Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện bảng xếp hạng các đại học do nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia Sáng công bố. Theo đó, trường Đại học Ngoại thương đứng ở vị trí 23 (thứ hạng trung bình trong tổng số 49 trường đại học) trong bảng xếp hạng.
Trước sự việc, PGS Lê Thị Thu Thủy (Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hà Nội) đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này.
- Bà đánh giá như thế nào về bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam vừa công bố?
Theo tôi, thế giới có xếp hạng chung và xếp hạng theo nhóm trường do mỗi nhóm có đặc thù riêng. Vì vậy, để bảng xếp hạng thuyết phục, dữ liệu và tiêu chí đánh giá phải chuẩn, phù hợp, đặc biệt có sự tham gia của trường đó.
Thứ hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia. Như vậy, có thể nói, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo.
- Theo bảng xếp hạng, Đại học Ngoại thương không đứng ở tốp đầu, theo bà, nguyên nhân do đâu?
Đại học Ngoại thương cũng nhận thức được một số hạn chế của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công bố quốc tế.
Thứ hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo.
PGS Lê Thị Thu Thủy
Vì thế, trong năm học vừa qua, nhà trường đã ban hành quy định về nhóm nghiên cứu tại ĐH Ngoại thương nhằm tạo ra một cơ chế linh hoạt, giải phóng tiềm năng khoa học công nghệ của giảng viên nhà trường.
Trên cơ sở đó, 24 nhóm nghiên cứu của trường đã cam kết sẽ công bố 35 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục ISI trong giai đoạn 2017-2019.
Để khắc phục những hạn chế, nhà trường sẽ thường xuyên tự đánh giá, cải tiến chất lượng trong các hoạt động.
Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổng thể cải tiến chất lượng, chủ động duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cao tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ.
Video: Xếp thứ hạng trung bình, Đại học Ngoại thương nói gì?
- Đại học Ngoại thương đứng thứ 23 (đây có thể được xem là thứ hạng trung bình trong bảng xếp hạng), vậy bà có phản hồi gì về sự sắp xếp thứ hạng của trường?
Tôi cũng đồng quan điểm với ý kiến của nhóm chuyên gia độc lập đã nêu, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các tiêu chí đánh giá của nhóm cũng chưa thực sự phổ quát để có thể đánh giá chất lượng tổng thể của một trường đại học, vì vậy, cần có sự nghiên cứu để hoàn thiện hơn.
Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Vị trí xếp hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt.
Với Đại học Ngoại thương, chúng tôi cũng coi vị trí được xếp hạng theo các tiêu chí và cách tiếp cận đánh giá của nhóm nghiên cứu này là một thông tin để xem xét điểm mạnh, điểm yếu của mình dưới các góc nhìn khác nhau.
- Thưa bà, việc xếp hạng các trường đại học có thể có sự thay đổi không và phụ thuộc vào những yếu tố nào để đánh giá đúng thực tế khách quan chất lượng đào tạo?
Xếp hạng các trường đại học phụ thuộc vào các tiêu chí đánh giá, tỷ trọng các tiêu chí và dữ liệu thu thập được. Các tổ chức xếp hạng khác nhau có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp hạng khác nhau.
Đặc biệt, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục chính là công tác kiểm định.
Hoạt động này giúp các trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống. Từ đó, điều chỉnh các hoạt động, định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động để đảm bảo chất lượng toàn diện.
- Để thực hiện được điều đó thì ngành Giáo dục cũng như các cơ quan kiểm định chất lượng cần phải làm gì, thưa bà?
Theo tôi, trước khi hướng tới xếp hạng trường ĐH, các trường nên triển khai công tác kiểm định. Để đánh giá đúng chất lượng các trường đại học và đưa ra được một bảng xếp hạng có tính thuyết phục cao, nên có một tổ chức độc lập tiến hành trên cơ sở xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam.
Bình luận