Theo báo cáo, doanh thu thuần của JVC đạt 223,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 44,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Dù doanh thu thuần giảm hơn 33 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 21 tỷ đồng song so với cùng kỳ, JVC đã thoát lỗ.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý tại báo cáo soát xét của JVC là ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
Tại báo cáo, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản mục phải thu ngắn hạn với số tiền khoảng 338,1 tỷ đồng, khoản mục phải trả trước cho người bán ngắn hạn bao gồm số tiền 14,9 tỷ đồng và khoản mục phải thu ngắn hạn khác bao gồm số tiền khoảng 20,3 tỷ đồng (các số dư này không biến động kể từ 31/3/2016).
Đây là khoản phải thu, trả trước và tạm ứng cho các đối tượng công nợ mà JVC không thu thập được xác nhận công nợ tại thời điểm khóa sổ lập báo cáo tài chính hợp nhất niên độ.
JVC đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi toàn bộ các khoản phải thu nêu trên, trả trước và tạm ứng song công ty không thu thập được thư xác nhận nêu trên tại thời điểm 31/3/2016 và không điều chỉnh số dự phòng tại thời điểm 30/9/2018.
Do giới hạn của phạm vị soát xét, kiểm toán viên không thể thu thập được các bằng chứng cần thiết để đánh giá tính hiện hữu của các khoản công nợ trên và giá trị trích lập dự phòng tương ứng. Theo đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Ngoài ra, báo cáo soát xét của JVC công bố bị chậm trễ hơn 1 tháng so với quy định.
Hồi tháng 9 năm nay, 12 lãnh đạo và cựu lãnh đạo công ty cũng bị cơ quan công an triệu tập do có đơn tố giác của CTCP Thiết bị y tế Triết Tôn Tiên. Theo đơn, công ty này cho rằng, một số cá nhân giữ chức vụ quản lý trong JVC có dấu hiệu sai phạm trong các hợp đồng mua bán của hai công ty từ năm 2012 - 2015.
Cụ thể, tổng giá trị các hợp đồng khoảng 120 tỷ đồng. Triết Tôn Tiên khẳng định đã chuyển cho Việt Nhật 89 tỷ đồng nhưng chưa nhận đủ hàng đặt mua. Số máy móc, thiết bị đó lại được mang đi cho thuê tại các bệnh viện, phòng khám khác.
Trước đó một tháng, JVC bị Tổng cục Thuế xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra đối với công ty này dựa trên kỳ thanh tra bốn năm, từ 2014 đến 2017.
Tổng cộng JVC phải nộp số tiền gần 14 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phạt lớn nhất mà JVC phải nộp là tiền truy thu thuế, hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, JVC bị phạt gần 2 tỷ và 3,7 tỷ đồng tiền chậm nộp.
JVC rơi vào khủng hoảng từ sau biến cố Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt giam hồi tháng 6/2015 do lừa dối khách hàng. Kể từ đó, cổ phiếu liên tiếp giảm sàn, doanh thu giảm, bị cưỡng chế thu hồi nợ…
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu JCV giao dịch mức 3.120 đồng/cổ phiếu, song đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế âm.
Bình luận