Video: Cận cảnh chiếc mũ cói trị giá 3,5 tỷ đồng của đại gia Việt. (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Trò chuyện với PV VTC News, ông Trần Hải Đông, một phi công người Việt, thông tin: Panama là dòng mũ cói siêu đắt. Hiện ông sở hữu chiếc mũ loại này có giá khoảng 3,5 tỷ đồng và chắc chắn không có cái thứ hai tại Việt Nam.
“Chiếc mũ có độ tinh xảo ra sao, đối với những người tinh tường chỉ cần nhìn thoáng qua là nhận biết được. Loại mũ này không những đắt tiền mà còn rất khó mua", ông Đông nói.
Hình ảnh chiếc mũ cói Panama siêu đắt được nhân vật chia sẻ.
Vốn là một người đam mê thời trang và có tình yêu đặc biệt với mũ cói, ông từ lâu đã dày công tìm mua những siêu phẩm đắt tiền từ các thương hiệu nổi tiếng.
“Tôi đam mê mũ cói từ khi còn là sinh viên. Khi bắt đầu đi làm, tôi mua mũ cói của các thương hiệu nổi tiếng. Nhưng phải mất đến hàng chục năm sau, cùng với việc nâng cao thu nhập, phát triển quan hệ nhiều hơn và chất lượng hơn tôi mới có cơ hội biết đến loại mũ cói đặc biệt này”, ông Đông chia sẻ.
Ông kể, năm 2010 ông trở thành phi công. Đến khoảng năm 2020, nhờ việc kết giao với chủ một hãng cigar nổi tiếng thế giới, ông mới biết đến dòng mũ cói “thượng lưu" mà ông ưng ý nhất.
“Khi ấy, tôi tham gia vào một câu lạc bộ cigar vì biết được rằng những người có thói quen hút cigar thường hay đội mũ cói. Hãng cigar lúc đó có in hình quảng cáo dòng mũ cói “Father and Sun" trên hộp thuốc. Quen chủ hãng cigar rồi tôi mới hỏi người đó rằng đây là dòng mũ cói gì mà tinh xảo quá? Tại sao tôi không biết đến và chưa mua được bao giờ? Từ đó, tôi mới bắt đầu có được những kiến thức về dòng mũ cói này và tìm hiểu chúng một cách kỹ lưỡng”, ông Trần Hải Đông kể lại.
Bằng việc kết nối với nghệ nhân làm mũ cói thông qua ông chủ hãng cigar, kết hợp giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, mọi hoạt động kinh tế xã hội bị đóng băng, kể cả những cuộc bán đấu giá, ông Đông mới có cơ hội đặt mua chiếc mũ cói đắt nhất thế giới, như ông hằng mong ước mà không cần phải thông qua đấu giá.
Mối đan cói tinh xảo thể hiện qua kính lúp.
Giải thích vì sao mũ cói Panama đắt nhất thế giới, ông Đông cho biết, mũ cói có rất nhiều loại, loại thông thường sẽ được làm bằng sợi giấy giả cói, được xử lý trên dây chuyền công nghệ, người công nhân chỉ cần may thành một chiếc mũ. Vì có khuôn mẫu sẵn nên năng suất lao động rất cao và giá thành rất rẻ.
Nhưng khác với những chiếc mũ cói này, mũ cói cao cấp Panama yêu cầu 100% công đoạn làm thủ công và phải được đan bằng những sợi cói có chất lượng vô cùng cao. Giá một chiếc mũ cói Panama lên đến cả trăm nghìn USD do 3 yếu tố tác động đến: Chất liệu sợi cói, kỹ nghệ thủ công và độ siêu hiếm của sản phẩm.
Ông Đông nói: "Chất liệu để làm ra loại mũ cói đắt nhất thế giới này phải là cói (có nơi gọi là cây cọ) Paja Toquilla, chỉ được móc ở một nơi duy nhất trên thế giới tại Ecuador.
Về mặt kỹ nghệ thủ công: Loại mũ cói đắt nhất thế giới là loại weaves 50 trở lên (WPI: weaves per inch, tức 50 mối đan/inch vuông). Chiếc mũ cói mà tôi sở hữu là loại weaves 59 (59 mối đan/inch vuông).
Cuối cùng, về độ hiếm: Trên thế giới chỉ có một nơi người ta có thể làm ra những chiếc mũ cói Panama đặc biệt tốt. Dù có tên Panama nhưng chúng lại được làm ra tại làng nghề Pile, nằm gần thị trấn Montecristi, thuộc tỉnh Manabi (Ecuador). Đặc biệt, để đan loại weaves 50 trở lên chỉ có duy nhất một nghệ nhân ở làng có thể làm được, đó là Simon Espinal (50 tuổi)".
Chia sẻ thêm về quá trình tạo ra chiếc mũ cói giá bạc tỷ, ông Trần Hải Đông cho biết: “Các nghệ nhân phải làm việc gần như 18 tiếng/ngày, ròng rã trong khoảng 6-8 tháng trời mới hoàn thiện. Nhưng đó là khoảng thời gian gấp rút nhất, còn nếu tốc độ bình thường thì phải mất khoảng 14 tháng. Để đan được một chiếc mũ có WPI 50 trở lên cũng đòi hỏi kỹ thuật thủ công rất cao. Người nghệ nhân đan mũ phải cúi mặt liên tục hơn 10 tiếng mỗi ngày, nhìn qua kính lúp để đan (làm độ khó tăng lên gấp 10 lần), và phải dùng lực xiết rất mạnh để đạt đến mật độ trên 50 mối. Nếu không may sợi cói bị đứt trong lúc xiết thì mọi công sức trước đó đổ sông đổ bể.
Để đạt đến độ mịn cần thiết trên bề mặt mũ, sợi cói phải đủ nhỏ. Trong quá trình đan mũ, nghệ nhân phải dùng kính lúp để có thể xử lý mối đan sao cho chính xác nhất, vừa dàn đều, mịn, vừa tạo dáng cho chiếc mũ và cuối cùng là dấu mối đàn quanh vành nón. Đó là những kỹ thuật khó mà đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu họ làm thế nào".
Nghệ nhân đang đan mũ cói tại đất bản địa.
Ngoài việc có giá hàng tỷ đồng, một chiếc mũ cói Panama đặc biệt chỉ được sản xuất theo dạng đặt hàng trước từ 6 tháng cho đến 1 năm cho một cuộc bán đấu giá đặc biệt nào đó dành cho giới thượng lưu. Do đó, rất ít người Việt Nam như ông Đông có cơ hội sở hữu chiếc mũ cói này.
Ông Đông tiết lộ, năm 2013, nghệ nhân Simon cho ra thị trường một chiếc nón cói weaves 57. Anh đã cố gắng rất nhiều lần nhưng đều thất bại. Cuối cùng sau 10 năm, chiếc mũ weave 59 mới được xuất xưởng và hiện đang thuộc sở hữu của ông Trần Hải Đông.
Một chiếc mũ cói đắt đỏ khác đang trong quá trình hoàn thiện theo đơn đặt hàng của ông Đông.
Cùng với việc sở hữu chiếc mũ cói đắt nhất thế giới, người đàn ông 36 tuổi này còn sở hữu một bộ sưu tập hàng chục chiếc mũ cói đắt tiền. Không những thế, ông còn mong muốn đem thú chơi “thượng lưu” này đến với những người đam mê tại Việt Nam bằng việc mở bán sản phẩm mũ cói Panama thương hiệu Montecristi tại Việt Nam.
Một số hình khác về chiếc mũ đắt ngang ngửa một chiếc ô tô:
Bình luận