Bản đồ có "đường lưỡi bò" nằm trong trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật.
Sau sự việc nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, một cuốn sách nhập từ nước ngoài về, trải qua hai lần kiểm định của Hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường, nhưng vẫn để sai sót nghiêm trọng như vậy.
Vai trò của Hội đồng khoa học ở đâu?
Ghi nhận việc Ban giám hiệu Đại học Kinh Doanh và Công nghệ nhanh chóng thu hồi khi phát hiện giáo trình có "đường lưỡi bò", nhưng theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), việc để lọt giáo trình đó trong suốt quá trình giảng dạy là vi phạm nghiêm trọng và trực tiếp Ban giám hiệu, khoa, giảng viên phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT và sinh viên.
"Quy định đối với chương trình học bậc phổ thông, các SGK sẽ được Bộ GD&ĐT thẩm định nội dung, giám sát và xuất bản; còn với bậc đại học, cao đẳng thì Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học nhà trường được tự thẩm định, lựa chọn giáo trình đưa vào sử dụng chung cho toàn trường", tiến sĩ Khuyến phân tích.
Theo chuyên gia này, việc để "đường lưỡi bò" vào giáo trình cho thấy sự tắc trách trong công việc của nhà trường. Không thể bao biện là sơ ý để lọt do những đường chấm quá nhỏ và giáo viên đứng lớp không nắm rõ được tình hình lịch sử trong khi tham gia soạn bài giảng. Đáng buồn là sự việc được phát hiện ra bởi sinh viên không phải người có chuyên môn, kiến thức.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ, đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện “nhầm” nên để lọt hình vẽ "đường lưỡi bò" ; điều này vi phạm vào chính trị, sai lệch lịch sử.
GS Dong đặt câu hỏi: "Tại sao cuốn sách nhập từ nước ngoài về, qua hai lần kiểm định của Hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường lại để lọt một bức ảnh sai thậm tệ như vậy? Nên xem lại vai trò của hội đồng khoa học, làm việc cho sinh viên, đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu thay vì chạy theo một thứ lợi nhuận nào đó".
"Đây chính là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm và chủ quan trong công tác quản lý; trường nên nhận lỗi và xin lỗi đến sinh viên thay vì quanh co đổ lỗi các các bộ phận kiểm duyệt sách của Nhà nước", GS Dong nói.
"Tại sao cuốn sách nhập từ nước ngoài về, qua hai lần kiểm định của Hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường lại để lọt một bức ảnh sai thậm tệ như vậy? Nên xem lại vai trò của hội đồng khoa học, làm việc cho sinh viên, đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu thay vì chạy theo một thứ lợi nhuận nào đó".
PGS.TS Nguyễn Tất Dong
Đó là chưa kể tới, một đại học tồn tại bao nhiêu năm nay nhưng không tự biên soạn lấy nổi một cuốn giáo trình tiếng Trung cơ bản cấp độ 1 để giảng dạy thì cần đặt lại câu hỏi về năng lực của các giảng viên.
TS Lê Thu Hoài, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc nhà trường để lọt hình ảnh ”đường lưỡi bò” tới tay sinh viên là nghiêm trọng, nó không đơn thuần là câu chuyện nhầm kiến thức, nó liên quan trực tiếp tới lịch sử dân tộc. Nhà trường nên thẳng thắn nhìn nhận lại, vì không làm tròn vai trò, chưa kể đến chuyện bản quyền sách cũng nên kiểm tra lại.
Rà soát lại toàn bộ giáo trình du nhập
Theo PGS Nguyễn Văn Sơn, Đại học Luật Hà Nội, giáo trình có "đường lưỡi bò" là việc làm đáng báo động về sự cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp của những giảng viên trước khi lưu hành sách tới sinh viên.
Sự chối bỏ trách nhiệm của nhà trường đặc biệt phát ngôn của những người đứng đầu cho thấy họ chưa thẳng thắn nhận lỗi, họ quanh co và đổ tội lẫn nhau.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyên đề nghị Bộ GD&ĐT vào cuộc rà soát lại câu chuyện trên, cũng là dịp để thanh tra rà soát lại toàn bộ giáo trình học du nhập từ nước ngoài vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, sau sự việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ, các trường đại học, cao đẳng cần tự rà soát lại toàn bộ giáo trình có nội dung, yếu tố nhập từ nước ngoài.
“Giả sử chúng ta không phát hiện ra, mặc nhiên để sinh viên tiếp thu, chẳng khác nào đang giết chết lịch sử và sẽ để lại hậu quả khôn lường cho thế hệ mai sau", TS Khuyến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, luật sư Tạ Ngọc Hòa, Công ty luật Anh Minh, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, việc “vô tình” lưu hành các hình ảnh trái với quy định Nhà nước là vi phạm nghiêm trọng được quy định cụ thể trong Luật. Nếu nhà trường không có sự đính chính và sửa lỗi kịp thời rất có thể sự việc sẽ đi theo chiều hướng xấu hơn, thậm chí là tội hình sự.
Mặt khác, nhà trường từng biện hộ rằng sách giáo trình này cũng đang được giảng dạy tại nhiều lớp tiếng Trung ở các trung tâm, trường đại học là chưa chuẩn. Vì các trường có lưu hành giáo trình nhưng nếu đã cắt bỏ phần hình ảnh, nội dung liên quan đến “đường lưỡi bò” và được hội đồng thẩm định khoa học đồng ý cho sử dụng thì các đơn vị đó không sai phạm, luật sư Hòa cho hay.
Bình luận