Tư lệnh U70
Thuộc lớp doanh nhân gạo cội lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội nhưng ông Thản lại khởi nghiệp kinh doanh từ tỉnh nghèo miền núi Điện Biên với nghề xây lắp.
Trước khi bị khởi tố, ông Thản đã bước sang tuổi 70 song vẫn đóng vai trò tư lệnh điều hành các hoạt động kinh doanh của hai công ty tên tuổi là Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên và Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh.
Ngày 5/7, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và gửi đến VKSND thành phố Hà Nội để xem xét phê chuẩn. Ngày 8/7, VKSND TP.Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội đối với Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.
Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên được ông Thản thành lập từ những năm 1990 với tên gọi Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu. Dù đặt trụ sở tại Điện Biên nhưng doanh nghiệp này lại là chủ đầu tư của nhiều dự án khu đô thị ở Hà Nội như HH Linh Đàm, Xa La, Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ, Thanh Hà...
Thành công với bất động sản, ông Thản bắt đầu chuyển hướng sang khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng. Mảnh đất khởi nguồn vẫn là TP. Điện Biên Phủ với khách sạn đầu tiên được xây năm 1997. Từ Điện Biên, ông Thản nhìn thấy những cơ hội và chuyển hướng đầu tư về Hà Nội. Liên tục trong những năm sau đó, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt ra đời.
Thời điểm hiện tại, sau chuỗi sự kiện khai trương các khách sạn Mường Thanh Hà Nội Centre, Cửa Lò, Cần Thơ, Lào Cai, Sài Gòn, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi,… Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh đã chính thức ghi thêm vào “chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam” của mình con số 60 khách sạn trải dài trên khắp cả nước.
"Ông trùm" nhà giá rẻ
Trên thị trường bất động sản, ông Lê Thanh Thản được mệnh danh “ông trùm nhà giá rẻ” nhờ triết lý nhanh, rẻ.
Mảnh đất đầu tiên ông Thản chọn khi về Hà Nội lập nghiệp là ở bán đảo Linh Đàm. Những năm 90, đây chỉ là khu vực ngập nước kém phát triển ở xa trung tâm Hà Nội. Nhưng ông Thản nhanh chóng nhìn thấy cơ hội, dồn tiền mua và xây dựng một khu đô thị hoành tráng.
Từ bàn đạp Linh Đàm, ông Thản bắt tay thực hiện dự án Khu đô thị Xa La, Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ với mức giá bán gần như rẻ nhất thị trường. Để có giá cạnh tranh, ông Thản làm nhanh nhất có thể, tăng mật độ xây dựng, không dùng vốn vay, không tiếp thị quảng cáo… Nhờ vậy, mỗi căn hộ chung cư được ông Thản bán với giá khoảng 15 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng một căn hộ.
Triết lý kinh doanh này giúp ông Thản bán nhà một cách nhanh nhất, sớm thu hồi vốn và lãi "tiền tươi thóc thật". Tuy nhiên, nó cũng khiến ông Thản chịu nhiều chỉ trích và hiện tại đang vướng vòng lao lý.
Ngược với bất động sản, mảng khách sạn, nghỉ dưỡng của ông Thản lại được xây dựng với tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao. Giá phòng thấp nhất của chuỗi khách sạn theo niêm yết từ 40 USD - 2.000 USD/đêm.
Trước khi bị khởi tố, ông Thản đã có động thái chuyển giao quyền điều hành tại các doanh nghiệp cho người thân trong gia đình.
Theo đó, sau nhiều năm tu nghiệp ở Anh trở về, con gái cả của đại gia Lê Thanh Thản là Lê Thị Hoàng Yến đã được giao trọng trách điều hành khối khách sạn đồ sộ mang tên Mường Thanh. Hiện, Hoàng Yến đang là Tổng giám đốc của tập đoàn Mường Thanh, sẽ là thế hệ kế nghiệp đầu tiên của tập đoàn gia đình nổi danh này.
Ông Lê Thanh Thản sinh 1949 tại Nghệ An. Vốn là lính thông tin, khi chiến tranh kết thúc, ông Thản lên làm việc tại Lai Châu.
Từng giữ chức phó chánh văn phòng huyện ủy, cuối thập niên 1980, ông Thản tổ chức công nhân tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn. Đầu thập niên 1990 ông Thản nghỉ nhà nước, lập Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Điện Biên, thực hiện các dự án tại tỉnh Điện Biên.
Năm 1993, doanh nghiệp của ông Thản thi công xây dựng khách sạn Điện Biên. Khách sạn hoàn thành năm 1994, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên.
Năm 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị ông Thản nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Ông Thản đổi lấy và xây dựng nên khách sạn Mường Thanh.
Từ đây, thương hiệu Mường Thanh nổi tiếng ra đời.
Bình luận