• Zalo

Đại gia, tiểu gia rủ nhau bỏ chứng khoán

Kinh tếChủ Nhật, 15/09/2013 07:34:00 +07:00Google News

Đau lòng vì vốn đầu tư ngày càng teo tóp, mòn mỏi chờ cổ tức, nhiều nhà đầu tư đã rủ nhau rút khỏi chứng khoán.

Đau lòng vì vốn đầu tư ngày càng teo tóp, mòn mỏi chờ cổ tức, nhiều nhà đầu tư đã rủ nhau rút khỏi chứng khoán.

Giá giảm, cổ tức không có

Chìm nghỉm trong đợt giảm giá rất mạnh cuối năm ngoái, ông Thành - một nhà đầu tư cá nhân tại Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua đã rút kinh nghiệm chuyển sang chơi cổ phiếu cơ bản với những lựa chọn hết sức cẩn thận như HSG, MSN, GMD…

Dù vậy, sự may mắn vẫn chưa đến với ông, các doanh nghiệp làm ăn khá tốt, tăng tưởng và có lãi nhưng giá cổ phiếu vẫn đi xuống. Giá đại đa số các cổ phiếu “rất ngon” của ông Thành đều mất giá, tính chung cho tới nay đã thua lỗ 30-40%, tùy mã.

Tình trạng “chơi kiểu gì cũng chết” như ông Thành cũng là cảnh ngộ mà nhiều nhà đầu tư cá nhân gặp phải trong thời gian qua. Khi thị trường có sóng thì không bắt được, khi gió tan sóng hết thì lại nhảy vào ôm bom. Cổ phiếu có thông tin tốt, tăng giá mạnh thì họ cũng là người đến sau. 

đại gia
 Nhiều nhà đầu tư rút dần khỏi chứng khoán
Một số nhà đầu tư tự an ủi rằng “đây là vùng đáy, mua vào về lâu dài kiểu gì cũng thắng, nếu không chỉ cần ăn cổ tức thôi cũng tốt rồi, không cần mất ăn mất ngủ, canh bảng lướt sóng như trước kia”. Điều cần quan tâm có lẽ chỉ là chọn sao cho được những cổ phiếu của các doanh nghiệp có ngành nghề ổn định, ngành trụ cột của nền kinh tế, chọn những doanh nghiệp đầu ngành có tình hình làm ăn tốt là được.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ ăn. Đợt sóng đầu năm 2013 đã không kéo dài như tính toán. Nhiều doanh nghiệp vẫn chìm ngập trong khó khăn. Doanh nghiệp tốt thì có cổ phiếu giá quá cao, mua vào vẫn lỗ như thường. Cổ tức trả ở mức rất thấp và sự chậm trễ, trì hoãn trở nên khá phổ biến.

Gần đây, cho dù vĩ mô được nhận định có nhiều điểm sáng nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp  niêm yết vẫn khá èo uột. Rất nhiều doanh nghiệp  thua lỗ, thậm chí có tương lai mịt mờ không biết sống chết ra sao. Nhiều doanh nghiệp  không trả cổ tức hoặc chi trả hoặc tạm ứng ở mức rất thấp, xoay quanh mức 5% như SFN (2%), HTL (5%), CII (4%), PVS (5%), CMV (5%)…

Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong năm 2012 và đầu 2013 tìm cách trì hoãn trả cổ tức cho cổ đông. PTL gần đây bị cơ quan quản lý tuýt còi vì 4 lần gia hạn thời gian trả cổ tức 2011 dù chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ, 4%. CDC cũng xin gia hạn trả cổ tức đợt 1 năm 2011 đến 2014. Còn SD7 xin lùi trả cổ tức 2010 đến tận quý II/2014!...

Thay vì trả bằng tiền, nhiều đơn vị trong 1-2 năm gần đây chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Họ phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, đồng thời tăng vốn, gia tăng quy mô doanh nghiệp .

Ở một số doanh nghiệp trong nhiều năm qua cổ đông không biết đến cổ tức như trường hợp PHS, CMG, SSI, SC5, PFV, MSN… Lý do có nhiều, có thể là thua lỗ, có thể là dành tiền cho mục đích phát triển dài hạn…

Đại gia lên sàn nhìn nhau

Giải thích cho tình trạng thị trường đi xuống, cổ phiếu giảm giá kéo dài, thanh khoản liên tục giữ ở mức thấp trong thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán cho rằng là bởi thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro trước những biến động địa chính trị trên thế giới. Dòng tiền đang khá thận trọng và chưa thực sự sẵn sàng tham gia thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, niềm tin trên thị trường chứng khoán bị xói mòn trong nhiều năm qua dường như chưa được phục hồi trở lại. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết, họ đã thực sự chán nản và muốn thoát ra khỏi thị trường chứng khoán bởi thua lỗ nhiều, bởi chứng khoán không phải dành cho “nhỏ lẻ”, những người thiếu thông tin, không quyền lực, ít chiêu trò.

Rất nhiều người đã mất phần lớn số vốn đổ vào chứng khoán trong những năm gần đây. Họ thất vọng bởi thị trường đã giảm sâu trong nhiều năm qua nhưng vẫn không thể phục hồi. Rất nhiều cổ phiếu có giá vài ba nghìn đồng và phần lớn thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng.

Câu hỏi được đặt ra là các cổ phiếu bị đánh giá quá thấp hay thực tế giá trị chỉ có như vậy và thị trường đã phản ánh đúng?.

Khó có thể trả lời những câu hỏi như vậy bởi mỗi doanh nghiệp mỗi khác, mỗi cổ phiếu mỗi khác. Chỉ có điều, một số doanh nghiệp làm ăn tốt, chia cổ tức cao thì giá cổ phiếu lại cao ngất trời như VNM, TCT, VCF, HGM, DXP, BMP… Tính ra tỷ lệ lợi nhuận thu được từ cổ tức không hề cao, chưa muốn nói là rất thấp.

Một số mã có giá rất hấp dẫn như: PTG (giá 4.200 đồng/cp, trả cổ tức bằng tiền 1.000 đồng/cp), TVG (giá 1.900 đồng, cổ tức 2.000 đồng/cp), KBE (giá 5.500 đồng, cổ tức 2.000 đồng)… thì gần như không có giao dịch cả năm trời, muốn mua cũng không được, không có ai bán.

Trên thực tế, việc trực tiếp đầu tư cổ phiếu là rất khó khăn với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Trên thế giới, các nhà đầu tư cá nhân không tham gia trực tiếp mà đầu tư thông qua các tổ chức, các quỹ đầu tư. Tại Việt Nam, trong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán cũng có một mảng quan trọng là tái cấu trúc nhà đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, với trình độ của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có lẽ vẫn rất cần nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ bởi các mảng quỹ đầu tư chưa phát triển, chưa đủ sự tin tưởng; các sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng. Trong khi đó, các tổ chức cũng không dễ tìm các nguồn vốn từ ngân hàng, từ các nguồn khác để đầu tư vào chứng khoán. thị trường chứng khoán cũng không thể phụ thuộc vào khối ngoại bởi sự rút vốn ồ ạt của khối này có thể gây ra khủng hoảng.

Nhưng đáng buồn là, niềm tin vào thị trường, vào các doanh nghiệp, vào các ông chủ doanh nghiệp, vào sự minh bạch dường như vẫn đang tiếp tục bị bào mòn. Do vậy, chứng khoán có lẽ đang dần trở thành sân chơi của các đại gia với nhau và nếu đúng vậy tính thanh khoản có thể ngày càng bị đe dọa.

Theo Mạnh Hà/Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn