• Zalo

Đại gia tung hoành, lách luật trên ‘chợ” chứng khoán

Kinh tếThứ Hai, 18/06/2012 09:06:00 +07:00 Google News

Hình thức quản lý lỏng lẻo, tính minh bạch thấp, mức xử phạt vi phạm quá nhẹ… đang khiến TTCK trở thành cái chợ đêm cho các đại gia thỏa sức hoành hành.

Hình thức quản lý lỏng lẻo, tính minh bạch thấp, mức xử phạt vi phạm quá nhẹ… đang khiến TTCK trở thành cái chợ đêm cho các đại gia thỏa sức hoành hành, lách luật, ngang nhiên qua mặt cơ quan quản lý.

Dễ như mua gom, bán tháo cổ phiếu

Chỉ vài ngày sau khi bị phạt do bí mật mua gom cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), các đại gia lại bất ngờ bán cổ phiếu không báo cáo và sẵn sàng chờ cơ quan quản lý phạt 1 lần nữa.
 
Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) hôm 12/6 vừa có thông báo về việc vi phạm công bố thông tin của các cổ đông lớn của Sacombank.
 
Theo đó, CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu đã bán 900.000 cổ phiếu STB, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 47,88 triệu đơn vị (chỉ còn chiếm tỷ lệ 4,92% số lượng cổ phiếu lưu hành). Công ty này đã không công bố thông tin và báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn.
 
Cũng cùng thời gian này, ông Trần Phát Minh cũng đã bán ra 876.000 cổ phiếu STB, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 48,12 triệu đơn vị (chỉ còn chiếm tỷ lệ 4,94% số lượng cổ phiếu lưu hành). Với tỷ lệ nắm giữ này, ông Minh cũng không còn là cổ đông lớn của STB nhưng không công bố thông tin và báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn.

Với việc nắm giữ dưới 5% sau vụ bán chui nói trên thì 2 nhà đầu tư này có thể bán hết lượng cổ phiếu đang nắm giữ mà không phải công bố nữa. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng cổ phiếu 2 nhà đầu tư này có thể về 0 bất cứ lúc nào mà chẳng ai hay biết.

 

 
Chỉ vài ngày trước đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có thông báo xử phạt CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim, CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu và ông Trần Phát Minh vì việc trở thành cổ đông lớn nắm từ 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành trở lên của Sacombank nhưng không công bố thông tin theo quy định. Đây là những cổ đông nằm trong liên minh Exim Bank - Phương Nam Bank thâu tóm Sacombank thời gian vừa qua.
 
Vụ việc xử phạt đối với 3 cổ đông "mua chui" cổ phiếu STB chưa hết nóng bởi mức độ xử phạt nhẹ (60 triệu đồng/tổ chức, cá nhân), thời gian xử lý chậm trễ (vài ba tháng) và được coi là không công bằng với Sacombank, thì các cổ đông này lại bất ngờ âm thầm thoái vốn không công bố trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
 
Một loạt câu hỏi được đặt ra là: Vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu khi mà các cổ đông lớn trắng trợn vi phạm các quy định? Tại sao những sai phạm lớn như vậy mà không được phát hiện ngay để ngăn chặn? Khi phát hiện vì sao lại xử lý quá chậm? Cơ quan quản lý có dung túng cho hành vi nói trên hay không? Và liệu đây có phải là một trò chơi chứng khoán ảo để thâu tóm Sacombank hay không?...
 
Trước đó, giới đầu tư cũng khá phẫn nỗ với những vụ mua bán chui của các cổ đông lớn làm ảnh hưởng tới quyền lợi của đa số các cổ đông nhỏ.
 
Cuối tháng 3/2012, UBCK đã xử phạt ông Đinh Hồng Long - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN - HNX) 40 triệu đồng vì bán chui cổ phiếu. Theo đó, ông Long đã bán 200.000 cổ phiếu SHN trước khi đăng ký bán.
 
Nhiều cổ đông của SHN đã rất bức xúc về việc ông long bán cổ phiếu chui và đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo công ty trong việc hợp tác với Beta BQP dẫn tới việc có khả năng mất trắng gần 350 tỷ đồng.
 
Tính trong năm 2011, ông Long đã bán khoảng gần 1,4 triệu cổ phiếu SHN và rút tỷ lệ nắm giữ xuống chỉ còn khoảng 1%. Trong khoảng thời gian đó cho tới cuối tháng 5/2012, cổ phiếu này đã giảm từ trên 20.000 đồng/cp xuống 1.600 đồng/cp.
 
Trước đó, một loạt các cá nhân và tổ chức khác đã vi phạm về công bố thông tin như: Công ty quản lý quỹ Hữu Nghị bị phạt 85 triệu do chuyển nhượng cổ phần vốn góp từ 10% trở lên trên vốn điều lệ khi chưa được chấp thuận; ông Nguyễn Văn Mạnh, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Xuất nhập Khẩu Khánh Hội (KHA) mua 264.940 cổ phiếu KHA từ 14/2/2011 đến 8/3/2011, nhưng không báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn; ông Hoàng Duy Anh - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội (mã MHC) bán 100.000 cổ phiếu MHC không công bố thông tin; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và một thành viên trong Ban quản trị đã mua tổng cộng hơn 240.000 cổ phiếu TV1 nhưng không công bố thông tin…
 
Gần đây nhất, Ngân hàng Sacombank đã mua 1.041.500 cổ phiếu SPM vào ngày 5/3/2012 và trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần SPM (mã SPM) nhưng chậm báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn; ông Phan Hoàng Tuấn, cổ đông lớn Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (mã UDC) đã bán 120.000 cổ phiếu UDC vào ngày 21/5/2012 trước khi HOSE công bố thông tin đăng ký giao dịch.
 
Tất cả các trường hợp này đều bị xử lý nhưng mức phạt quá nhẹ và dường như những đối tượng này sẵn sàng chấp nhận.
 
Quản lý kém hay mở cửa cho qua?

Trong một động thái mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, đã yêu cầu UBCK phải báo cáo Bộ Tài chính trong thời gian sớm nhất về những vấn đề báo chí đã nêu và sẽ xử lý nghiêm nếu có những sai phạm trong mua gom cổ phiếu và phản ứng chậm của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Đây có lẽ là thông tin được các nhà đầu tư mong đợi. Theo nhiều nhà đầu tư, hiện tượng mua bán chui đã diễn ra rất phổ biến trên diện rộng từ nhiều năm qua và gây ra rất nhiều bức xúc nhưng vẫn chưa được các các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.
 
Vụ việc mua bán chui cổ phiếu Sacombank vừa qua có thể nói đã đẩy vấn đề này lên đến cao trào. Nó cho thấy một sự lộng hành tới mức coi thường các quy định của pháp luật. Dường như đang có những nhóm đối tượng có sức mạnh chi phối thị trường. Sự công bằng đã không được thực thi và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giám sát thông tin, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông đa số dường như đã không được nhìn nhận ở trong trường hợp này.

 


Theo giải thích của thanh tra UBCK, việc xử lý các đối tượng vi phạm chậm trễ (nửa tháng sau khi kết thúc thương vụ thâu tóm mới công bố xử phạt) là do không mời được đối tượng lên làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp Sacombank là đến ngày 29/5 họ mới ký biên bản.
 
Điều mà nhiều người quan tâm là trong một khoảng thời gian dài vài ba tháng các đối tượng này thực hiện mua gom để thâu tóm và đấu khẩu ầm ĩ trên các phương tiện đại chúng, các cơ quan quản lý và điều hành thị trường chứng khoán đã không hề lên tiếng cho dù về lý thuyết hệ thống cho phép quản lý chính xác từng giao dịch nhỏ.
 
Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn cho rằng, vụ thâu tóm đã có kịch bản trước. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức ngân hàng lớn mua chui STB để thâu tóm và rồi lại bán chui khi thương vụ M&A đã xong. Theo họ, đây có lẽ là một kiểu chơi chứng ảo nổi tiếng ở thị trường Việt Nam.
 
Hiện tại, các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trên TTCK còn quá thấp. Mức phạt đối với với hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội bộ tối đa là 300 triệu đồng; đối với hành vi công bố thông tin sai lệch, che giấu thông tin, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng. Trên thực tế, những hành vi vi phạm như những vi dụ nêu trên chỉ vài ba chục triệu đồng. Con số này quá nhỏ so với mức lời mà các đối tượng vi phạm thu được.
 
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, đặc trưng của tội phạm này là cố tình, nhằm thu được khoản lợi lớn hoặc tránh được khoản lỗ lớn cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Trên TTCK, sau khi tăng một mạch từ khoảng 11.000 đồng/cp vào hồi giữa năm 2011 - khi có những hiện tượng thâu tóm đầu tiền, lên 26.000 đồng/cp (trong khoảng cuối tháng 4 và tháng 5), cổ phiếu STB đã giảm mạnh gần đây và hiện đang được giao dịch ở mức 21.500 đồng/cp.

Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn