• Zalo

Đại học công lập sắp được tự quyết học phí, trả lương

Giáo dụcThứ Ba, 26/08/2014 04:18:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các thành viên lãnh đạo Chính phủ đều đồng tình phải đẩy nhanh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học công lập.

(VTC News) - Các thành viên lãnh đạo Chính phủ đều đồng tình phải đẩy nhanh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học công lập để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Chia sẻ vấn đề tự chủ, GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, đề nghị không nên quy định trần học phí mà nên khuyến nghị mức thu phù hợp.
Học phí đại học
Đại học công lập sắp được tự quyết mức học phí dựa trên chất lượng đào tạo 
Lý do là việc bỏ trần học phí không có nghĩa các trường muốn thu học phí bao nhiêu cũng được mà còn phải tính toán đến các yếu tố thị trường, chất lượng đào tạo, nhu cầu người học. Chưa kể trong mỗi trường có những ngành học phí rất cao nhưng cũng có những ngành học phí thấp hơn nhiều.

Cũng có cùng quan điểm này, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Phùng Xuân Nhạ bổ sung: “Một đại học tốt không nên dựa vào học phí. Tài chính cho đại học không chỉ có học phí, vì vậy, chúng ta cần quy định phải mở rộng danh mục các nguồn thu khác. Học phí cần thu theo chất lượng đào tạo và nhu cầu người học trên cơ sở chất lượng đào tạo của các trường phải được kiểm định độc lập, công khai”.

Nhiều ý kiến đề nghị nới rộng hơn cơ chế sử dụng nguồn thu hợp pháp của các trường để trả lương cho cán bộ giáo viên cũng như quyết định dự  án đầu tư trường lớp.

Lãnh đạo các trường ĐH đã đề xuất cơ chế thoáng hơn đối với tự chủ tổ chức bộ máy nhân sự để phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo; hạn chế tư duy nhiệm kỳ đang khiến các hiệu trưởng chưa dám đầu tư lớn, đổi mới cơ sở, trang thiết bị cơ bản...

Ngoài ra, thực tế các trường ĐH thực hiện tự chủ có rất ít quyền tự chủ chuyên môn (mở ngành nghề, chương trình đào tạo mới) cũng nhận được nhiều đóng góp theo hướng mở rộng hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có cả giáo dục và y tế) theo hướng thông thoáng, mở rộng hơn, tháo gỡ được những vướng mắc của các trường ĐH hiện nay.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không chỉ giới hạn thực hiện thí điểm ở 4 trường đại học trong đề án xin tự chủ của Bộ GD-ĐT mà hoàn toàn có thể mở rộng ra đối với những trường đã có đủ điều kiện.

Sau nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, các trường đại học, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong sự phát triển bền vững của đất nước, yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, sức mạnh con người là ở trí tuệ, ở nguồn nhân lực.

Đối với giáo dục đại học việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Ở những mức độ khác nhau, có trường tự chủ được tiền lương, có trường tự chủ được tiền lương và chi phí thường xuyên, có trường tự chủ được phần lớn về đầu tư… song so với yêu cầu, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học còn chậm.

Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học; từ tự chủ về tài chính đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng,…

Mục đích xã hội hóa giáo dục trong đó có giao tự chủ không chỉ vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, quan trọng hơn là giao tự chủ để tạo động lực, nền tảng, đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển bền vững hơn.

"Mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn