• Zalo

Đại gia Việt 'nuốt trọn' Daewoo HN nhờ... ao rau muống

Kinh tếThứ Hai, 29/07/2013 07:12:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhờ “ao rau muống” từ cách đây mấy chục năm, đại gia điện tử Việt Nam Hanel mới có thể "nuốt trọn" được khách sạn sang trọng Daewoo Hà Nội.

(VTC News) – Nhờ “ao rau muống” từ cách đây mấy chục năm, đại gia điện tử Việt Nam Hanel mới có thể "nuốt trọn" được khách sạn sang trọng Daewoo Hà Nội.

Năm 2012, dư luận xôn xao vì thương vụ thâu tóm đình đám, Hanel mua lại khách sạn Daewoo. Thông thường, trong các liên doanh, xu hướng chủ yếu là đối tác ngoại mua lại cổ phần của đối tác nội sau một thời gian liên doanh hoạt động kém hiệu quả. Nhưng ở thương vụ này, điều ngược lại đã xảy ra, công ty Việt “nuốt trọn” vốn ngoại.

Hanel có thể thâu tóm Daewoo vì liên doanh chưa tạo ra được nhiều lợi nhuận trong khi Tập đoàn Daewoo mẹ tại Hàn Quốc phá sản. Điều này đã làm công ty con là Daewoo E&C rất khó khăn về tài chính.

Tới năm 2012, thương vụ Hanel thâu tóm Daewoo mới được hé lộ nhưng thực chất, những người trong cuộc đã phần nào dự báo được viễn cảnh từ năm 2005. Trong năm 2005, dư luận chú ý khi Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Sài Đồng A với Công ty liên doanh Daewoo - Hanel.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 152 triệu USD, trong đó vốn pháp định 45 triệu USD, phía Việt Nam (Công ty Hanel) sẽ góp 40% (18 triệu USD) bằng quyền sử dụng 407ha đất và phía nước ngoài (Công ty Daewoo E&C) góp 60% (27 triệu USD) bằng tiền.

Sau rất nhiều năm, Daewoo mới góp vốn vào liên doanh được 6 triệu USD, trong khi phía Hanel đã góp đủ 18 triệu USD bằng quyền sử dụng đất.

Không có vốn nên dự án bị tắc. Phía Daewoo đưa ra phương án sẽ thay thế phần góp vốn của họ cho 5 đối tác nước ngoài khác, nhưng Hanel không đồng ý và khẳng định đủ khả năng mua lại cổ phần nếu Daewoo không đảm bảo được tài chính.

Bán “mỏ vàng” cho đồng hương

Những khó khăn kể trên của cả Tập đoàn Daewoo nói chung và của phần vốn Daewoo tại Việt Nam nói riêng khiến cho Daewoo phải bán lại “mỏ vàng” đầy tiềm năng là khách sạn Daewoo, mà cụ thể hơn nữa chính là tổ hợp Daeha.

Khách sạn Daewoo
Khách sạn Daewoo 

Daewoo là một trong những khách sạn nổi tiếng bậc nhất tại Hà Nội nằm trong tổ hợp Daeha. Công ty TNHH Daeha có vốn điều lệ 43,61 triệu USD. Trong đó, Công ty Hanel (phía Việt Nam) sở hữu 13,083 triệu USD, chiếm 30% vốn điều lệ (góp vốn bằng quyền sử dụng đất); Công ty TNHH Daewoo (Hàn Quốc) sở hữu 30,527 triệu USD, chiếm 70% vốn điều lệ.
 
Theo bản thỏa thuận giữa hai bên, trong tương lai, sẽ có sự điều chuyển vốn điều lệ từ Daewoo sang Hanel với lộ trình, năm 2017 sẽ chuyển 10% vốn điều lệ; năm 2031 là 5% và năm 2042 là 10%.

Sau nhiều năm phát triển, giá trị Daewoo tăng trưởng không ngừng. Trong năm 2012, giá trị tài sản ước tính của toàn tổ hợp Daewoo, bao gồm khu văn phòng, khu khách sạn và khu căn hộ đạt khoảng 431 triệu USD.  Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, Daewoo chưa thực sự mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư.

Mở cửa từ năm 1996, sau 8 năm hoạt động, dự án bắt đầu có lãi nhưng tính gộp đến cuối năm 2009, liên doanh còn lỗ lũy kế hơn 3,167 triệu USD. Năm 2010, khu phức hợp có lợi nhuận 8,642 triệu USD và đây là năm đầu tiên các bên được chia lợi nhuận với số tiền hơn 5 triệu USD.  Theo báo cáo tài chính 2010, Liên doanh có khoản nợ 53 triệu USD của Ngân hàng Woori Bank.

Có thể thấy, dù là một khách sạn nổi tiếng, Daewoo Hà Nội cũng không thoát được khủng hoảng kinh tế nổ ra từ năm 2007. Không biết có phải do không chịu được áp lực hay không mà tới tháng 7/2010, Daewoo thông báo kế hoạch bán toàn bộ 70% vốn tại liên doanh Daeha cho Lotte, một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Điều đáng nói, Lotte lúc đó đã sở hữu lô đất ngay đối diện khách sạn Daewoo.

Daewoo có vẻ rất mặn mà bán cổ phần cho Lotte. Vào tháng 1/2011, Daewoo và Lotte ký một bản ghi nhớ, theo đó, Lotte sẽ trả 111 triệu USD để sở hữu 100% cổ phần của Daewoo tại Daeha. Tuy nhiên, thương vụ tưởng chừng chắn chắn 100% này bỗng nhiên đổ bể vào phút chót vì sự xuất hiện của Hanel.

“Nuốt” Daewoo nhờ ao rau muống

Hanel xuất hiện khi thương vụ bán Daewoo cho Lotte tưởng như đã gần hoàn tất mọi thủ tục. Dù xuất hiện muộn hơn nhưng Hanel lại có nhiều ưu thế hơn Lotte dù năng lực tài chính của đại gia Việt thua xa ông lớn Hàn Quốc.

Tại Điều 14 trong Giấy phép đầu tư cấp cho Liên doanh, có một điều khoản về quyền “ưu tiên mua” thuộc về các đối tác trong Liên doanh. Điều đó có nghĩa, Daewoo bán cổ phần thì Hanel sẽ được ưu tiên mua, và ngược lại.

Tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel
Tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel
Không để Daewoo rơi vào tay ông lớn Hàn Quốc Lotte, Hanel rất nỗ lực hiện thực hóa quyền “ưu tiên mua” của mình. Chỉ sau khi Daewoo và Lotte ký biên bản ghi nhớ 2 tháng, Hanel đã đề nghị mua lại 70% cổ phần của Daewoo với giá 90 triệu USD và một số điều khoản hấp dẫn đi kèm.

Sau nhiều cuộc đàm phán, thương vụ này kết thúc khi Daewoo đồng ý nhượng cổ phần cho Hanel với giá được cho là 100 triệu USD. Đây chỉ là con số tin đồn vì những người trong cuộc chưa bao giờ chính thức lên tiếng về thương vụ này.

Theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Hanel đã được bảo đảm tài chính để thực hiện thương vụ này từ Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) và một số doanh nghiệp nhà nước khác.

Có thể nói, trong cuộc chiến không cân sức với Lotte, Hanel đã vượt qua được đối thủ vào phút chót nhờ lợi thế “quyền ưu tiên mua”. Hay nói cách khác, chính “ao rau muống” đã giúp Hanel thâu tóm Daewoo.

Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Daewoo muốn xây dựng khách sạn tại Việt Nam. Tập đoàn này được giới thiệu một… ao rau muống để triển khai dự án. Theo đúng “mốt” thời điểm đó, Daewoo đã liên kết với một đối tác trong nước. Đó là Hanel.

Trong thời gian này, Hanel không có tiền nên Hà Nội phải giao đất cho Hanel để quy đất thành tiền đem đi đối ứng với Daewoo trong liên doanh theo tỷ lệ 30/70.

Hậu thâu tóm: Daewoo vẫn “nóng”

Dù lợi nhuận mang lại chưa cao nhưng Daewoo vẫn là một trong các mục tiêu đầu tư hấp dẫn của các đại gia. Ngay sau khi thương vụ Hanel thâu tóm Daewoo chưa hoàn tất, nhiều tổ chức đã lên tiếng muốn mua lại khách sạn này.

Trong giai đoạn dư luận xôn xao với tin đồn thâu tóm, công ty tư vấn bất động sản Soho Việt Nam cho biết công ty này nhận được yêu cầu của khách hàng đặt mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội. Có người sẵn sàng rút hầu bao cả trăm triệu USD để trở thành chủ Daewoo.

Nhưng tại thời điểm đó, thủ tục chuyển nhượng, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư của thương vụ Hanel mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội từ chủ người Hàn Quốc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đến giờ vẫn chưa xong. Vì thế, phía các đơn vị tư vấn chưa thể làm thủ tục mua lại.

Tuy nhiên, sau khi thương vụ hoàn tất, chuyện mua đi bán lại Daewoo bất ngờ chìm vào im lặng. Không ai biết đó là do Hanel quyết tâm không bán Daewoo hay không nhà đầu tư quan tâm tới khách sạn này nữa.

Hậu thâu tóm, khách sạn Daewoo vẫn hoạt động rất ổn định và vẫn được xem là một trong những khách sạn hàng đầu tại Hà Nội.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn