Thomas Conroy, phát ngôn viên của Đại học Yale cho biết, trường đã cho thôi học một học sinh sau khi phụ huynh của em này thừa nhận đã bỏ ra 1,2 triêu USD (gần 28 tỷ đồng) để "chạy" cho con mình vào trường.
Các công tố viên liên bang cho biết Đại học Yale cũng như nhiều đại học khác chỉ là nạn nhân trong các vụ lừa đảo.
Theo thông báo đăng tải trên trang web, Đại học Yale khẳng định họ không hề hay biết về đường dây chạy gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ cho tới khi Văn phòng Tổng chưởng lý Mỹ tại Boston yêu cầu cung cấp thông tin về cựu huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nữ của trường Rudy Meredith.
Meredith được cho là đã nhận 400.000 USD tiền hối lộ từ các phụ huynh để tô vẽ thành tích thể thao cho 2 học sinh nhằm giúp chúng được vào trường. Tuy nhiên, chỉ một học sinh được chấp nhận và đây cũng là trường hợp bị đuổi học đầu tiên liên quan tới bê bối chạy điểm chấn động nước Mỹ suốt 1 tháng qua.
Meredith là 1 trong số 50 cá nhân có liên quan tới đường dây chạy vào các trường đại học danh tiếng do William Rick Singer cầm đầu. Trong đó, các giám đốc điều hành, các ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, nhà thiết kế thời trang, luật sư cao cấp và giáo sư đại học bị cáo buộc đã hối lộ tổng số tiền lên tới 25 triệu USD để đưa con cái mình vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.
Meredith sẽ phải ra tòa vào ngày 28/3 tới.
Tuần trước, Đại học Nam California cho biết đã xác nhận được 6 trường hợp "đi cửa sau" để được vào trường. Đại học này khẳng định sẽ không cho phép các học sinh trên nhập học.
Hàng loạt các sinh viên Mỹ mới đây cũng đệ đơn kiện lên 8 trường đại học của Mỹ có liên quan tới bê bối tuyến sinh này. Đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại 5 triệu USD, đồng thời cáo buộc các trường đã bất cẩn trong quy trình xét tuyển đầu vào.
Bình luận