Thị trường chứng khoán đang ghi nhận nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức 'khủng' giúp các đại gia Việt nhận về số tiền khổng lồ. Vì vậy ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup không phải người duy nhất nhận được lượng cổ phiếu lên đến ngàn tỷ đồng.
Ngày 28/6 vừa qua, công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) đã chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để trả cổ tức quý 1/2016 với tỷ lệ 11% (tương ứng 213,38 triệu cổ phiếu). Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 2.134 tỷ đồng. Ngày 2/8 tới đây, 213,38 triệu cổ phiếu này sẽ niêm yết bổ sung.
Sau khi đợt phát này, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinroup sẽ nhận hơn 65 triệu cổ phiếu VIC. Trong ngày niêm yết bổ sung, giá VIC có thể được điều chỉnh nhưng nếu tính theo thị giá VIC ngày 26/7, lượng cổ phiếu này trị giá 3.283 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC mang về cho ông khối tài sản trị giá 29.845 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD). Nhờ đó, ông Vượng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua. Còn theo Forbes, ông Vượng thậm chí còn giàu hơn rất nhiều khi sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD.
Trong khi đó, vợ ông Vượng - bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup được nhận hơn 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương 566 tỷ đồng. Bà Hương đang đứng đầu danh sách những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không nhận được cổ tức ngàn tỷ như ông Phạm Nhật Vượng nhưng những gì mà một số đại gia khác được công ty chia không hề nhỏ. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong số đó.
Tháng 9 tới đây, Hòa Phát sẽ chia cổ tức năm 2015 tổng tỷ lệ 30% trong đó 15% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Như vậy Hòa Phát sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng trả cổ tức đợt này. Nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.
Trong tổng 1.100 tỷ trả cổ tức bằng tiền mặt, ông Trần Đình Long sẽ được nhận 277 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long sẽ được nhận 80,19 tỷ đồng. Với 15% cổ tức bằng cổ phiếu, ông Long sẽ được nhận hơn 26 triệu cổ phiếu HPG. Theo thị giá ngày 26/7, lượng cổ phiếu này trị giá 1.170 tỷ đồng.
Với tỷ lệ trả cổ tức cao hơn Hòa Phát, Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) sắp chi 4.800 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2016 tỷ lệ 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu. Như vậy, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ nhận 2.164 tỷ đồng.
Ngoài tiền mặt, SCIC sẽ nhận thêm hơn 108 triệu cổ phiếu VNM. Theo thị giá VNM ngày 26/7, lượng cổ phiếu này tương đương 16.989 tỷ đồng. Nhưng nếu giá VNM được điều chỉnh, giá trị khối tài sản mới của SCIC sẽ ít hơn con số này.
Ngày 22/7 vừa qua, tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 12%. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVF) hiện là 2 cổ đông lớn duy nhất của PVS. PVN sẽ nhận 275 tỷ đồng và PVF nhận 31 tỷ đồng.
Không dành ngàn tỷ chi trả cổ tức nhưng Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (DXP) lại gây sốc khi trả cổ tức với tỷ lệ siêu khủng 200%. Cụ thể, 28/07 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức của DXP với 50% tiền mặt và 150% cổ phiếu.
Ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị DXP sẽ được nhận 9,5 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, ông nhận thêm 2,85 triệu cổ phiếu DXP. Nếu giá DXP không được điều chỉnh, lượng cổ phiếu này tương đương 210,9 tỷ đồng.
Bình luận