Tiếp sau Đại học Yale danh tiếng, Đại học Stanford đã đuổi học một sinh viên nữ vì làm giả giấy tờ khi nhập học. Đây là vụ buộc thôi học mới nhất liên quan tới bê bối "chạy trường" gây chấn động xã hội Mỹ gần đây.
Đài truyền hình địa phương KRON4 ngày 8/4 cho biết sinh viên trên đã được nhập học với một bản lý lịch hoàn hảo về năng lực thể thao. Tuy nhiên, thực tế, cha mẹ của nữ sinh này đã chi 500.000 USD cho chương trình hướng dẫn đua thuyền buồm của nhà trường và số tiền được chuyển qua một cựu huấn luyện viên (HLV) bộ môn này.
Trước đó, The Stanford Daily, tờ báo do sinh viên thực hiện, chuyên đưa tin về các hoạt động và cộng đồng sinh viên Đại học Stanford, cho biết nữ sinh viên bị đuổi đã rời trường và toàn bộ tín chỉ cô đã học tại trường đều bị hủy bỏ.
Trường Stanford cũng đã sa thải cựu HLV trưởng chương trình huấn luyện đua thuyền buồm nói trên, ông John Vandemoer, người đã nhận khoản tài trợ nửa triệu USD. Cựu HLV này cũng đã thú nhận tiền tài trợ để đổi lại việc tiến cử giả mạo về năng lực thể thao của các thí sinh.
Bê bối "chạy trường" tại Mỹ liên quan đến một số trường đại học danh tiếng như Đại học Yale, Stanford, Georgetown và Đại học Texas ở Austin. Ít nhất 50 nhân vật nổi tiếng ở Hollywood, các doanh nhân thành đạt và nhiều HLV thể thao dính líu đến vụ việc.
Nổi bật trong vụ này là nữ diễn viên Felecity Huffman và nữ diễn viên Lori Loughlin, hai người bị cáo buộc hối lộ để con mình được học các trường đại học uy tín. Nữ diễn viên Huffman, 56 tuổi, gắn liền với vai diễn trong loạt phim truyền hình "Desperte Houswives" ("Các bà nội trợ kiểu Mỹ"), thừa nhận đã trả 15.000 USD để con gái lớn có điểm số tốt hơn trong bài kiểm tra nhập học.
Cho đến nay, khoảng 50 người đã bị truy tố trong vụ bê bối chạy vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, trong đó có các HLV thể thao đưa ra tiến cử giả để giúp các thí sinh được nhận vào trường; các nhà quản lý trường đại học làm gian lận về điểm; 33 phụ huynh bị cáo buộc chi khoảng 6,5 triệu USD để "chạy trường" cho con.
Theo các nhà điều tra, nghi phạm chính của vụ bê bối, đồng thời cầm đầu đường dây "chạy suất" vào đại học trị giá 25 triệu USD này là William Rick Singer, 58 tuổi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Network.
Các công tố viên cho biết nhiều bậc phụ huynh đã trả khoản tiền lên tới 6 triệu USD cho một công ty do Singer điều hành để đối tượng này tìm cách giúp đỡ con em họ trong bài thi đầu vào các trường đại học hoặc hối lộ các huấn luyện viên để giúp giành suất học bổng dành vận động viên ở những trường này. Singer cho biết đã "giúp" 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ".
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin cảnh sát nước này vừa triệt phá một đường dây chạy suất vào các trường đại học hàng đầu ở "xứ cờ hoa". Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các CEO, nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ.
Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. William Singer đang phải đối mặt với mức án tối đa là 65 năm nếu bị kết án, cho rằng bản thân "hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ việc".
Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này.
Bình luận