Sau một đêm hay một phiên giao dịch, hàng loạt các đại gia Việt bất ngờ có khối tài sản tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng.
Ghi thêm ngàn tỷ sau một đêm
Ngày 20/7, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) – doanh nghiệp con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - đã niêm yết 708 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HNG đã tăng hết biên độ cho phép (20%), từ giá khởi điểm 28.000 đồng lên 33.500 đồng/cp.
Cho dù giá trị sổ sách của HNG chỉ ở mức 9.900 đồng/cp, nhưng cú tăng ngoạn mục trong phiên chào sàn lên 33.500 đồng/cp đã giúp vốn hóa của HAGL Agrico vọt lên mức 23.723 tỷ đồng.
Với diễn biến này, khối tài sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại HAGL Agrico cũng tăng thêm gần 3,5 lần. Hiện tại, HAGL đang nắm giữ 79,52% cổ phần tại HAGL Agrico. Trong khi đó, bầu Đức nắm giữ gần 45% cổ phần HAGL, tương đương gần 353 triệu cổ phiếu HAG.
Bên cạnh đó, những thông tin trên có thể đã góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của cổ phiếu HAG, từ mức 17.500 đồng lên gần 19.000 đồng/cp trong khoảng một tháng qua. Tài sản của bầu Đức cũng tăng thêm gần 530 tỷ đồng. Nếu tính theo kiểu gián tiếp bắc cầu của một số NĐT thì túi tiền của bầu Đức tăng thêm nhiều ngàn tỷ sau chỉ một đêm sau sự kiện Agrico.Bầu Đức nắm giữ gần 45% cổ phần HAGL, tương đương gần 353 triệu cổ phiếu HAG.
Trước đó, hồi giữa tháng 7/2014, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) niêm yết gần 63 triệu cổ phiếu trên sàn đã giúp cả chục cổ đông của doanh nghiệp có lịch sử khá non trẻ này trở thành triệu phú USD. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài đã lọt tốp những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán với tài sản quy ra từ cổ phiếu có trị giá trên 1.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng giá cùng với những đợt phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP đã giúp ông Tài có thêm cả ngàn tỷ đồng, nâng tổng tài sản có lúc lên gần 2 ngàn tỷ đồng.
Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, không ít đại gia sau một đêm đã đổ hàng trăm tỷ vào cổ phiếu ngân hàng như trường hợp ông chủ tập đoàn Gami đổ tiền vào nắm giữ 4,2% cổ phần Ngân hàng Quốc Dân (trước là Navibank). Anh em doanh nhân Đỗ Minh Phú - Đỗ Anh Tú đổ tiền vào TPBank… Hay mới đây nhất, Kinh Đô của anh em Trần Lệ Nguyên đã bất ngờ đổ 1.000 tỷ vào Ngân hàng Đông Á trở thành cổ đông lớn ở đây. Trước đó, anh em nhà ông Nguyên đã thu về cả trăm triệu USD nhờ bán cổ phiếu Kinh Đô cho tập đoàn ngoại.
Cú lên sàn năm 2010 của 130 triệu cổ phiếu bất động sản Phát Đạt (PDR) ở mức giá gần 40.000 đồng/cp cũng đã giúp chủ tịch Nguyễn Phát Đạt có trong tay cả ngàn tỷ đồng sau một đêm. Sau những lần tăng vốn, hiện tại ông Đạt có trong tay 120 triệu cổ phiếu PDR, trị giá tổng cộng hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Tài sản ‘ngầm’ của nhà giàu Việt
Trong vài năm gần đây, giới đầu tư chứng kiến rất nhiều doanh nhân Việt nhanh chóng nổi lên trở thành các đại gia giàu có trên thị trường chứng khoán. Tốp 10 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán liên tục thay đổi. Nếu như trước kia, những người giàu nhất là ông Trương Gia Bình, ông Đặng Thành Tâm, ông Đặng Văn Thành, anh em ông Trần Kim Thành… thì giờ đây giới đầu tư có thể thấy rất nhiều gương mặt mới như: bà Phạm Thu Hương (VIC), bà Phạm Thúy Hằng (VIC), bà Nguyễn Hoàng Yến (MSN), bà Vũ Thị Hiền (HPG).
Sau một đêm hay một phiên giao dịch, hàng loạt các đại gia Việt bất ngờ có khối tài sản tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Trầm Trọng Ngân (con trai cả đại gia Trầm Bê) cũng nhanh chóng lọt tốp ngàn tỷ sau khi bất ngờ mua một lượng lớn hàng chục triệu cổ phiếu Sacombank hồi 2011, bên cạnh hàng chục triệu cổ phiếu SouthernBank và PNS. Cú sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank với tỷ lệ giá hoán đổi “khá hời” cho cổ đông SouthernBank sắp tới có thể sẽ giúp gia tăng túi tiền của doanh nhân trẻ này.Bên cạnh đó có nhiều gương mặt trẻ xuất hiện sau những cú đổ vốn vào thị trường chứng khoán.
Gần đây, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC mới lên sàn hồi đầu tháng 8/2013 với vốn 770 tỷ đồng nhưng cho đến nay quy mô của FLC Group đã lên tới gần 5.300 tỷ đồng (theo kế hoạch sẽ tăng lên gần 8.400 tỷ đồng). Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC hiện nắm giữ 63 triệu cổ phiếu FLC, trị giá gần 520 tỷ đồng.
Gia đình ông Đỗ Hữu Hạ, chủ tịch CTCP Đầu tư và Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) cũng đã lọt tốp những gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán sau khi niêm yết cổ phiếu hồi đầu năm 2012. Hiện tại gia đình doanh nhân này đang nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu, trị giá gần ngàn tỷ đồng. Quá trình doanh nghiệp tăng vốn (lên gấp 11 lần) và cổ phiếu tăng giá đã giúp khối tài sản của gia đình ông Hạ phình lên đáng kể.
Quyết định lên sàn của hàng loạt các doanh nghiệp như Tập đoàn Nam Long, Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai, OCH… đã giúp hàng loạt các doanh nhân trở thành các triệu phú USD trên thị trường chứng khoán.
Không chỉ huy động vốn trong nước, niêm yết trên sàn còn giúp doanh nghiệp có điều kiện để hút cả vốn từ các quỹ đầu tư lớn nước ngoài như trường hợp Vingroup hay Masan… với các gói đầu tư hàng trăm triệu USD trong vài năm qua.
Nhiều đại gia còn niêm yết cả các công ty con như trường hợp HAGL Agrico, hay sắp tới là Masan Resources (cam kết cho khoản rót vốn 100 triệu USD của Mount Kellett 4 năm trước). Mỗi bước đi của các đại gia này đều đáng giá cả ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng là nơi để các đại gia Việt với khối tài sản ngầm khổng lồ đổ cả ngàn tỷ lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bề nổi. Nhiều đại gia thực thụ với tài sản ước tính lên cả tỷ USD với tài sản là hàng loạt các bất động sản du lịch, khu đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí… chưa xuất hiện.
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận