Tại buổi thông tin về việc hợp tác thoả thuận chiến lược với 2 trường ĐH hàng đầu của Mỹ là ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania – hai trường thuộc Top 20 ĐH tốt nhất thế giới với VinUni, các chuyên gia đã bày tỏ nhiều quan điểm giáo dục hướng tới chuẩn quốc tế.
Lãnh đạo của VinUni cũng có tham vọng sẽ đưa trường đại học này lọt top những trường hàng đầu thế giới trong thời gian không xa.
Để thực hiện được điều này, PGS.TS Lê Cự Linh – Giám đốc Khối Giáo dục Sức khỏe, Dự án Đại học VinUni cho rằng: "Con đường đến đẳng cấp quốc tế cần 3 yếu tố tiên quyết. Thứ nhất là nguồn lực Tài chính dồi dào; thứ hai là có những Nhân tài, cả giảng viên và đội ngũ sinh viên; và thứ ba là Hệ thống quản trị vận hành tiên tiến".
PGS Lê Cự Linh khẳng định cố gắng để đưa ra những chuẩn mực cao nhất.
"Chúng tôi quyết tâm đầu tư, quyết tâm có những giảng viên, giáo sư giỏi. Chúng tôi học hỏi mô hình quản trị cũng như là hệ thống kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng chương trình của hai người khổng lồ trên thế giới. Đó là câu trả lời ngắn gọn cho việc chúng tôi đã chuẩn bị như thế nào", PGS.TS Linh cho biết.
Trong khi đó, GS. Rohit Verma – Hiệu trưởng phụ trách Đối ngoại, Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson, Đại học Cornell – khẳng định hoàn toàn tin tưởng và chắc chắn việc kết hợp giữa 3 trường có cơ hội giúp biến VinUni trở thành đại học đẳng cấp thế giới.
"Chúng ta đang xây dựng một trường đại học có nền tảng giáo dục trên một khung chương trình hoàn toàn mới, tiên tiến và chúng ta lại tạo ra những khoa hoàn toàn mới, các tiêu chuẩn hoàn toàn mới, cơ chế kiểm soát hoàn toàn mới", GS. Rohit Verma nói.
Ông Rohit Verma cho rằng việc này có thể mất vài năm hay cả thập kỷ, có thể dài hơn nhưng hoàn toàn tin tưởng có thể đưa đại học VinUni trở thành một trong những trường đại học hàng đầu.
"Đây là một lộ trình không hề dễ dàng nhưng chúng ta đã có điểm khởi đầu, chúng ta đã có một nền tảng lịch sử về giáo dục rồi có chương trình đào tạo học bổng, có hệ đào tạo gồm các cựu sinh viên", GS Rohit Verma cho biết thêm.
Lý giải về việc hợp tác này, GS Rohit Verma cho biết vì Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm vừa qua, kết hợp với dân số trẻ.
"Chúng tôi thấy cơ hội này rất tuyệt vời cho phép chúng tôi tham gia vào việc tạo dựng một trường đại học có tầm cỡ thế giới, đồng thời tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo cũng như kiến tạo trong giáo dục Đại học của Việt Nam", vị chuyên gia này chia sẻ.
Để khẳng định quyết tâm đưa VinUni vào top hàng đầu thế giới, GS Rohit Verma nhấn mạnh không phải chỉ một mình Đại học VinUni làm điều này mà 2 trường đại học hàng đầu thế giới cùng giúp sức.
"Nếu ba bên hợp tác với nhau thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được điều đó. nó có thể mất vài năm hay cả thập kỷ, có thể dài hơn nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ đạt được việc này. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng có thể đưa đại học VinUni trở thành một trong những trường đại học hàng đầu đương nhiên là phải đạt được các chỉ số đo đường như top 10, top 50 và tôi tin là chúng ta sẽ có tên đại học VinUni ở trong các danh sách này trong tương lai", GS Rohit Verma nói.
Trong khi đó, GS. Larry Jameson – Phó Chủ tịch Đại học Pennsylvania kiêm Hiệu trưởng Trường Y khoa Perelman cũng bày tỏ sự vui mừng khi được tham gia vào một dự án tốc độ phát triển nhanh liên tục.
Liên quan tới mục tiêu đầy tham vọng của VinUni, TS Trần Phương Lan – Giám đốc Khối Giáo dục Kinh doanh Công nghệ, Dự án Đại học VinUni – thừa nhận trở thành một trường đại học đẳng cấp thế giới là điều vô cùng khó và đó cũng là mục tiêu phấn đấu của rất nhiều chính phủ chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.
"Chúng tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều con đường của các trường đại học trẻ, được thành lập dưới 50 năm làm sao để họ có thể đạt được đẳng cấp thế giới trong thời gian ngắn nhất", bà Lan nói.
Giám đốc Khối Giáo dục Kinh doanh Công nghệ, Dự án Đại học VinUni cho rằng chỉ có thể nhắm tới những tiêu chuẩn kiểm định cao nhất của thế giới trong từng chương trình cũng như cho trường Đại học.
"Ví dụ như QS 5 sao cho trường đại học cũng như tiêu chuẩn cao cho các chương trình kinh doanh, quản lý, bất động sản, bác sĩ, điều dưỡng thì chúng tôi mới có thể đạt được đẳng cấp thế giới", bà Lan nói.
"Để làm được việc này thì chúng tôi cần có những đối tác ở đẳng cấp cao nhất, là những đối tác đã trải qua những con đường đó và đã thành công, hoặc ở họ có những kinh nghiệm quý báu để họ đồng hành với VinUni thì chúng tôi mới có thể đi đúng con đường ngay từ đầu và có thể đạt được mục tiêu đề ra", bà Lan nói.
VinUni sẽ hợp tác toàn diện với ĐH Cornell để định hình chiến lược, định vị thương hiệu và xây dựng hệ thống quản trị đại học tổng thể. Với thế mạnh trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và công nghệ kỹ thuật, ĐH Cornell sẽ hỗ trợ VinUni thẩm định cơ sở vật chất, tuyển dụng nhân sự, thiết kế chương trình giáo dục, hợp tác nghiên cứu đồng thời kiểm định và thẩm định chất lượng các khóa cử nhân đầu tiên của khối Giáo dục Kinh doanh – Công nghệ.
Còn với hệ thống bệnh viện thực hành hàng đầu nước Mỹ, ĐH Pennsylvania sẽ hỗ trợ VinUni tuyển dụng và phát triển năng lực giảng viên, tuyển sinh, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên khối Khoa học sức khỏe. Trường này sẽ trực tiếp cùng VinUni và hệ thống y tế Vinmec xây dựng chương trình hệ bác sỹ, bác sỹ nội trú và cử nhân điều dưỡng để đạt kiểm định và năng lực hành nghề, hướng tới các chuẩn mực quốc tế cao nhất.
VinUni đặt mục tiêu sẽ có mặt trên Bản đồ giáo dục đại học toàn cầu, được xếp hạng và xếp loại bởi các tổ chức đánh giá chất lượng đại học uy tín thế giới như Quacquarelli Symonds, Times Higher Education…
Times Higher Education là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục bậc cao, có trụ sở ở London (Anh), nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới hàng năm từ năm 2004.
Theo bảng xếp hạng mới công bố đầu năm 2018 của tạp chí này, thứ bậc trường ĐH Top đầu Châu Á tiếp tục thuộc về Đại học Quốc gia Singapore, và Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào nằm trong Top 350 của danh sách này.
VinUni phát triển các chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong 3 lĩnh vực trọng điểm: Kinh doanh, Công nghệ và Khoa học sức khỏe. VinUni dự kiến đặt tại Gia Lâm – Hà Nội, khởi công ngay năm 2018, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020 bằng bài luận và phỏng vấn.
Bình luận