• Zalo

"Đại gia" HSBC đóng cửa chi nhánh tại Nhật Bản

Kinh tếThứ Sáu, 24/02/2012 07:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Ngân hàng lớn nhất châu Âu vừa tuyên bố đóng cửa 6 chi nhánh tại Nhật Bản, đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân tại quốc gia này.

(VTC News) – Ngân hàng lớn nhất châu Âu vừa tuyên bố đóng cửa 6 chi nhánh tại Nhật Bản, đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân tại quốc gia này.

Theo quyết định trên, HSBC sẽ chính thức ngừng kinh doanh mảng ngân hàng cá nhân từ 8/3 và các chi nhánh tại Tokyo, Osaka và Nagoya sẽ đóng cửa trước ngày 31/7. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong mảng chứng khoán và quản lý tài sản.

Những động thái trên nằm trong kế hoạch thu hẹp kinh doanh của HSBC tại châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. CEO HSBC – ông Stuart Gulliver - tuyên bố muốn cắt giảm 3,5 tỷ USD chi phí mỗi năm và tập trung hơn vào hoạt động tại châu Á bằng cách từ bỏ các nước hoặc các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ.

Vào tháng trước, ngân hàng này cũng đạt được thỏa thuận nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Costa Rica, El Salvador và Honduras cho một ngân hàng của Columbia với giá 801 triệu USD nhằm tập trung vào các thị trường lớn hơn tại châu Mỹ La tinh.

HSBC đang tiến hành kinh doanh một cách chọn lọc hơn

HSBC mở chi nhánh đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1866 tại thành phố Yokohama. Vào năm 2008, tập đoàn quyết định mở thêm ba chi nhánh tại Tokyo, nhắm vào đối tượng khách hàng là những người có “sức ảnh hưởng lớn”, nắm trong tay khoản tiền tiết kiệm trên 10 triệu Yên (tương đương 125000 USD).

Hai năm sau, HSBC có mặt tại Osaka và Nagoya – hai thành phố lớn thứ 2 và 3 tại Nhật Bản với trọng tâm là mảng dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Trong những năm gần đây, tại Nhật Bản, các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Citigroup hay Standard Chartered đã gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng nội địa.

Trên thị trường thế giới, HSBC cũng đã đánh mất vị trí ngân hàng lớn nhất thế giới vào tay Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC). Các “lão thành” trong lĩnh vực này cũng đang phải trầy trật cạnh tranh với những “anh tài” mới nổi từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo một số liệu thống kê vào năm ngoái, 3/10 ngân hàng lớn nhất thế giới là ngân hàng Trung Quốc.

Dung Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn