• Zalo

Đại gia Thái Lan lũ lượt thâu tóm doanh nghiệp Việt

Kinh tếThứ Năm, 11/07/2013 02:00:00 +07:00Google News

Từ khách sạn, gạch ốp lát, nhựa đến chuỗi bán lẻ... nhiều đại gia Thái Lan tiến vào thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động mở rộng đầu tư và thâu tóm.

Từ khách sạn, gạch ốp lát, nhựa đến chuỗi bán lẻ... nhiều đại gia Thái Lan đang hùng dũng tiến vào thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động mở rộng đầu tư, thâu tóm các doanh nghiệp.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết quý I/2013, Thái Lan đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 303 dự án và 6,1 tỷ USD vốn đăng ký.

Thâu tóm khách sạn Melia, chuỗi bán lẻ Family Mart

Giàu thứ ba Thái Lan, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Berli Jucker (lĩnh vực đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... ), và TTC Land (lĩnh vực bất động sản).

Gần đây, tỷ phú Thái đã có động thái rõ ràng nhằm tấn công thị trường Việt Nam.

Hiện TTC Land đã có tài sản tại Việt Nam. Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, tập đoàn chuyên đi thâu tóm bất động sản này đang nắm giữ 65% cổ phần khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.

FamilyMart
FamilyMart được bán cho đại gia Thái 
TTC hiện quản lý nhiều khách sạn, văn phòng cũng như các bất động sản khác ở khắp châu Á, Australia, 1 khách sạn ở châu Âu và 1 khách sạn tại Mỹ.

Tới đầu năm 2013, tập đoàn Berli Jucker (BJC) tiếp tục chi 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Gần đây BJC đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Việt Nam. Việc mua lại này được tiến hành thông qua Công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI) có phần góp vốn từ BJC của tỉ phú Charoen. Sau thương vụ này, các cửa hàng tiện lợi của Family Mart liên doanh với Phú Thái đều bị đổi tên thành B'mart. Ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc Điều hành TCI, cho biết: “Chuỗi bán lẻ B’mart dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu ít nhất là 5 tỷ bath (hơn 3.300 tỷ đồng) trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 70% hàng hóa tại đây sẽ có xuất xứ từ Thái, còn lại là hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, năm 2008, tỉ phú người Thái này còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, chuỗi nhà hàng này cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.

Mua Prime Group với gần 5.000 tỷ đồng

Prime Group là tập đoàn đầu tư đa ngành, đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng nhất là gạch ốp lát. Prime Group hiện có công suất 75 triệu m2 gạch mỗi năm và chiếm 20% thị phần gạch trong nước.

Siam Cement Group (SCG) là một DN lớn nhất Thái Lan hoạt động tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.

Cuối năm 2012, SCG lại định giá Prime ở mức 280 triệu USD (khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng). Mức giá này cao hơn nhiều so với giá trị thực của Prime Group. Được định giá cao, các cổ đông của Prime không ngần ngại bán cổ phần cho Prime, và kết quả là SCG mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng gần 5.000 tỷ đồng.

Prime
 SCG mua lại 85% cổ phần của Prime Group
SCG coi Việt Nam thị trường chiến lược và bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992 và hiện có 17 công ty với tổng giá trị tài sản hơn 370 triệu USD, doanh thu 300 triệu USD với hơn 2.300 nhân viên Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác ở Việt Nam như tổ hợp hóa dầu tại miền Nam.

Tại Việt Nam, SCG hiện đã đầu tư vào khá nhiều công ty như: Công ty sản xuất các sản phẩm và tổ hợp bê tông Việt Nam, Công ty Việt - Thái Plastchem, Công ty TPC Vina, Công ty Chemtech, Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty giấy Vina Kraft, Công ty New Asia Industries, Công ty cổ phần Sản xuất Bao bì Alcamax Packaging, Công ty CPAC Monier Vietnam, Công ty SCG Trading Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty cổ phần nhựa Bình Minh.

Lấn sân thị trường nhựa

Giữa năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd thuộc tập đoàn Thai Plastic and Chemicals, cũng đã gom một lượng lớn cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Đây là 2 doanh nghiệp nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Công ty nhựa Thái Lan này đã mua vào hơn 9,82 triệu cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong và 5,85 triệu cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh. Hiện Nawaplastic đang nắm giữ 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh và 22,7% cổ phần của Nhựa Tiền Phong và trở thành cổ đông lớn của cả 2 doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng hàng đầu trong nước.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, Nawaplastic Industry sẽ mượn hệ thống phân phối của Bình Minh và Tiền Phong để đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam và sau đó bằng tiềm lực về tài chính, có thể thu gom cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát như trường hợp đối với Công ty Bánh kẹo Bibica ở Đồng Nai.

CP - công ty Thái Lan đầu tiên có mặt tại Việt Nam

Vào Việt Nam từ năm 1993, với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai, đến nay, C.P. Vietnam Corp. đang dẫn đầu thị trường cung cấp thức ăn gia súc tại Việt Nam.Từ mảng sản xuất thức ăn gia súc, C.P đã dần khép kín quy trình sản xuất đến chế biến thực phẩm và phân phối.

Tham vọng mở rộng của C.P tại thị trường Việt Nam có thể thấy qua các cuộc "tìm mua" công ty nội địa, đáng chú ý là việc đặt vấn đề trả giá gấp đôi để sở hữu 40% cổ phần của công ty chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, Công ty CP Minh Phú (MPC).

C.P Việt Nam cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến tại đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh mảng này trong tương lai; trong đó, họ vừa mua lại một cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh ở Cà Mau.

Theo Nhị Anh/Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn