• Zalo

'Đại gia' đồn điền bị bắt: Nỗi lo sau 'lệnh' triệu tập

Pháp luậtThứ Sáu, 24/08/2012 05:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Hàng trăm công nhân đồn điền cao su đang mong mỏi sự phán xét công bằng của cơ quan pháp luật với giám đốc của mình để cuộc sống trở lại ổn định.

(VTC News) – Hàng trăm công nhân đồn điền cao su đang mong mỏi sự phán xét công bằng của cơ quan pháp luật đối với giám đốc của mình để cuộc sống công nhân trở lại ổn định.

Sau khi nhận được đơn thư của hàng trăm công nhân đang làm việc tại đồn điền cao su Đông Nam Long (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) về việc cứu xét đối với ông Trần Văn Thìn – Giám đốc công ty Đông Nam Long, PV VTC News đã về tận nơi để tìm hiểu thực tế.

Về đến xã Lộc Thành, chúng tôi vượt qua hơn 10 km đường làng gồ ghề đất đỏ để đến được trụ sở của đồn điền cao su Đông Nam Long. Những hàng cao su tăm tắp, thẳng đều sau nhiều năm vun trồng giờ đang vào vụ thu hoạch.

Hàng chục công nhân đang cạo mủ tại đồn điền cao su Đông Nam Long

Thấp thoáng trong những lô rừng cao su xa xa, hàng chục công nhân đang cần mẫn cạo mủ, đón thành quả của mình sau nhiều năm chăm sóc.

Ông Trần Văn Thạnh (anh trai ông Thìn) hiện đang làm quản lý chung tại đây đã tiếp đón chúng tôi nồng hậu với vẻ chân chất của một người nông dân đồn điền Nam bộ.

Ngay từ những ngày đầu ông Thìn lên vùng đất này gây dựng vườn cao su lập nghiệp, ông Thạnh đã theo em phụ trách quản lý, đào tạo, hướng dẫn công nhân kỹ thuật trồng cao su.

“Dự án chúng tôi triển khai từ năm 2004, với tổng diện tích khoảng 568 ha cao su. Sau 6 năm chờ mong, đầu năm 2010 cây cao su bắt đầu mở miệng cho mủ. Năm 2011 lượng mủ chúng tôi khai thác vào khoảng 1,2 tấn/ngày. Đến năm 2012, lượng mủ khai thác đã lên 5 tấn/ngày. Đó là thành quả của một quá trình phấn đấu không ngừng của anh em công nhân và những người quản lý tại đây.” – ông Thạnh hồ hởi giới thiệu.

Nhưng vừa nói đến đây ông lại ngậm ngùi: “Cây vừa đến ngày hái quả, đang rất cần một người lãnh đạo chăm lo cho đồn điền, cho hàng trăm công nhân thì em trai tôi lại rơi vào vòng lao lý. Trước đó cơ quan chức năng đã nhiều lần luận tội em tôi nhưng cơ quan cấp trên đều không phê chuẩn, vì sự việc chỉ là tranh chấp dân sự, không đến mức phải khởi tố hình sự. Vậy mà, giờ hành vi của em tôi không gây hậu quả nghiêm trọng, không cần phải dùng đến biện pháp ngăn chặn, nhưng vẫn bị giam giữ. Công ty đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.”

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Hữu Bình, người quản lý kỹ thuật của đồn điền cho biết, công ty hiện có gần 200 công nhân đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, xịt thuốc cỏ, đào mương, khai thác mủ cao su…Công ty có khoảng 50% công nhân là người dân tộc (Xtiêng, Khơ me; Tày) còn lại là người Kinh.

Dưới sự quản lý của ông Thìn, anh em công nhân sống hoà đồng. Đời sống công nhân được chăm lo chu đáo. Thu nhập bình quân của công nhân vào khoảng 3,8 triệu đồng/người. Nếu làm thêm ngoài giờ, có người thu nhập lên tới hơn 5 triệu đồng/người.

Vừa qua, liên quan đến việc giám đốc của họ bị bắt giữ, nhiều công nhân đã viết đơn mong cơ quan chức năng cứu xét với mong muốn ông Thìn được tại ngoại. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà 51 công nhân của công ty đã bị triệu tập lên cơ quan công an để lấy lời khai. Nhiều người cho rằng họ không có tội gì mà phải bị triệu tập. Số công nhân khác không hiểu biết thì bỏ việc không đến làm vì sợ công an…bắt.

Gặp chúng tôi khi đang cạo mủ, chị Thị Vét (SN 1984, dân tộc Khơ me) chia sẻ: “Chúng tôi là những người lao động nghèo, chỉ mong muốn có đời sống ổn định. Chúng tôi viết đơn cũng chỉ mong muốn ông chủ được tại ngoại về lo đời sống cho công nhân. Ông ấy bị tạm giam dẫn đến việc chúng tôi được tăng lương, việc đóng bảo hiểm đều bị trì hoãn.”

Cùng chung tâm trạng, anh Lâm Dương (SN 1985, dân tộc Khơ me) cho biết: “Việc chúng tôi làm đơn cứu xét thì có gì sai đâu. Đó là mong muốn chính đáng của người lao động. Chúng tôi không có tội nên không thể triệu tập chúng tôi lên mà không biết nội dung triệu tập là gì.”

Trong khi đó, một số công nhân làm đơn cứu xét không bị cơ quan chức năng triệu tập thì thấy rất bất bình. Chị Nguyễn Thị Mạnh (SN 1964, dân tộc Kinh) nói: “Từ khi giám đốc chúng tôi bị bắt, chưa thấy một ai trong số những người góp vốn cho công ty lên thăm hỏi. Chính quyền địa phương cũng không thấy quan tâm. Số phận chúng tôi giờ chỉ mong sao giám đốc được về nhà để tạm thời lo công nhân. Người có tội thì phải chịu tội, nhưng nếu không có tội thì cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng làm rõ để xử lý đúng người đúng tội, tránh gây hoang mang cho công nhân chúng tôi.”

Trước đó, VTC News đã đưa tin năm 2001, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền và ông Trần Văn Thìn bàn, thống nhất mỗi người góp 50% vốn để thành lập Công ty TNHH Đông Nam Long đặt trụ sở tại TP.HCM, do ông Thìn làm giám đốc. Công ty đã đầu tư trồng mới gần hơn 568ha cao su tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (Bình Phước).

Năm 2006 bà Tuyền và ông Thìn kết hôn, nhưng sau đó giữa hai người phát sinh mâu thuẫn nên ly hôn. Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty họp thống nhất chia tài sản, theo đó bà Tuyền được quản lý sử dụng hơn 363ha cao su; phần còn lại 205ha thuộc quyền của ông Thìn.

Năm 2011 bà Tuyền tố cáo ông Thìn đến Công an tỉnh Bình Phước về hành vi giả mạo chữ ký, nâng khống vốn điều lệ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ tố cáo của bà Tuyền, Công an địa phương nhiều lần triệu tập ông Thìn lên để làm việc.

Ngày 4/7/2011, Cơ quan công an tỉnh Bình phước ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Thìn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng sau đó, các quyết định khởi tố này đều bị Viện KSND tỉnh Bình Phước và Viện KSND Tối cao không phê chuẩn và hủy bỏ vì đây chỉ là tranh chấp dân sự và việc khởi tố là không đúng với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến vụ việc, ngày 31/5/2012, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Thìn về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn