• Zalo

Đại gia Đặng Thành Tâm sẽ rũ bỏ ngân hàng, chứng khoán

Kinh tếThứ Ba, 17/06/2014 07:17:00 +07:00Google News

Người giàu nhất sàn chứng khoán một thời cho biết, ông chỉ muốn tập trung cho ngành kinh doanh chính và lo xử lý nợ nần.

Người giàu nhất sàn chứng khoán một thời cho biết, ông chỉ muốn tập trung cho ngành kinh doanh chính và lo xử lý nợ nần.

Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho biết: theo tính toán đến năm 2016, ông có thể xử lý xong số nợ trên nghìn tỷ đồng đang tồn đọng. Doanh nhân này cũng chia sẻ sẽ không đầu tư tiếp vào ngân hàng hay chứng khoán trong thời gian tới.

Ông tiết lộ mình từng thua lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng vì cổ phiếu nên không còn tâm trí cho lĩnh vực này.
Ông Đặng Thành Tâm chia sẻ từng lo đến bạc tóc để tính kế thoát nợ. 

Nói về số nợ hiện nay, ông Đặng Thành Tâm cho biết: Mấy năm qua, nợ ngân hàng chúng tôi đã trả gần hết. Hiện chỉ còn nợ trái phiếu. Sau thời gian tái cơ cấu công ty, hiện các nhà băng cũng bắt đầu đồng ý cho chúng tôi vay tiền trở lại và chủ động mời gọi, trong đó có cả ngân hàng quốc doanh. Các khoản vay phải phụ thuộc vào thời điểm đầu tư mới được giải ngân.

Trước đây, nếu doanh số khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, ít nhất tôi phải vay được 700 tỷ đồng. Với mức này, mình có thể dùng 1.000 tỷ đồng để trả nợ và 700 tỷ đồng vay để tái đầu tư. Nhưng tình hình tín dụng chung vẫn còn nhiều khó khăn vì các doanh nghiệp tái cấu trúc xong nhưng chưa có dòng tiền doanh thu thì cũng chưa thể vay được tiền.

Ông Đặng Thành Tâm dự tính, tái cấu trúc nợ cho phép doanh nghiệp được giãn các khoản vay chưa gia hạn lần nào trong 3-5 năm.

“Chúng tôi chưa từng gia hạn nợ trước đó. Nhưng theo kế hoạch nội bộ, nếu Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký, tới năm 2016 chúng tôi sẽ trả hết nợ. Tôi rất tin tưởng hiệp định này sẽ ký. Trường hợp không ký được, chắn chắn vẫn phải theo đúng lộ trình 5 năm, tức là đến năm 2018 mới trả xong nợ.

Trong suy nghĩ cá nhân, do sự cố gắng rất lớn và kết quả thu hút đầu tư thực tế hiện nay, chúng tôi tính chỉ 3 năm nữa là hoàn tất nghĩa vụ này. Năm nay, tôi dự kiến doanh số đạt rất cao, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nếu ngân hàng không cho vay thì tôi dùng 1.000 tỷ đồng để trả nợ. Nhưng trường hợp được vay trở lại, tôi sẽ dùng số tiền này để tiếp tục đầu tư”, ông Tâm nói.

Ông nói thêm, dù cán bộ rất đông nhưng ông cũng không giảm lương. Ông nhấn mạnh: “Chỉ số lạm phát có ngừng đâu. Ít nhất mình cũng phải lo được bằng lạm phát để đời sống anh em công nhân không bị ảnh hưởng. Nhiều lúc lo trả lương bạc cả tóc, nhưng mà nợ lương là nhục lắm.

Công ty tôi cũng có lúc chậm lương nhưng không bao giờ nợ. Thường chỉ chậm 1-2 tháng. Tôi biết nhiều đơn vị kinh doanh khó khăn còn nợ lương hàng năm trời rồi phải cắt giảm nhân sự. Còn các tổ hợp kinh doanh bên tôi vẫn thế, không có chuyện cắt giảm”.

Ông Tâm cũng chia sẻ thêm: “Tôi không có dự định đầu tư vào ngân hàng nữa. Cũng không phải riêng tôi, tất cả các doanh nghiệp khác bây giờ đều nên hiểu rằng phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Sau đợt tái cấu trúc, tôi nghĩ ngân hàng sẽ lành mạnh hóa trở lại và có giá trị. Nhưng công ty vẫn phải tập trung vào ngành chính để kiểm soát rủi ro”.

“Tôi chưa thấy có đất nước nào mà người tham gia chứng khoán lại mạnh mẽ như ở Việt Nam. Bây giờ hầu như ai cũng ngày ngày mở điện thoại xem bảng điện tử. Tôi ngày xưa cũng như vậy nhưng mấy năm nay không dám nhìn. Bạc hết cả tóc. Cổ phiếu xuống dưới hẳn 5.000 đồng thì sao mà sống được, càng nhìn càng chết.

Thực ra tôi từng lỗ nhiều lắm vì bản thân cũng hơi bị “máu”. Sau khi mua chứng khoán xong lại không để ý do công việc quá bận rộn. Một thời gian sau giá xuống thấp, không bán được cho ai để thoát. Mà nhắc về khoản lỗ thì cũng không có gì hay ho cả. Bây giờ mà nói mất một tỷ đồng vì chứng khoán, người ta đã nói mình ngu chứ đừng nói lỗ tới vài trăm tỷ đồng. Còn tôi thì có khi phải mất hàng nghìn tỷ đồng”, ông khẳng định.

Ông cũng đưa ra lời khuyên đối với các nhà đầu tư là hiện nay tình hình kinh tế chưa thể vượt qua khó khăn, tuy vậy ít nhất chúng ta đã thấy có những tín hiệu tích cực. Các chính sách của Chính phủ rất tốt, đầu tư nước ngoài sang nhiều, lãi suất xuống mức thấp như mơ, thị trường đang ấm dần lên. Với những dấu hiệu thế này, tùy các nhà đầu tư quyết định. Ai nhanh tay, nhanh chân thì người đó thắng.

“Tôi thực sự tin tưởng TPP sớm muộn gì cũng sẽ phải ký. Vấn đề chỉ là thời gian, chậm nhất là năm sau. Đó cũng là lý do vì sao đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam. Khối ngoại đã chắc chắn như vậy, tại sao chúng ta không mạnh dạn”, ông Tâm tin tưởng.


Theo Vnexpress 
Bình luận
vtcnews.vn