Cụ thể, Đại hội sẽ bàn phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP), mua bán cổ phiếu quỹ, sửa đổi giấy phép hoạt động, sửa đổi Điều lệ...
Năm 2018, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 ở mức 10.800 tỷ đồng, tăng 33% so với con số thực hiện được năm 2017.Với mục tiêu lợi nhuận trên, VPBank cũng lập phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2018.
Vốn điều lệ của VPBank hiện ở mức 15.706 tỷ đồng (trong đó có 14.974 tỷ đồng vốn cổ phần phổ thông và hơn 732 tỷ đồng vốn cổ phần ưu đãi cổ tức), và sẽ thực hiện một số đợt tăng vốn điều lệ với mục tiêu tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng vào năm 2018 và theo đó, mức vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên trên 27.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của VPBank sẽ được chia thành các đợt bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước và chia thặng dư vốn.
Trong đó, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2017 bằng cổ phiếu và tăng vốn từ nguồn vốn dự trữ bổ sung vốn điệu lệ với tỷ lệ trên 31% cho cổ phiếu phổ thông. Năm 2018, VPBank cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP), đây cũng là một chính sách phổ biến trên thế giới với các mục tiêu giữ chân nhân tài và gắn kết hiệu quả làm việc của người lao động với kết quả của toàn doanh nghiệp.
Theo đó, tổng mệnh giá cổ phần dự kiến phát hành là gần 337 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,14% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng năm 2017. Thời gian dự kiến cũng trong quý II tới.
Ngoài ra, VPBank dự kiến sẽ mua lại số cổ phần ưu đãi cổ tức hiện nay thành cổ phiếu Quỹ và sử dụng cổ phiếu Quỹ để chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tổng số lượng cổ phiếu ứu đãi cổ tức đăng ký mua lại làm cổ phiếu quỹ là hơn 73 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn sử dụng được lấy từ Thặng dư vốn cổ phần (1.287 tỷ đồng) và Quỹ Đầu tư phát triển (1.201 tỷ đồng). Thời gian dự kiến giao dịch là vào quý 3/2018.
Để tăng vốn điều lệ, VPBank sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.
Đợt phát hành cuối cùng để tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện vào quý IV/2018 thông qua việc chia cổ phiếu thưởng từ nguồn Thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của năm 2017. Tổng nguồn Thặng dư vốn dùng để chia cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là trên 4.577 tỷ đồng. Dự kiến Vốn điều lệ sau đợt phát hành sau các đợt tăng vốn đạt 27.799 tỷ đồng.
Với nguồn vốn được tăng thêm từ các đợt tăng vốn điều lệ vào khoảng 12.000 tỷ đồng, VPBank dự kiến sẽ dùng 8.500 tỷ đồng cho một số nhu cầu như tăng trưởng nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng và để tăng cường các năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn hoạt động.
Như vậy, trong năm 2018, ngoài khoản chia cổ tức và cổ phiếu thưởng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 4.679 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 30% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay); các cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông còn được chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn là 4.577 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 32% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay).
Cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông còn có cơ hội nhận cổ phiếu thưởng từ nguồn cổ phiếu quỹ sau khi VPBank thực hiện mua các cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ (tương đương tỷ lệ chia 4.9% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay). Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng từ các nguồn trên so với tổng nguồn cổ phần phổ thông hiện nay tương đương 67%.
Bình luận