Giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới trên 2 triệu đồng/lượng đã góp phần giúp một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lãi đậm
Tại cuộc họp công bố bao bì mới cho vàng SJC tuần trước, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của SJC đạt 10.212 tỉ đồng, bằng 194% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 166% kế hoạch của năm. Về lợi nhuận, doanh nghiệp (DN) này cũng đạt 366,5 tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm.Một cửa hàng vàng tại TP HCM vào thời điểm "sốt vàng" tháng 9 vừa qua.
Lãi cao từ chênh lệch giá
Tương tự, báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2011 của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt hơn 246 tỉ đồng. Một số DN kinh doanh vàng khác tuy không nêu con số cụ thể nhưng nói rằng hoạt động kinh doanh vàng có lãi khá. Tổng giám đốc một công ty vàng tại TPHCM cho biết lợi nhuận quý III này cũng khoảng hơn chục tỉ đồng...
Không khó để lý giải việc các công ty vàng đang lãi lớn bởi trong các cơn sốt giá vàng nhiều tháng qua, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới rất nhiều, mức chênh lệch có thời điểm lên tới 4 triệu đồng/lượng. DN kinh doanh vàng hưởng lợi lớn từ khoản chênh lệch này, còn nhiều người dân rơi vào cảnh “mua cao - bán thấp”.
Chưa kể chênh lệch mua vào - bán ra cũng được các DN vàng đẩy lên tới 1 triệu đồng/lượng. Lúc vàng sốt giá, lực mua trên thị trường tăng mạnh; có ngày, các công ty lớn như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu… bán ra hàng chục ngàn lượng vàng. Cao điểm như ngày 6-10, SJC bán ra hơn 20.000 lượng vàng, còn toàn hệ thống kinh doanh vàng đã bán ra ước tính lên tới hơn 4 tấn vàng. “Lực mua ròng liên tục và kéo dài hàng tháng trời thì các công ty vàng không lãi mới lạ!” – một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Chưa hết, ngay cả những lúc thị trường vàng không còn sốt giá nhưng khoảng cách trên dưới 2 triệu đồng/lượng giữa giá trong nước và thế giới vẫn được các DN kinh doanh vàng “neo” liên tục từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Chỉ một vài thời điểm hiếm hoi, giá vàng trong nước mới về gần sát với giá thế giới… Những nguyên nhân này giúp các DN sản xuất, kinh doanh vàng lớn “bỏ túi” một khoản lãi không nhỏ.
Hưởng lợi từ chính sách
Theo trưởng đại diện một hãng kinh doanh vàng nước ngoài tại Việt Nam, một số DN sản xuất, kinh doanh vàng lớn còn hưởng lợi từ các đợt xuất – nhập khẩu vàng. Hạn mức nhập khẩu vàng càng lớn, các DN càng lời cao. “Khi xuất vàng nguyên liệu dưới dạng nữ trang, họ được lợi nhuận cực lớn. Khi nhập vàng về để ổn định thị trường trong nước, họ tiếp tục kiếm lời từ chênh lệch giá với thế giới, nhất là những DN được nhập nhiều. Chưa kể có DN gắn với thương hiệu độc quyền còn nhận gia công cho các đơn vị khác, thu phí rất cao” – vị này nói.
Đầu tháng 10-2011, để “trị dứt bệnh” cho giá vàng trong nước, Ngân hàng (NH) Nhà nước tiếp tục áp dụng thêm biện pháp cho phép SJC và một số NH được kinh doanh vàng qua tài khoản, bán vàng trong kho để ổn định thị trường. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Khi đó, biện pháp chỉ cho một số đơn vị được kinh doanh vàng tài khoản, bán vàng can thiệp thị trường… đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các DN này.
Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, cho rằng kinh doanh vàng không phải ai cũng “thắng”. Nếu DN nào không có nguồn lực mạnh, không cân đối được đầu vào - đầu ra mà bị các công ty lớn chèn ép giá phải mua đuổi - bán đuổi thì vẫn lỗ. Theo ông, hồi đầu năm đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ép giá giữa các DN lớn đối với DN vàng nhỏ. Các DN lớn thu hẹp khoảng cách mua bán chỉ còn 0,2%-0,25% (trong khi mức hợp lý phải từ 0,5%-1%) khiến các DN nhỏ theo không kịp, chịu lỗ nặng. Và cơn sốt giá vàng những tháng vừa qua cũng vậy, DN nhỏ không có tiềm lực buộc phải mua đuổi - bán đuổi nên thường gặp rủi ro dẫn đến lỗ lã.
Rủi ro do bán vàng huy động
Trong các báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2011 của một số NH, phần hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối hiệu quả không cao, thậm chí lỗ nặng…
Một chuyên gia kinh tế nhận xét các đơn vị có nguồn lực mạnh, mua bán vàng trong thời điểm “sóng” nhiều như thời gian qua khó lòng bị lỗ, ngược lại còn lãi lớn. Riêng một số NH kinh doanh vàng bị lỗ bởi thời gian trước khi NH Nhà nước có thông tư về ngừng huy động và cho vay vàng, không ít NH đã bán vàng huy động ra thị trường, lấy tiền đồng cho vay hoặc đầu tư các lĩnh vực khác… Đến khi thị trường sốt giá, giá vàng tăng vọt buộc các NH phải mua vàng bù đắp lại số lượng đã chuyển thành tiền đồng, dẫn đến bị lỗ.
Bài và ảnh: Thái Phương/Người lao động
Bình luận