• Zalo

Đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam: Muốn thi phải đặt đủ 8 câu hỏi

Giáo dụcThứ Tư, 03/02/2016 07:18:00 +07:00Google News

Ở FUNiX - đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, sinh viên muốn thi các môn học phải đặt ít nhất 8 câu hỏi.

(VTC News) – Ở FUNiX - đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, sinh viên muốn thi các môn học phải đặt ít nhất 8 câu hỏi.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, cha đẻ của FUNiX cho rằng thực tế hiện nay việc đào tạo ở trường đại học và nhu cầu của doanh nghiệp đang ở hai hướng khác nhau. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển.
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT Nguyễn Thành Nam, người sáng lập đại học trực tuyến FUNiX.
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT Nguyễn Thành Nam, người sáng lập đại học trực tuyến FUNiX. 

Trong khi đó, việc học là cả đời và đại học chỉ là một cột mốc trong quãng thời gian học tập suốt đời. Vì vậy, yêu cầu của việc học đại học là phải làm được công việc sau khi tốt nghiệp.

“Thực tế, đại học truyền thống chỉ phù hợp với 5% sinh viên”, ông Nam nhận định.

Vì vậy, trước đây nhiều người thường có quan niệm phải có nhiều tiền mới có chất lượng tốt nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, không có quá nhiều tiền nhưng sinh viên vẫn có thể có thể học kiến thức ở những ngôi trường hàng đầu thế giới.

Ông Nam cho biết đại học FUNiX chủ yếu sử dụng học liệu mở, có sẵn trên mạng của những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới. Đội ngũ thiết kế chương trình của trường sẽ lựa chọn bài giảng phù hợp nhất của những chuyên gia và trường học tốt nhất trong lĩnh vực đó, bản địa hóa nội dung và bài tập thực hành.

“Cha đẻ của FUNiX” cũng bật mí chỉ có 30% trong tổng số sinh viên đang học có đủ tiêu chuẩn để thi. Để được tham gia thi hết các học phần, sinh viên phải đảm bảo hỏi đủ số câu hỏi theo quy định. Mỗi sinh viên phải hỏi ít nhất 8 câu hỏi trong một môn thi. Các câu hỏi này phải đảm bảo có nội dung, không phải là câu hỏi vu vơ.

Ngoài ra, trước khi gửi câu hỏi cho người hướng dẫn, sinh viên phải tự tìm câu trả lời nhờ sự trợ giúp của Google. Trong trường hợp sinh viên không thể tìm ra lời giải, câu hỏi sẽ được chuyển đến người hướng dẫn nhờ giải đáp.

Trong đó, một câu hỏi, sinh viên có thể đặt với nhiều người hướng dẫn khác nhau đến khi  ứng ý mới thôi.

“Chúng tôi quan niệm hỏi nhiều sẽ học tốt. Và thực tế chứng minh những sinh viên hỏi nhiều câu hỏi thì thường có điểm cao trong các bài thi.

Thậm chí, nhiều sinh viên vừa đặt xong câu hỏi cho người hướng dẫn đã tự tìm ra câu trả lời cho chính mình”, ông Nam chia sẻ.
Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nam gắn huy hiệu FUNiX cho những sinh viên đầu tiên.
Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nam gắn huy hiệu FUNiX cho những sinh viên đầu tiên. 

Hiện tại, 75 sinh viên đã tham gia trở thành sinh viên khóa 1 của ĐH FUNiX. Sắp tới, 25 sinh viên tiếp theo sẽ tham gia vào các khóa học.

Hiện tại, các sinh viên học tại trường có đủ các độ tuổi khác nhau. Người lớn tuổi nhất là 63 tuổi, người nhỏ tuổi nhất  mới chỉ 16 tuổi. Thậm chí, nhiều người đã có nhiều bằng đại học ở những lĩnh vực khác nhau cũng đăng ký học.

"Chúng tôi tập trung một chuyên môn là ngành Công nghệ Phần mềm. Vai trò của thầy giáo sẽ chuyển thành Mentor: từ truyền đạt tri thức, sang thành người đồng hành, chỉ đường và giúp sinh viên giải quyết các vấn đề khó khăn khi phát sinh”, ông Nam thông tin.

Trong quá trình làm bài tập và tự học, sinh viên sẽ được hệ thống Mentor - Người hỗ trợ 24/24h thông qua các kết nối online như mạng xã hội facebook.

Giảng viên sẽ đồng hành với sinh viên, giải thích những thắc mắc, ra bài tập thực hành. Hàng tháng sinh viên được yêu cầu dự off-line, gặp gỡ và được những người hướng dẫn đánh giá, được học các kỹ năng mềm và cập nhật kiến thức cuộc sống.

Vì vậy, sinh viên sẽ được tiếp xúc sớm với chuyên gia công nghiệp từ ngày đầu tiên và duy trì mối quan hệ đó đến khi ra trường. Ở đây, những người hướng dẫn sinh viên cũng chính là những nhà tuyển dụng của các em trong tương lai.

“Giá trị lớn nhất mà chúng tôi mang lại đó là cơ hội cho sinh viên tiếp cận nhà tuyển dụng chính là những người hướng dẫn cho sinh viên”, ông Nam chia sẻ.

Thí sinh muốn theo học chỉ cần đăng ký, sau đó tham gia xét tuyển đầu vào bằng phỏng vấn trực tiếp.

"Nếu sinh viên muốn lấy bằng đại học, phải có bằng phổ thông Trung học, còn nếu muốn học để đi làm thì thậm chí không cần bằng phổ thông. Tiếng Anh không phải là điều kiện đầu vào của FUNiX, nhưng quá trình học các bạn sẽ tự trau dồi và trang bị vốn ngoại ngữ cần cho chính công việc mà bạn theo đuổi", ông Nam lưu ý.


Đây là trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam triển khai theo phương pháp đào tạo hoàn toàn mới, cung cấp bằng Cử nhân Công nghệ thông tin, các chứng chỉ nghề nghiệp và kỹ năng mềm.

Toàn bộ chương trình sẽ được chia thành 8 học kỳ, sau mỗi học kỳ sinh viên sẽ được cấp một chứng chỉ có giá trị riêng biệt và có cơ hội tìm kiếm việc làm tương ứng.

Mỗi chứng chỉ sẽ gồm 4 môn học. Mỗi môn sẽ có thời gian học là 4 tuần và 6 tuần để thi. Trong 8 chứng chỉ đó, có 3 chứng chỉ độc lập, 3 chứng chỉ cốt lõi và 2 chứng chỉ chuyên ngành.

Chứng chỉ 1 là Digital Citizenship - Hộ chiếu vào thế giới số. Nếu được cấp chứng chỉ này, sinh viên sử dụng máy tính và các công cụ thành thạo, có thể dựng cho mình website và lập trình đơn giản, biết cách sử dụng các công cụ liên lạc và tìm kiếm trong công việc, có thể làm nghề Hỗ trợ tin học hoặc kinh doanh trên mạng.

Chứng chỉ 2 là Mobile App developer. Sau chứng chỉ này, sinh viên có khả năng lập các ứng dụng trên mobile và games, tham gia được các công ty mobile apps.

Chứng chỉ 3 là Enterprsie App Developer. Sinh viên sẽ được học và thực hành các kỹ năng xây dựng phần mềm lớn, phục vụ doanh nghiệp, có thể tham gia các dự án phần mềm.

Chứng chỉ 4 là Working in Group. Đây là chứng chỉ độc lập, sinh viên sẽ được học đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng mềm trong công việc.

Chứng chỉ 5 là Fundamental Software Engineering - Kỹ sư phần mềm cơ bản. Đạt chứng chỉ này, sinh viên sẽ nắm được quy trình sản xuất một phần mềm lớn chuyên nghiệp, có thể đi thực tập hoặc tham gia vào vị trí bắt đầu tại các công ty phần mềm chuyên nghiệp.

Chứng chỉ 6 là Doing bussiness FPT way. Sinh viên sẽ được học kế toán, luật, khởi nghiệp và chia sẻ các kinh nghiệm thành công của FPT. Đây là chứng chỉ độc lập.

Chứng chỉ 7 là IT Specialization - Chuyên ngành. Sinh viên có thể chọn các chuyên ngành để đi sâu như: Hệ thống thông tin, Phần mềm nhúng, Robotic, Trí tuệ nhân tạo… Có chứng chỉ này, các em có thể tham gia các dự án chuyên sâu.

Và để có chứng chỉ 8, sinh viên sẽ phải học các môn bắt buộc để trở thành một kỹ sư, làm đồ án tốt nghiệp và trở thành một kỹ sư hoàn chỉnh.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn