• Zalo

Đại gia Hà Văn Thắm dùng công ty sân sau lách chính sách thế nào?

Pháp luậtChủ Nhật, 25/12/2016 08:54:00 +07:00Google News

Để lách chính sách của NHNN về trần lãi suất, mua bán ngoại tệ, Hà Văn Thắm sử dụng công ty sân sau, rồi sinh ra một loại hợp đồng “thu phí”.

Công ty CP BSC Việt Nam (viết tắt Công ty BSC) là công ty sân sau của cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm (SN 1972).

Công ty này được Hà Văn Thắm thành lập vào đầu năm 2008 với tổng số vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng.

Trong vòng một năm, Công ty BSC Việt Nam của Hà Văn Thắm 3 lần thay đổi đăng ký kinh doanh.

dai gia ha van tham su dung cong ty san sau nhu the nao hinh 1

Số tiền thu phí của Công ty BSC chủ yếu phục vụ cho cựu TGĐ Nguyễn Xuân Sơn. 

Hoàng Thị Hồng Tứ - Thư ký HĐQT Oceanbank được cựu chủ tịch ngân hàng nhờ đứng tên và đại diện trước pháp luật với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty BSC.

Tứ vốn là tốt nghiệp đại học sân khấu điện ảnh, được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào Oceanbank làm giúp việc hành chính, văn phòng cho HĐQT, không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng.

Khi được cựu Chủ tịch Oceanbank nhờ đứng tên pháp nhân Công ty BSC, Tứ không góp vốn, không được điều hành và không được hưởng lương của Công ty BSC.

Ngoài Hoàng Thị Hồng Tứ thì công ty còn có 4 người trong đó có Phạm Hoàng Giang (SN 1975) – cựu TGĐ Công ty BSC. Giang cũng là người của Oceanbank. Tại Oceanbank, anh ta giữ vị trí Phó trưởng Phòng pháp chế. Với chức danh TGD Công ty BSC, Giang được hưởng thêm 10 triệu đồng/tháng.

Trong chính sách ngân hàng của Hà Văn Thắm, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, anh ta đã sử dụng Công ty BSC thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại Oceanbank.

Lúc này, vai trò của Nguyễn Hoàng Giang là đại diện Công ty BSC ký các hợp đồng dịch vụ trong các lĩnh vực như: Thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản, đại lý bảo hiểm, mua bán kỳ hạn bất động sản, vay vốn ngân hàng…

Đồng thời, Hà Văn Thắm giao cho Nguyễn Văn Hoàn – Phó TGĐ Oceanbank triển khai thực hiện việc ký hợp đồng dịch vụ thu phí tại các khối nghiệp vụ thuộc hội sở và chi nhánh, phòng giao dịch đối với khách hàng vay vốn để chuyển vào tài khoản của Công ty BSC.

Cựu Chủ tịch Oceanbank, giao cho người nhà là Lê Thị Minh Nguyệt – thành viên Ban kiểm soát quản lý tài chính Công ty BSC và thực hiện việc chi “chăm sóc khách hàng” PVN theo yêu cầu của cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn.

Thời điểm đó, tỉ giá giao dịch ngoại tệ ngoài thị trường cao hơn tỉ giá do NHNN quy định, lãnh đạo của Oceanbank đã chỉ đạo trên toàn hệ thống việc thu thêm tiền chênh lệch ngoài tỉ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng bằng cách yêu cầu ký các hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC.

Theo đó, khi khách có nhu cầu vay vốn hoặc mua ngoại tệ, cán bộ tín dụng vác khối kinh doanh và các chi nhánh sẽ đàm phán, thỏa thuận với khách hàng về lãi suất thực tế cho vay hoặc tỉ giá thực tế giao dịch (cao hơn tỉ giá quy định của NHNN).

Khi khách hàng đồng ý thì cán bộ tín dụng lập hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán ngoại tệ với lãi suất đúng bằng giá niêm yết. Phần chênh lệch của khách hàng được hợp thức bằng hợp đồng dịch vụ ký với Công ty BSC.

Ngoài ra, tại Công ty BSC còn thực hiện các hợp đồng vay tiền cho các khách hàng không có tài sản đảm bảo, giấy tờ pháp lý không đầy đủ, không có phương án kinh doanh… nhưng có nhu cầu vay vốn vượt trần lãi suất quy định.

Phương thức được thực hiện là Công ty BSC sẽ vay tiền của Oceanbank. Hết thời hạn hợp đồng, khách hàng thanh toán cho Công ty BSC tiền đã vay cộng thêm một khoản phí dưới hình thức mua lại tài sản, bất động sản đã bán cho Công ty BSC. Tiền chênh lệch này, cựu chủ tịch ngân hàng sử dụng vào việc chăm sóc khách hàng.

Kết quả điều tra xác định, với phương thức hoạt động trên, Công ty BSC thu phí ngoài lãi suất hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán ngoại tệ và hợp đồng mua bán tài sản gần 69 tỷ đồng.

Số tiền 69 tỷ đồng này, Hà Văn Thắm chỉ đạo thuộc cấp chi cho Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank, biệt phái của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại ngân hàng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 20% cổ phần tại Oceanbank).

Khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2010, mỗi khi Nguyễn Xuân Sơn cần dù không trực tiếp đến nhưng các khoản tiền đều được chuyển cho cựu TGĐ bằng cách này hay cách khác. Chứng từ được cơ quan điều tra thu thập được thì tổng số tiền Công ty BSC chi cho Nguyễn Xuân Sơn vào khoảng gần 70 tỷ đồng.

Trong hành vi “thu phí” ngoài hợp đồng trái với quy định của NHNN, cơ quan điều tra xác định chủ yếu là để sử dụng cho mục đích vụ lợi của Nguyễn Xuân Sơn.

Với việc làm sai trái của nhân sự tại Công ty BSC, Phạm Hoàng Giang bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Không được hưởng lợi, không biết bản chất của các hợp đồng mà mình dặt bút ký, quá trình điều tra thành khẩn khai báo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình có hoàn cảnh nên cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự đối với cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC Hoàng Thị Hồng Tứ.

Video: Xếp hạng thu nhập nhân viên các ngân hàng Việt Nam

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn