Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm là 2 'lâu đài' tọa lạc ở vị trí đắc địa thuộc nhóm đất vàng của khu Phú Mỹ Hưng, tại số 2 - 6 Phan Văn Chương, khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, quận 7 (TP HCM). Trước đây bất động sản này do Tập đoàn Khaisilk thuê từ Phú Mỹ Hưng và sở hữu, khai thác nhiều năm.
Chloe Hospitality, đơn vị vừa nắm quyền sở hữu 2 dự án này, là tên tuổi mới nổi trong ngành quản lý bất động sản, chỉ mới thành lập đầu tháng 9/2018. Tập đoàn dự kiến sẽ gắn thương hiệu mới cho các dự án là Chloe Gallery với mô hình hoạt động có nhiều thay đổi so với trước đây.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Điều hành Chloe Hospitality cho biết, công ty sở hữu và khai thác 2 dự án này cho đến khi hết thời hạn thuê. Đây là hai bất động sản có nhiều tiềm năng phát triển tốt. Doanh nghiệp sẽ giữ lại vẻ đẹp vốn có của dự án, song cũng sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế hiện nay.
Theo kế hoạch, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ: ẩm thực, tiệc cưới, sinh nhật, sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông... đến trình diễn sản phẩm. Dự án bắt đầu mở cửa đón khách sau giai đoạn chỉnh trang và đến cuối tháng 12/2018, sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Chloe Hospitality được thành lập tháng 9/2018, vốn điều lệ 36 tỷ đồng, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp này đặt trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương – địa chỉ tòa lâu đài theo phong cách kiến trúc Ấn Độ TajmaSago.
Đầu tháng 12, công ty thay đổi nhân sự cấp cao khi chức danh Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật được giao cho bà Đào Ngọc Bảo Phương, sinh năm 1994. Thông tin về thuế và hộp thư điện tử của Chloe Hospitality đặt tại Bến Thành Land, tiền thân của Công ty cổ phần Capella Holdings.
Trước khi về tay Chloe Hospitality, khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm từng là hai bất động sản đình đám của ông chủ Khaisilk - doanh nhân Hoàng Khải. Ông Hoàng Khải, vốn được biết đến là người đã gây dựng nên "đế chế" Khaisilk, khởi nguồn là một cửa hàng thêu gia đình từ những năm cuối thập niên 80.
Đầu những năm 2000, ông Hoàng Khải quyết định Nam tiến, đồng thời "lấn sân" sang lĩnh vực nhà hàng và khách sạn với nhiều thương hiệu định vị cao cấp được xây dựng sau đó như Au Menoir de Khai, Hội An Riverside, Sài Gòn Paragon... Dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ, công ty của ông Hoàng Khải đều âm vốn điều lệ do hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Cuối tháng 10/2017, Khaisilk đối mặt với khủng hoảng nặng nề nhất từ lúc thành lập do người dùng phản ánh việc mua lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác. Ông Hoàng Khải cũng thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.
Bộ Công Thương sau khi kết luận những sai phạm của doanh nghiệp này đã chuyển hồ sơ, chứng cứ sang cơ quan điều tra, đề nghị truy tố do có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đến cuối năm, ông Hoàng Khải không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Khaisilk, phụ trách mảng kinh doanh lụa và sau này là hệ thống nhà hàng cao cấp.
Bình luận