủ, Vertu là một phần của đế chế Nokia.

Vào khoảng những năm 2000 - 2010, dường như không có một đối thủ nào đủ sức để chống lại đế chế này. Không những vậy, người Việt luôn mặc định cái gì của Nokia cũng tốt, cái gì cũng bền, chính vì vậy, thương hiệu Vertu cũng được ăn theo Nokia để tạo tiền đề phát triển tại Việt Nam".

Vertu giảm 1/10 chỉ là hàng tồn kho

Trước thông tin Vertu sẽ đấu giá hàng loạt các sản phẩm của mình để trả khoản nợ lên tới 128 triệu bảng Anh (gần 4.000 tỷ đồng),các cửa hàng kinh doanh Vertu tỏ ra khá lạc quan, một số đơn vị còn cho rằng, việc Vertu phá sản có khi lại là điều may mắn.

a1

Danh sách các mẫu điện thoại được đấu giá, hầu hết chúng đều là hàng tồn kho có tuổi đời từ 5 - 10 năm. 

Anh Phạm Quang Tùng cho biết, hầu hết các mẫu điện thoại Vertu được đấu giá đều có tuổi thọ trên 5 năm và chúng được giới mua - bán gọi là hàng "hết date" và bị tồn kho.

Nếu xét giá trị của chúng so với thời điểm mới được xuất xưởng đã mất giá tới 60%. Đơn cử như một vài phiên bản thuộc dòng constellation quest đang được đấu giá khoảng 4.000 Euro, trong khi giá mới xuất xưởng là 7.800 Euro.

"Giống như các doanh nghiệp sản xuất điện thoại đi động bây giờ, các hãng thường nâng cấp các đời máy qua mỗi năm và khi 1 sản phẩm mới được ra mắt thì tất cả các sản phẩm cũ được thu gom lại và để lưu trữ trong kho.

Vertu cũng vậy, khi một sản phẩm mới nâng cấp được ra mắt, thì hàng tồn sẽ được gom lại bán thanh lý cho các thương gia với giá rẻ hơn hoặc để chất đống trong kho", anh Tùng nói.

20479486_1900188570242163_7501586405222868351_n 4

Giá trị của Vertu sau khi phá sản có thể tăng gấp 2 - 3 lần. 

Song, đối với các mẫu điện thoại 5 năm trở lại đây đang cực kỳ khan hiếm, lượng đơn đặt hàng từ thế giới rất lớn, hàng sản xuất lúc nào là hết hàng lúc đó.

"Đối với các mẫu điện thoại Vertu được sản xuất 5 năm trở lại đây rất đông khách, các thị trường như Dubai, Trung Quốc hoặc các quốc gia Ả Rập đang cực thịnh. Bất kỳ lô hàng nào được sản xuất ra là hết veo trong vài nốt nhạc. Chính vì vậy, các mẫu điện thoại này trong tương lai sẽ được đẩy giá lên rất cao, tùy từng đời máy và độ hiếm của máy", anh Tùng nói thêm.

Video: Phá sản, Vertu bán tống bán tháo nhiều sản phẩm

Đồng tình với quan điểm của anh Tùng, chị Việt Bích, đại diện một của hàng chuyên bán điện thoại xa xỉ khác ở Xã Đàn (Hà Nội) nhận định, đừng mơ tới việc mua Vertu với giá 1/10.

"Việc thanh lý tài sản của Vertu thiệt hại nhất vẫn là các nhà phân phối độc quyền, ở Việt Nam thì là FPT. Và nên nhớ, đây là đấu giá sản phẩm không phải là giá mua sản phẩm như nhiều người lầm tưởng".

Chị Bích lấy dẫn chứng: "Một thương hiệu chết đi không có chuyện giá bán sẽ giảm mà sẽ ngược lại, tăng rất mạnh nhờ độ hiềm. Tôi lấy ví dụ, mẫu điện thoại Nokia 8800 dù đã ngừng sản xuất từ năm 2009 nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn được bán tại Việt Nam với cái giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, bất chấp tất cả điện thoại 8800 là máy cũ, đã qua sử dụng, thậm chí là đã qua sửa chữa. Đắt hay rẻ là nhờ thương hiệu. Vì vậy đừng có mơ mà mua được Vertu giá rẻ".

Anh Quang Tùng nhấn mạnh, việc Vertu thanh lý tài sản không phải là hãng sản xuất này thiếu tiền hay bị vỡ nợ mà còn do một lý do khác.

a2

Đừng mơ tới việc mua Vertu với giá rẻ ở Việt Nam

"Nhiều người lầm tưởng Vertu thanh lý tài sản là do thiếu tiền hoặc nợ chồng chất, tất cả đều sai. Từ khi thương hiệu Vertu được bán lại cho gia tộc Uzan (Thổ Nhĩ Kỳ) vào đầu năm 2016 đã phát triển mạnh về nguồn tài chính. Chủ nhân của Vertu là ông Murat Hakan Uzan, có giá trị tài sản lên tới hàng tỷ USD. Vì vậy, việc không thể trả nợ số tiền 128 triệu bảng Anh là điều khó hiều".

Lý do mà Vertu bị bức tử là việc Thổ Nhĩ Kỳ thanh kiểm tra tài sản của ông Murat Hakan Uzan và phát hiện ra nhiều sai phạm. Với mức độ rất nghiêm trọng, ông chủ của Vertu đã cao chạy xa bay, để lại cái ngân sách trống rỗng của Vertu và bức tử thương hiệu này bằng cách thanh lý tài sản để trả lại cho chủ nợ.

Tuy nhiên, theo anh Tùng, việc Vertu bị khai tử chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhiều người khác tin chắc Vertu sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa: "Với thương hiệu đẳng cấp 1 thời, biết đâu 1 ngày nào đó Vertu được tái sinh bằng một cách nào đó, ví dụ như một ông chủ giàu có mua lại các khoản nợ hoặc sang tên chuyển nhượng".

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn