Mục tiêu, phương châm của việc triển khai thực Nghị quyết Trung ương 4 là để “trị bệnh cứu người” nhưng ở Trường Đại học Ngoại thương gần đây lại xảy ra chuyện phản giáo dục không thể chấp nhận khi kẻ xấu đã sử dụng cả biên bản sinh hoạt góp ý cho Thường vụ Đảng ủy phát tán kèm đơn thư nặc danh, để “ném đá”, nói xấu lãnh đạo nhà trường, lộ rõ ý đồ kích đấu đá nội bộ. Lần theo dấu vết của những lá đơn “đen”, phóng viên báo Dân trí nhận thấy, có dấu hiệu cho thấy những “con sâu” đấu đá, hiện tượng kèn cựa địa vị đã và đang làm hoen ố môi trường sư phạm lành mạnh của một nhà trường có uy tín…
Trường Đại học Ngoại thương hiện được coi là một cơ sở đào tạo có uy tín, một mô hình tốt về xã hội hóa giáo dục đào tạo và xây dựng, quản lý cơ sở vật chất
Đắng lòng chuyện thầy cô đi…rải đơn nặc danh vì…chiếc ghế
Từ chỗ là một cơ sở giáo dục đào tạo uy tín, vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cách đây chưa lâu, thời gian gần đây, ở Trường Đại học Ngoại thương bỗng dưng xuất hiện chuyện “bất thường” khi có những “cơn mưa” đơn thư nặc danh gửi khắp nhà trường và gửi lên cả Bộ Giáo dục và Đào tạo. Email của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên cũng bị “bom thư” gửi đến với nhiều nội dung kích động, nói xấu một số lãnh đạo, giảng viên của nhà trường.
Theo nội dung đơn thư thì có nhiều vấn đề khá nghiêm trọng như: Lãnh đạo thiếu dân chủ, không có sự công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, nhiều khoản thu, chi để ngoài sổ sách... với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, đơn thư còn phản ánh Phó hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang có sai phạm trong quản lý tài chính… Những đơn thư trên đã làm “nóng” dư luận, khiến đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên giảm niềm tin vào lãnh đạo nhà trường.
Thật bất ngờ, nguyên nhân của những đợt sóng “khủng bố” ấy, theo nhiều cán bộ, giảng viên cho biết lại chỉ xuất phát từ “lợi ích nhóm” của một nhóm người và bắt đầu từ vấn đề quy hoạch nhân sự.
Tháng 8/2012, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ viên chức trong nhà trường về quy hoạch các chức danh lãnh đạo nhà trường. Tại Hội nghị Cán bộ chủ chốt mở rộng, kết quả giới thiệu chức danh Hiệu trưởng, TS Đào Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng được 77 % phiếu tín nhiệm. Tất cả các ứng viên khác, trong đó có 3 Phó hiệu trưởng chỉ đạt được mức tín nhiệm từ 22-40%. Chính vì là ứng cử viên số một cho vị trí Hiệu trưởng nên TS Giang bị trở thành tâm điểm của những đơn thư nặc danh, bôi đen.
Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều đơn thư nặc danh, tiếp tục nói xấu TS Đào Thị Thu Giang và thậm chí là GS,TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Nhà trường, với nhiều luận điểm vu khống bịa đặt liên quan đến tài chính, quản lý cơ sở vật chất… đã phát tán rộng khắp. Không dừng ở đó, kẻ xấu còn scan chữ ký một số lãnh đạo khoa và phòng ban đưa vào đứng tên trong đơn thư mạo danh.
Nội dung tố cáo nặc danh đã được xác minh, công khai rộng rãi
Trao đổi với phóng viên, GS, TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, vì sự phát triển của nhà trường, tôi xin khẳng định rằng cá nhân tôi và lãnh đạo nhà trường thời gian qua luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, trường Đại học Ngoại thương liên tiếp được nhận Cờ thi đua xuất sắc, được phong tặng Đơn vị Anh hùng năm 2010, được thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012”.
Xung quanh thông tin về những sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo nhà trường theo đơn thư phản ánh, GS, TS Hoàng Văn Châu cho biết, đó đều là những thông tin không chuẩn xác, có tính chất một chiều. Nhà trường không có bất kỳ khoản thu nào để ngoài sổ sách và đã thực hiện “3 công khai” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2009.
Việc mở các lớp ngắn hạn của tất cả các đơn vị trong trường, đều đã được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Việc thu lại một phần tiền từ các giáo viên đi đào tạo ngắn hạn của Chương trình tiên tiến tại Mỹ và từ các giáo viên tham gia dự án MUTRAP do EU tài trợ là phù hợp với các quy định của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo nguyên tắc tài chính và được thực hiện hiện một cách công khai.
Việc đi nước ngoài của Hiệu trưởng để tham gia hội thảo, ký kết hợp tác hầu hết được tài trợ bởi các đối tác nước ngoài nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, xây dựng hoặc mở rộng chương trình đào tạo liên kết có chất lượng, tăng cường nguồn thu cho nhà trường nhằm góp phần khắc phục những khó khăn do tự chủ tài chính, hoặc đi khảo sát theo đề tài nghiên cứu đều có quyết định cho phép, hoặc đi theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chuyện lãng phí trong việc sửa chữa và cải tạo cơ sở vật chất là không chính xác, ngược lại Nhà trường từng được lãnh đạo Cục Cơ sở Vật chất của Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương là mô hình tiêu biểu về tự chủ tài chính và xây dựng cơ sở vật chất.
Nguyên tắc tập trung dân chủ tại trường Đại học Ngoại thương được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng đắn. Các quy chế, quy định trong nhà trường đặc biệt là những quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động, đào tạo, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên trong trường đều có sự tham gia đóng ý kiến từ khâu soạn thảo đến khi ban hành. Các vấn đề khác của Nhà trường cũng luôn được trao đổi cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng.
Với tinh thần như vậy, khi có những thông tin liên quan đến TS Đào Thị Thu Giang trong quản lý tài chính, Đảng ủy Nhà trường đã kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Khối các trường đại học và cao đẳng – Thành ủy Hà Nội để xử lý.
Ngày 22/11/2012, Đảng ủy nhà trường đã họp, quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc cho Đảng ủy để thẩm tra, xác minh về các khoản thu chi tài chính liên quan đến đồng chí Giang. Ngày 14/12/2012, Tổ công tác đã có báo cáo do Tổ trưởng Tăng Văn Nghĩa ký xác minh cả 4 nội dung như: Khoản tiền 500 triệu đồng do giảng viên nộp lại, chênh lệch số tiền chi phí đào tạo giảng viên ở nước ngoài; số tiền 1,5 tỷ đồng của dự án Mutrap III; các khoản khác liên quan dự án Mutrap III.
Kết luận của Tổ công tác cho thấy, trong cả 4 nội dung, Lãnh đạo Nhà trường, các đơn vị chức năng trong trường, các cán bộ giảng viên và cá nhân TS Đào Thị Thu Giang đều làm đúng các quy định của pháp luật và của nhà trường. Bản báo cáo này cũng đã được gửi công khai đến các chi bộ.
Trong tháng 12/2012, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thí điểm giảng viên đánh giá hiệu trưởng và kết quả GS, TS Hoàng Văn Châu đã được toàn bộ giảng viên nhà trường đánh giá rất cao với tổng số điểm trên tất các mặt là 197/210 (điểm trung bình là 9,38), đạt loại xuất sắc. Điều đó thể hiện sự tín nhiệm cao của toàn bộ giảng viên nhà trường đối với hiệu trưởng.
Thiết nghĩ, những lùm xùm về đơn thư nặc danh tại trường Đại học Ngoại thương cần sớm được Đảng ủy, Ban Giám hiệu xử lý, giúp nhà trường ổn định, đừng để chuyện “nhân sự làm rầu… môi trường sư phạm”!
Vậy những người “ném đá giấu tay”, trực tiếp mang đơn thư nặc danh đi “rải truyền đơn” là ai, vì động cơ gì. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới đây…
Vũ Văn Tiến/ Dân trí
Đại học Ngoại thương: Chuyện “con sâu” đấu đá
Thời gian gần đây, ở Trường Đại học Ngoại thương bỗng dưng xuất hiện nhiều chuyện “bất thường”.
Từ chỗ là một cơ sở giáo dục đào tạo uy tín, vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cách đây chưa lâu, thời gian gần đây, ở Trường Đại học Ngoại thương bỗng dưng xuất hiện nhiều chuyện “bất thường”...
Bình luận