Ngày 16/2, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố mục tiêu phát triển thành đại học đa ngành với nhiều trường thành viên. Theo lộ trình, đến năm 2025, trường phấn đấu đạt đủ các điều kiện để chuyển thành đại học theo quy định của Chính phủ.
Để thực hiện lộ trình này, trước đó, tháng 12/2021, Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường trực thuộc đầu tiên, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000).
Tiếp đến, tháng 8/2023, trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô.
Dự kiến từ nay đến 2025, sẽ thành lập thêm 3 trường: Điện - Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.
TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là tái cấu trúc các khoa sẵn có, không phải là tăng quy mô".
Trường định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh. Trong lộ trình trở thành đại học, nhà trường chủ trương hoạt động đào tạo phải gắn với thực tiễn nhầm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Với quyết định của Thủ tướng vào tháng 12/2022, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học thành đại học sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực.
Tiếp đến tháng 10/2023, Đại học Kinh tế TP.HCM là đơn vị thứ hai chuyển đổi mô hình theo quy định mới.
Như vậy, hiện cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Bình luận