Tại buổi lễ, Trường ĐH Mở Hà Nội đã công bố 19 thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng đó công bố các quyết định công nhận Chủ tịch hội đồng trường đối với PGS.TS Nguyễn Mai Hương; công nhận Hiệu trưởng đối với PGS.TS Nguyễn Thị Nhung.
Bà Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường cho hay, đây là vinh dự to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của mỗi thành viên Hội đồng trường và cá nhân bà trước yêu cầu, nhiệm vụ quản trị nhà trường trong điều kiện tự chủ đại học.
“Đây cũng là một nhiệm kỳ rất đặc biệt khi lần đầu tiên, trọng trách và vinh dự lớn lao này được trao cho hai nữ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý được bồi dưỡng, trưởng thành từ cơ sở”, bà Hương nói.
Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Trường ĐH Mở tập trung một số vấn đề trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện cấu trúc nhà trường với nguyên tắc phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; Phát triển đội ngũ và có chính sách thu hút các nhà khoa học, các giảng viên giỏi; Đổi mới công nghệ giáo dục, phương pháp dạy học hiện đại trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo trực tuyến, đáp ứng xu thế chuyển đổi số trên các lĩnh vực; Đầu tư xây dựng Cơ sở 2 của nhà trường tại huyện Văn Giang, Hưng Yên; Tiến hành các nhiệm vụ nhằm cụ thể hoá chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 -2025.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, tân hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cũng đã gửi lời cảm ơn tới tập thể sư phạm nhà trường đã tin tưởng giao nhiệm vụ.
“Tôi ý thức rất rõ kỳ vọng và sự tin tưởng của tập thể lãnh đạo và tập thể sư phạm nhà trường khi giao cho trọng trách này. Sẽ phải rất nhanh chóng ổn định tổ chức và bộ máy, hoạch định những giải pháp phù hợp, thiết thực trên cơ sở chiến lược phát triển đã được định hướng và xuyên suốt của trường đó là “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, bà Nhung nói và cho hay sẽ cùng tập thể sư phạm, giảng viên, sinh viên nhà trường kế thừa những thành quả và tiếp tục khẳng định thương hiệu nhà trường với mô hình giáo dục mở, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Trường ĐH Mở Hà Nội, tiền thân là Viện ĐH Mở Hà Nội được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng 1 (một đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT), với chức năng và nhiệm vụ nhằm xây dựng xã hội học tập, hỗ trợ người dân học tập suốt đời bằng cách nghiên cứu lý luận, thử nghiệm và phát triển hệ thống giáo dục mở; thực hiện thử nghiệm tự chủ giáo dục, đưa nhanh ứng dụng công nghệ vào giáo dục ĐH phục vụ người dân học mọi lúc, mọi nơi với mọi trình độ.
Năm 2018, Viện ĐH Mở Hà Nội được đổi tên thành Trường ĐH Mở Hà Nội.
Sau hơn 1/4 thế kỷ, Trường ĐH Mở Hà Nội đã đào tạo và cung cấp cho xã hội gần 200.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư và thạc sĩ... Hầu hết sinh viên tốt nghiệp được xã hội đón nhận, có việc làm ổn định.
Đào tạo chính quy của trường ngày càng khẳng định được chất lượng, thu hút ngày càng nhiều sinh viên theo học.
Hiện, Trường ĐH Mở Hà Nội đào tạo đại học chính quy với 18 ngành. Quản trị kinh doanh; Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Kế toán; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Công nghệ Thông tin; Công nghệ Sinh học; Công nghệ Thực phẩm; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Truyền thông; Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kiến trúc; Thiết kế Công nghiệp; Tài chính-Ngân hàng; Luật Kinh tế; Luật Quốc tế; Luật học; Thương mại Điện tử và Quản trị Khách sạn.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền các cấp.
Theo điều tra khảo sát, số sinh viên tốt nghiệp các năm 2018, 2019, 2020 có việc làm trong vòng 1 năm đầu tiên sau khi ra trường chiếm tỷ lệ trung bình trên 90%.
Tại Trường ĐH Mở Hà Nội, sinh viên có cơ hội theo học ở các trình độ thạc sĩ với 8 chuyên ngành khác nhau.
Bình luận