Sau lần đấu giá nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) lên trên 50% "hụt" vào đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Siam Cement Group – SCG của Thái Lan đã chính thức tuyên bố hoàn tất việc thâu tóm tại Nhựa Bình Minh.
Cụ thể, trong thông báo mới đây, ngoài việc công bố kết quả kinh doanh của Tập đoàn SCG tại Việt Nam sau quý I, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.
Đây là lần đầu tiên đại gia nhựa đến từ Thái Lan tuyên bố hoàn tất thương vụ kể từ thời điểm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán đấu giá toàn bộ 24,16 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,51% vốn Nhựa Bình Minh vào đầu tháng 3 vừa qua.
Trong phiên đấu giá cổ phần SCIC nắm giữ tại Nhựa Bình Minh, Tập đoàn SCG đã đăng ký mua toàn bộ 24,16 triệu cổ phần SCIC chào bán, nhưng một nhà đầu tư cá nhân khác đã trúng thầu với khối lượng 20.000 cổ phiếu BMP, SCG đã không thể nâng sở hữu tại BMP lên trên 50%. Kết quả, dù chi tới hơn 2.300 tỷ đồng nhưng Nawaplastic (công ty con của SCG) chỉ nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh từ 20,4% vốn điều lệ lên 49,92% vốn.
Sau đó, Nawaplastic đã phải đăng ký mua thêm 818.609 cổ phiếu BMP giao dịch trên sàn chứng khoán, để nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 50,9% như tuyên bố mới đây.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của Nhựa Bình Minh, Nawaplastic Industries cũng đã đề cử 3 nhân sự, là ông Sakchai Patiparnpreechavud (nguyên Giám đốc công ty SCG Plastic), ông Sumphan Luveeraphan (Giám đốc NPI) và ông Wisit Rechaipichitgool vào HĐQT công ty.
Ông Sakchai Patiparnpreechavud được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT Nhựa Bình Minh, 2 người còn lại là thành viên HĐQT.
Vị trí lãnh đạo cao nhất trong ban điều hành hiện do ông Nguyễn Hoàng Ngân đảm trách, với vai trò Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á về ngành bao bì và nhựa. SCG bắt đầu mở rộng đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992, với tuyên bố chi ngân sách cho M&A tại thị trường Việt lên tới 5-6 tỷ USD đến năm 2020.
Trước Nhựa Bình Minh, SCG đã có nhiều thương vụ mua bán lớn tại Việt Nam, như chi khoảng 5.000 tỷ đồng mua lại doanh nghiệp gạch Prime Group vào cuối năm 2012. Đầu năm 2017, SCG cũng đã chi 160 triệu USD mua 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam.
SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái... Ngoài ra, SCG cũng có vốn tại một số công ty Việt Nam khác như Công ty Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP (Hà Nội), Công ty Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty Sản xuất bao bì Packamex (Việt Nam)...
Hiện tại, SCG đang nắm trong tay khoảng 21 công ty tại Việt Nam và vẫn đang mở rộng từng ngày.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của SCG tại Việt Nam cho biết hiện tổng tài sản của SCG Việt Nam lên tới 36.369 tỷ đồng, với doanh thu bán hàng 3 tháng đầu năm lên tới 6.061 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Video: Doanh nghiệp Việt rót 2200 tỷ đồng để cạnh tranh Grab
Bình luận